agribank-vietnam-airlines

Thầm lặng những thiên thần áo trắng

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn  - 
Những hình ảnh đội ngũ bác sĩ, y tá... trên tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM như những thước phim quay chậm, vừa ám ảnh vừa xao xuyến...
aa
Thầm lặng những thiên thần áo trắng

Từ mùa xuân 2022 nhiều hy vọng, ngoảnh lại năm 2021 vừa trôi qua, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cơn bão Covid-19 tràn qua đô thị lớn nhất phương Nam - nơi mình đang cư ngụ. Và trong ký ức ngột ngạt ấy, một vẻ đẹp hiển lộ thật rõ ràng, đó là sự dấn thân của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ là những thiên thần áo trắng thầm lặng hỗ trợ đồng bào vượt qua tai ương khủng khiếp.

Tôi có nhiều người quen mắc Covid-19, có người đã âm thầm ra đi và cũng có người vượt thoát ngoạn mục. Thế nhưng, khi nghe tin bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn qua đời ngày 4/8 năm vừa rồi, thì tôi xao xác khôn nguôi. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn là Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Chỉ mấy tháng nữa thì ông chính thức nghỉ hưu, nhưng ông vẫn bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đáng khâm phục nhất là lúc đã là bệnh nhân được đưa vào khu điều trị, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn vẫn tranh thủ nén những cơn ho để gọi điện an ủi những bệnh nhân khác. Không thể nói khác hơn, đó là y đức, đó là lương tâm đích thực của một thầy thuốc.

Vĩnh biệt bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, một đồng nghiệp của ông là bác sĩ Tự Hàn ở Long Khánh – Đồng Nai đã có bài thơ “Tưởng niệm” đầy day dứt: “Tim tôi như vỡ tan/ nỗi đau thấm từng phế nang/ từng thớ cơ/ từng hồng cầu/ từng nơ-ron/ từng mao quản/ ai chỉ cho tôi ụ đất nào ghi bia mộ tên anh/ Tôi muốn ôm mưa pha hoàng hôn Bến Thành thật xanh/ tôi muốn ôm mưa hòa tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà thở dài ngằn ngặn/ tôi muốn ôm mưa ngồi nghe đất khóc/ Anh ơi”.

Bài thơ “Tưởng niệm” được bác sĩ Tự Hàn gửi tham dự cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tôi và các thành viên Ban giám khảo gần như không cần trao đổi gì mà thống nhất tuyệt đối để trao tặng giải nhất cho bác sĩ Tự Hàn. Vì sao? Vì bài thơ “Tưởng niệm” không chỉ đơn thuần là một tác phẩm thi ca nữa. Ở đó, có hai văn bản được thiết lập song song, một văn bản từ trái tim bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và một văn bản từ trái tim bác sĩ Tự Hàn. Hai văn bản ấy hòa vào nhau, trong câu chữ người nọ thấy tấm lòng người kia, như một tấm khiên mong manh mà kiên định trước sự tàn phá của virus corona.

Tôi có một người bạn nữa, cũng gần một năm chưa về nhà, vì bám trụ ở bệnh viện dã chiến, là bác sĩ Lê Minh Khôi sinh năm 1973, quê quán Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Y dược Huế, bác sĩ Lê Minh Khôi tiếp tục được đào tạo ở Đại học Picardie-Jules Verne - Pháp và sau đó nhận bằng Tiến sĩ Y khoa ở Đại học Rostock - Đức. Ngoài vai trò Phó Giáo sư giảng dạy bộ môn Hồi sức Cấp cứu Chống độc tại Đại học Y dược TP.HCM, bác sĩ Lê Minh Khôi cũng làm việc thường xuyên tại Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bác sĩ Lê Minh Khôi đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Bác sĩ Lê Minh Khôi đam mê viết lách từ thời trai trẻ. Năm 2017, bác sĩ Lê Minh Khôi từng xuất bản cuốn sách “Những sườn núi lấp lánh”. Và cuối năm 2021, bác sĩ Lê Minh Khôi đã kể lại trải nghiệm của mình trong cuốn sách “Phía tây thành phố”.

Tôi tin, không có một lời ca ngợi thiên thần áo trắng nào có sức thuyết phục bằng chính tâm sự của họ được thổ lộ ra trang giấy. Bác sĩ Lê Minh Khôi viết về bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của mình: “Thành phố quyết định xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 10 và giao cho Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Tôi xin giám đốc đi cùng để quyết bám trụ ở đó, nhưng rồi Bộ Y tế lại quyết định bệnh viện phải xây dựng trung tâm hồi sức, bậc điều trị cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sau 12 giờ tiếp nhận, cải tạo một cơ sở hoàn toàn xa lạ, chúng tôi đã có thể chỉnh tề trang phục và nôn nao chờ đón bệnh nhân. Mọi người trong trung tâm hồi hộp theo dõi hành trình của bệnh nhân đầu tiên như tổ không lưu theo dõi máy bay chuẩn bị hạ xuống đường băng mới mở. Cuối cùng thì bệnh nhân đầu tiên cũng đến. Cái khoảnh khắc khi cửa cầu thang mở ra, cô được chuyển vào khu Bạch Đằng, tim tôi gần như lỗi nhịp.

Tôi biết, mình đã khai hỏa trận đánh mà chính mình còn chưa biết đích xác kẻ thù. Chỉ biết rằng trước mặt là khốc liệt, là đêm trắng, là mất mát, là hiểm nguy, là nước mắt lặng lẽ và nụ cười vùi sau lớp khẩu trang bịt bùng. Tôi đã khởi hoạt trận đánh bi tráng nhất đời mình. Tấm ảnh chụp vội chiếc băng ca đưa cô vào khu hồi sức vẫn còn nằm trong điện thoại. Mà không có chiếc điện thoại thông minh thì tâm khảm tôi cũng đã chụp lại, đã quay lại cái khoảnh khắc rưng rưng ấy rồi. Bệnh nhân đầu tiên được đưa vào trung tâm và thực sự cô cũng đã bước vào đời tôi, trong những ngày đau thương nhất của thành phố này”.

Thầm lặng những thiên thần áo trắng

Những hình ảnh bác sĩ chống dịch ở TP.HCM như những thước phim quay chậm, vừa ám ảnh vừa xao xuyến. Nhiều khoảnh khắc không chỉ được các nhiếp ảnh gia ghi lại, mà còn được họa sĩ Lê Sa Long vẽ lại. Bộ sưu tập “Sài Gòn những ngày giãn cách” của họa sĩ Lê Sa Long có một bức tranh được đặt tên “Dòng sữa ngọt ngào” miêu tả một nữ nhân viên y tế đang mớm sữa cho một em bé. Sản phẩm của trí tưởng tượng chăng? Không, đó là sự ghi chép trung thực bằng màu sắc. Nữ nhân viên y tế ấy chính là bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, công tác tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy năm nay 30 tuổi, là người dân tộc K’ho ở Đơn Dương – Lâm Đồng. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy đã gửi con trai K’layson mới hơn 1 tuổi của mình ở quê để tham gia phòng chống Covid-19 suốt nửa năm. Khi thấy hai vợ chồng trẻ nhập viện đều mắc Covid-19 không thể trực tiếp chăm sóc đứa con bé bỏng, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy đã xung phong nhận thêm công việc ấy. Mỗi khi xuống ca trực, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy đã bồng bế và nâng niu em bé xa lạ kia như chính con ruột mình.

Ngành y tế Việt Nam đang đối diện với không ít bất cập, nhưng tấm lòng của đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 không thể nào phủ nhận. Tôn vinh họ qua tác phẩm nghệ thuật tương xứng cũng là điều cần thiết. Đầu năm 2022, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã khởi động dự án điện ảnh có tên gọi “Bản mệnh thiên thần” với sự tham gia của các diễn viên là những gương mặt quen thuộc như Hoa hậu Khánh Vân, Á hậu Huyền My, Jenifer Phạm, NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Tuyết Thu, Thanh Tùng, Tiến Lộc, Băng Khuê, Hiền Ngân, Trịnh Tú Trung, Nguyễn Hồng Nhung… Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, người từng mang đến cho khán giả những bộ phim “Lô tô”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Phượng Khấu”… nên bộ phim “Bản mệnh thiên thần” được nhiều người hy vọng sẽ làm nổi bật được hình ảnh những bác sĩ thời Covid-19.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh hé lộ, bộ phim “Bản mệnh thiên thần” là câu chuyện thông qua hồi ức của một nhân vật shipper chuyên ship các hũ tro cốt sau khi hoả táng nạn nhân đã mất trong đại dịch mà chưa được người thân kịp nhận về. Trong suốt 15 ngày phong tỏa, tập thể y bác sĩ lẫn bệnh nhân đột ngột bị “khóa chốt” trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và chính anh cũng là nạn nhân của vụ mắc kẹt kinh hoàng này. Bệnh viện lúc này trở thành một xã hội thu nhỏ - nơi có đầy đủ các giai tầng và xuất thân. Họ cùng đứng trên một con thuyền, cùng một số mệnh: chống chọi với virus hay bị khuất phục bởi bệnh tật và nỗi sợ. Và họ, với bản lĩnh của những thiên thần áo trắng đã gánh vác sứ mệnh thiêng liêng một cách tự tin và nhân ái.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn   

Tin liên quan

Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO Việt Nam) tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2025 từ ngày 10-13/4/2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội I.C.E và là một trong những gian hàng lớn nhất tại sự kiện với nhiều hoạt động đặc sắc.
Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia với các chương trình diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa nghệ thuật... được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Ngày hội văn hóa SHB và T&T Group 2025 là minh chứng rõ nét về sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp trong việc tạo động lực, kết nối con người và thúc đẩy tổ chức phát triển cùng đất nước. Cách sự kiện được tổ chức đã đặt ra những chuẩn mực mới cho việc làm văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam.
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

Hàng năm, cứ đến dịp từ ngày 6 - 8/3 âm lịch, người dân và du khách thập phương lại nô nức trở về làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để tham dự Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 3 - 5/4/2025 (tức ngày 6 - 8/3 âm lịch), nhân kỷ niệm 1020 năm ngày mất của Hoàng đế Lê Đại Hành (1005 - 2025). Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc mà còn là cơ hội để người dân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Trong 2 ngày 29/3 và 30/3, buổi casting “Tân binh toàn năng” với sự đồng hành của ngân hàng Techcombank đã diễn ra tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Sáng ngày 27/3/2025, nhân dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP. Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng TP. Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025), TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu.
Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Theo kế hoạch nghỉ lễ năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, người lao động trên cả nước sẽ có hai kỳ nghỉ dài ngày trong tháng Tư, bao gồm dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ 30/4, 1/5.
Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia

Ngay trong ngày khai mạc, lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham dự và thưởng thức. Sự kiện diễn ra tại Ocean City Hà Nội, mở cửa đến hết ngày 23/3, hứa hẹn mang tới trải nghiệm ẩm thực hiếm thấy cho thực khách.
Khát vọng kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới: Thấy gì từ Ngày hội Văn hoá T&T – SHB?

Khát vọng kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới: Thấy gì từ Ngày hội Văn hoá T&T – SHB?

Trước vận hội mới của dân tộc và bước chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân đang thể hiện sức mạnh và khát vọng phát triển vượt bậc. Ngày hội Văn hoá T&T – SHB 2025 là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới, sáng tạo và cam kết của các doanh nghiệp tiên phong.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data