Sâu nặng một tình yêu Hà Nội
Năm nào họa sĩ Văn Dương Thành cũng bày triển lãm. Có năm tới dăm triển lãm. Trong nước có mà ở nước ngoài cũng có. Hồi tháng 6 năm nay, bà làm triển lãm “Phong cảnh Naples - Kỷ niệm ấu thơ” tại Hội trường Hà Nội của Lãnh sự quán Việt Nam tại Napoli, Italia. Triển lãm được tổ chức bởi Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli - TS. Silvio Vecchione. Buổi khai mạc có tới gần 100 khách mời. Trong triển lãm kéo dài từ ngày 27/6 - 27/7, 25 tác phẩm của Văn Dương Thành chủ yếu về những phong cảnh và con người Việt Nam được trưng bày. Ngoài ra có 6 tác phẩm được sáng tác ngay tại chỗ ở Napoli về những cảnh biển dưới ánh trăng.
![]() |
Họa sĩ Văn Dương Thành bên giá vẽ |
Tôi đã gặp họa sĩ Văn Dương Thành nhiều lần, phần lớn là những cuộc gặp tại Hà Nội - nơi bà có thường tham dự những sự kiện mỹ thuật hay những hoạt động văn hóa, ra mắt sách. Tôi cũng từng bước vào biệt thư Hoa sen trắng ở mạn Tây Hồ (Hà Nội). Nơi đó, họa sĩ Văn Dương Thành trưng bày rất nhiều tranh. Những bức tranh khổ lớn treo kín các bức tường. Những bức tranh nhỏ điểm xuyết. Trên giá vẽ, những tác phẩm đang hoàn thành… Biệt thự Hoa sen trắng trở thành điểm đến thân quen của nhiều người yêu mỹ thuật.
Có một mảng tranh tạo nên dấu ấn riêng của họa sĩ Văn Dương Thành, đó là tranh về Hà Nội. Những con phố Hàng Bạc, Hàng Thiếc, rồi cửa Ô Quan Chưởng, và tất nhiên không thể thiếu Hồ Gươm... Họa sĩ Văn Dương Thành kể, khi còn thơ bé, sống ở phố Quán Thánh, bà thường đến phường Ngũ Xã bên đầm lầy của hồ Trúc Bạch, nơi có nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của Hà Nội. Những hình nét đó đã in đậm dấu ấn trong ký ức của bà và dường như vô thức luôn ẩn hiện trong bố cục, nét bút, nhịp điệu của tranh của Văn Dương Thành.
Dù đề tài và motip rất đa dạng, nhưng người xem dễ nhận thấy sự kế thừa phong cách và nét dân dã Việt trong tranh của Văn Dương Thành. Bức tranh "Trống đồng và chim hạc", họa sĩ đã đặt chiếc trống đồng Đông Sơn phía trước và một đôi hạc đồng trầm ngâm với phía sau là một cánh đồng hoa dại đầy màu sắc. Gam màu xanh lá cây bao phủ toàn bộ không gian này. Còn bức tranh "Trống đồng và hoa sen" lại đưa hình tượng trống đồng Ngọc Lũ cổ xưa với đàn chim Lạc Hồng và mặt trời, bên trên là một bình hoa sen của hiện tại. Cả hai yếu tố của quá khứ và của hiện tại, do con người tạo nên hay do thiên nhiên dâng tặng, tất cả trong hòa sắc tươi đỏ của năm mới. Hay bức "Hoa cúc vàng" - sơn dầu/acrylic, 50x60cm, chìm ngập trong gam vàng là những bông cúc đại đóa đong đưa, người xem có thể cảm thấy sự ẩm ướt trong từng cánh hoa và hương hoa thơm ngát. Phông màu ghi nhẹ êm đềm phía xa biểu hiện cho màn mưa lắc rắc…
Trong tranh của Văn Dương Thành, Hà Nội còn hiện ra qua những bức tranh vẽ phố phường. Bộ tranh sơn mài ghi lại kỷ niệm phố xưa, với "Phố Hàng Bạc", "Hàng Bè", "Hàng Thiếc"... chìm trong gam màu ghi xám với bầu trời rực rỡ dát vàng lá hoặc bạc lá. Những bức tường cũ loang lổ được thể hiện bằng những mảng trứng trắng dát với những cung bậc nóng lạnh khác nhau, đem lại cảm giác thô ráp rất thật của toà kiến trúc. Người xem như được trở về với thời xa xưa, với hương vị, ánh sáng và nhạc điệu như trong giấc mơ.
Người xem còn nhận ra một góc Ô Quan Chưởng dưới nắng xuân, dưới trăng thu, dưới mưa phùn. Một Khuê Văn Các thanh tao của Văn Miếu ngàn năm, một chùa Trấn Quốc nổi lên giữa mặt nước Hồ Tây. Những tác phẩm có kích thước vài mét đến thật nhỏ đều mang đậm hồn Việt và sự tiếp nối của dòng chảy mỹ thuật folklore trên các trống đồng. Cầu Thê Húc bằng gỗ nằm vắt lối đền Ngọc Sơn với Bờ Hồ, nổi bật giữa lùm cây xanh um tùm, mặt nước hồ cũng có màu xanh lá cây...
Trong mảng tranh về Hà Nội mà Văn Dương Thành nặng lòng, không thể không nhắc tới những bức tranh bà vẽ về họa sĩ Bùi Xuân Phái - một cốt cách tài hoa của Hà Nội. Họa sĩ Văn Dương Thành, trong câu chuyện kể, cũng thường hay nhắc tới danh họa Bùi Xuân Phái. Bà kể rằng, hồi còn trẻ, đã từng làm mẫu vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái, thậm chí có người còn bảo lúc trẻ Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái.
Họa sĩ Văn Dương Thành kể rằng, khoảng năm 1967, khi 17 tuổi, trong một lần tình cờ, Văn Dương Thành được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái - một người mình vốn ngưỡng mộ. Từ đó, mặc dù chưa được học ngày nào, nhưng Văn Dương Thành luôn coi mình là học trò của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Theo lời họa sĩ Văn Dương Thành, danh họa Bùi Xuân Phái đã vẽ bà gần 300 bức ký họa và khoảng 20 bức tranh sơn dầu cỡ lớn. Phần lớn những bức tranh đó vẫn được Văn Dương Thành lưu giữ cẩn thận.
Họa sĩ Văn Dương Thành quê gốc ở Phú Yên nhưng lớn lên ở Hà Nội. Làm quen với cây cọ từ năm 7 tuổi, sau 12 năm học tại Trường Nghệ thuật l’Ecole de Beaux Đông Dương và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980 và gặt hái được thành công từ khi còn rất trẻ, có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974, 1975.
Với họa sĩ Văn Dương Thành, Hà Nội luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ bến với mảnh đất mình gắn bó suốt những năm tháng đầu đời tươi trong. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của Văn Dương Thành đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động, vừa mang hoài niệm của ký ức, lại ăm ắp hiện thực cuộc sống đương thời.
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
