PPP và nút thắt lợi ích
Kích hoạt thêm giải pháp tài chính cho PPP Xây hệ sinh thái mới cho đầu tư PPP |
Đặc biệt là sự bất bình đẳng với cơ quan có thẩm quyền trong giao kết hợp đồng PPP khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án… chùn chân.
Nghiên cứu của TS.LS. Lê Đình Vinh cùng nhóm cộng sự Công ty Luật TNHH Vietthink trong báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư vừa công bố đã chỉ rõ thực trạng này. Nghiên cứu chỉ ra trong thực tiễn đàm phán hợp đồng dự án PPP, đôi khi cơ quan có thẩm quyền không dùng quyền lực hành chính để áp đặt, mà đơn giản là các cơ quan này “không thể linh hoạt” quyết định những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường phải có sự “nhượng bộ” nhất định để có thể đi đến thành công trong việc đàm phán và ký kết hợp đồng dự án PPP.
Cũng xuất phát từ nguyên lý nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được làm những gì luật không cấm, nhưng cơ quan có thẩm quyền chỉ được làm những gì pháp luật quy định, nên trong hợp đồng dự án PPP, phần quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường rất chặt chẽ kèm theo những chế tài cụ thể nếu có vi phạm.
Trong khi đó, quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan ký kết hợp đồng thường chỉ chung chung, nên khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp, việc quy trách nhiệm cho Cơ quan ký kết hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là rất khó khăn, phức tạp.
“Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho mô hình đầu tư theo phương thức PPP trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư”, ông Vinh chỉ ra.
Một yếu tố nữa chi phối việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng dự án PPP là lợi ích của người sử dụng và cộng đồng. Thực tế cho thấy các quyết sách của cơ quan có thẩm quyền hay nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án liên quan đến dự án PPP thường chịu rất nhiều áp lực, tác động của xã hội, dư luận. Đặc biệt, khi xuất hiện các yếu tố khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện, triển khai dự án mà ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng, thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thường là đối tượng chịu thiệt hại nhiều hơn do cơ quan có thẩm quyền khó có thể đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để vừa hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án giải quyết vấn đề, trở ngại khách quan, vừa hài hòa được lợi ích của cộng đồng.
Chẳng hạn, khi xảy ra sự cố hoặc các yếu tố khách quan khác dẫn đến ách tắc tại trạm thu phí BOT thì cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định yêu cầu doanh nghiệp dự án xả trạm không thu phí. Quyết định này giúp giải quyết được ngay tình hình ách tắc thực tế, nhưng tại thời điểm ra quyết định trên, cơ quan có thẩm quyền lại chưa sẵn sàng phương án hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ khác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để bù đắp thiệt hại do bị hụt nguồn thu từ trạm thu phí.
![]() |
Bởi vậy, việc nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng giữa cơ quan nhà nước Việt Nam với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong Luật PPP 2020 là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa khi nguyên tắc này được quán triệt đầy đủ trong mẫu hợp đồng dự án PPP thuộc từng lĩnh vực, cũng như được thể hiện cụ thể trong nội dung các hợp đồng dự án PPP được ký kết.
Quan trọng hơn là các cơ quan ký kết hợp đồng đại diện cho Nhà nước cần nhận thức đầy đủ và tôn trọng triệt để nguyên tắc này trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
“Cơ quan ký kết hợp đồng cũng như các cơ quan liên ngành tham gia đàm phán hợp đồng dự án PPP cần đặt mình ở vào vị trí bình đẳng thực sự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi thương lượng, thỏa thuận và xác lập các quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dự án PPP”, ông Lê Đình Vinh cho biết.
Nhà nước cần phải đưa ra được các cơ chế, biện pháp cho từng tình huống cụ thể để cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ khó khăn, thiệt hại trong những trường hợp phải ưu tiên đảm bảo lợi ích công cộng. Có như vậy mới đảm bảo tính khả thi của các hợp đồng dự án PPP cũng như hiệu quả của việc triển khai các dự án PPP trên thực tế.
Cùng quan điểm này, TS. Đặng Hoàng Mai - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng đầu tư theo phương thức PPP chỉ thực sự đạt được thành công đáng kể khi cơ chế, chính sách và pháp luật đặt nhà nước vào đúng vai là “đối tác” của nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, việc thiết lập và thực hiện hợp đồng dự án PPP phải dựa trên tinh thần “win-win”.
Hợp đồng PPP không phải là một hợp đồng “đóng” theo kiểu truyền thống mà cần phải được thiết lập để đảm bảo cho sự hợp tác và linh hoạt giữa các bên trên cơ sở cam kết chắc chắn trong dài hạn. Ở Việt Nam, do đặc thù về cơ chế quản lý kinh tế nói chung và đầu tư nói riêng nên Chính phủ Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực và sự đổi mới hơn nữa từ trong tư duy của người quản lý cho đến việc xây dựng khung pháp lý và thực thi thì mới thu hút được các nhà đầu tư và phát huy được các thế mạnh của phương thức đầu tư này, đem lại hiệu quả đầu tư vượt trội như mong muốn.
Bà Mai đề nghị bổ sung 2 nguyên tắc đặc thù trong hợp đồng PPP là chia sẻ rủi ro và công khai minh bạch. Đồng thời cần có một vùng đất tương xứng vị trí cho công tác quản lý hợp đồng, trong hợp đồng PPP vì dự án có thành công hay không khi triển khai thì phụ thuộc vào quản lý có tốt hay không.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
