Phục hồi tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng không bằng mọi giá Cần thêm đột phá để thúc đẩy tăng trưởng |
Bối cảnh thách thức
Nền kinh tế vừa bước qua tháng 8 với nhiều dữ liệu kinh tế tiếp tục đà phục hồi từ khoảng tháng 5, tháng 6 trở lại đây. Trong đó, bên cạnh hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam, hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục sôi động với xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 tăng trưởng tích cực so với tháng trước và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giữ được nhịp phục hồi. Đầu tư cũng ghi nhận sự cải thiện tích cực, thể hiện ở cả con số tuyệt đối và tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước so với cùng kỳ năm trước, cũng như những chuyển biến rất nhanh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 3 tháng đầu năm 2023 giảm 19,3%; 4 tháng đầu năm giảm 1,2%; 5 tháng đầu năm giảm 7,3%; 6 tháng đầu năm giảm 4,3%; 7 tháng tăng 4,5%)…
Những chuyển biến tích cực từ phía cầu như vậy cũng phần nào giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh từ phía cung có những cải thiện nhất định. Cụ thể trong khu vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 8 cũng là lần đầu tiên sau 6 tháng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global ghi nhận mức tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm (ngưỡng mở rộng), cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ.
Dù bức tranh chung đã ít nhiều tươi sáng hơn và cho thấy xu hướng ngày càng tích cực trong những tháng gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, các mục tiêu năm nay từ chỉ tiêu tổng thể như tăng trưởng GDP, tới các chỉ tiêu cụ thể cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều rất thách thức và không dễ đạt được. Bối cảnh thách thức, khó khăn đến từ cả bên ngoài và bên trong đã ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các thành phần của tổng cầu nền kinh tế, kéo theo đó là hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế trong những tháng tới đây.
Trong phục hồi tổng cầu, các chuyên gia cho rằng cần tận dụng dù là các lĩnh vực nhỏ, giá trị “quy ra tiền” không phải quá lớn. Một ví dụ là trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu dịch vụ. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP thì kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đã có sự gia tăng mạnh. Tuy nhiên, cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ của Việt Nam luôn ở thế nhập siêu lớn và liên tục. Ba năm gần đây, nhập siêu dịch vụ luôn vượt con số 10 tỷ USD và riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập siêu dịch vụ lên tới 4,1 tỷ USD.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giảm được 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới. Theo chuyên gia này, Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất, nhập khẩu hàng hóa mà chưa thực sự quan tâm đến xuất, nhập khẩu dịch vụ trong khi các ngành dịch vụ của Việt Nam như du lịch, tài chính - ngân hàng, logistics… đều có tiềm năng phát triển rất lớn. “Nên trước mắt cần tập trung để giảm nhập siêu, hướng tới cân đối cán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ và về lâu dài phải tăng được xuất khẩu dịch vụ để có được xuất siêu trong lĩnh vực này”, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất.
Nhanh, quyết liệt và hiệu quả hơn
Một trong những động lực đóng góp lớn nhất để phục hồi tổng cầu lúc này nằm ở chính sách tài khóa. Các chuyên gia quốc tế và trong nước gần đây kiến nghị, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ cần được tiếp tục đẩy mạnh và mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ: Tăng chi tiêu công và giảm thuế. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, việc giảm thuế cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế. Lưu ý, các quy định về thuế đối với từng nhóm đối tượng cần nhất quán, tránh mâu thuẫn như giảm thuế giá trị gia tăng nhưng lại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến rất tích cực gần đây nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn cần những giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc một cách căn cơ. Theo đó, cần có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu quản lý dự án, từ quy hoạch, đến chuẩn bị và triển khai thực hiện, như nghiên cứu thêm trường hợp có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các quy định về điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hàng năm cho các nhiệm vụ chuẩn bị và quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị và chủ động lập các kế hoạch đầu tư. Ngoài ra, các dự án đầu tư công luôn gắn chặt với vấn đề giải phóng mặt bằng. Để dự án được nhanh chóng thực hiện, cần giải quyết các vấn đề cốt lõi của khâu giải phóng mặt bằng như: Nguồn kinh phí bồi thường; Chính sách, pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chính sách hỗ trợ người dân ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định sinh kế…
Cùng với gia tăng và dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước, yếu tố cầu xuất khẩu vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Vấn đề phát triển xuất khẩu bền vững gắn liền với đa dạng hóa thị trường và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý là câu chuyện đã được bàn thảo lâu nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Do đó điều hiển nhiên khi các đối tác lớn này rơi vào khủng hoảng, nhu cầu sụt giảm thì lập tức tác động rất mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn như đã thấy thời gian qua.
Từ thực tế này, một trong các giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh là cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các FTA đã ký kết thay vì chỉ tập trung sâu một số thị trường lớn. Một ví dụ tiêu biểu là với EVFTA, phần lớn doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu giao thương với chỉ 5-6 quốc gia trong 27 nước thành viên thuộc EU, "bỏ qua" tiềm năng từ hơn 20 quốc gia còn lại. Điều tương tự cũng đang diễn ra ở FTA thế hệ mới khác như CPTPP và RCEP. Điều này cho thấy việc khai thác thị trường thông qua các FTA vẫn còn tiềm năng rất lớn và cần các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa.
Mặt khác, các nhà sản xuất tại Việt Nam hiện cũng đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường… từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, cần sớm rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh làm căn cứ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư
