Phim về Bác Hồ chạm trái tim khán giả
Trên màn ảnh nhỏ, nhiều bộ phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được trình chiếu khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho mỗi người dân nước ta. Và trong rất nhiều bộ phim nói về Bác, không thể không nhắc tới bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” vừa được hoàn thành thời gian qua đã nhận được sự yêu mến, quan tâm của người xem.
![]() |
Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm” |
“Thầu Chín ở Xiêm” là bộ phim mới nhất về Bác do Cục Điện ảnh đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện với kinh phí 10 tỷ đồng, từng được chiếu miễn phí phục vụ công chúng cả nước dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng đợt hai của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1890 - 19/5/2015), bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” là 1 trong 10 tác phẩm giành giải A.
Tác giả kịch bản phim “Thầu Chín ở Xiêm” là Đinh Thiên Phúc; đạo diễn phim là Bùi Tuấn Dũng - tác giả của hai phim lịch sử từng gây tiếng vang “Những người viết huyền thoại” và “Đường lên Điện Biên”. Phim có độ dài hơn 100 phút và mỗi giây hình đã đem đến cho người xem một bộ phim lịch sử chỉn chu, được chăm chút kỹ và “chạm đến cảm xúc khán giả” về hình tượng Hồ Chủ Tịch thời trẻ còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài.
Bộ phim này trong dịp ra mắt trước đây khắp các tỉnh, thành nước ta đã để lại nhiều dấu ấn với người xem. Phim mới có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử, xoay quanh những diễn biến cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928 - 1929. Lúc này nhà lãnh tụ đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín.
Ở đây, Nguyễn Ái Quốc xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Để có thể truyền tải được nội dung phim và thông điệp nghệ thuật, khắc họa rõ nét hình tượng Nguyễn Ái Quốc trong thời gian 1928 đến 1929, trước khi phim khởi quay, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng phải đến Thái Lan 2 lần, mỗi lần cũng ngót nghét cả tháng trời để lựa chọn bối cảnh, tìm hiểu về thời gian Bác Hồ làm việc ở đây qua các nhà nghiên cứu sử học Thái Lan.
Trong phim, nhân vật Thầu Chín (diễn viên trẻ Nguyễn Mạnh Trường thủ vai) hiện ra hết sức dung dị nhưng cũng rất giàu cảm xúc. Đó là những cảm xúc của một nhà lãnh đạo đau đáu sự nghiệp cứu nước, những cảm xúc của một người con xa quê biền biệt 17 năm trời lúc thì dồn nén, lúc lại mênh mang. Đất Việt quê nhà là bầu trời, vuông đất bên kia dãy núi mờ xa trong mắt Người và hơn hết là trong nơi sâu thẳm trái tim của một người Việt Nam yêu nước.
Xem bộ phim này, khán giả nhận thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện những phẩm chất của một người hoạt động cách mạng chân chính. Người tham gia dựng chùa, làm ruộng, quét đường... như một dân làng bình dị; Người tuyên truyền về sự gắn kết của tình đồng bào, đồng chí không chỉ bằng lời nói mà bằng việc đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với anh em, đồng chí.
Một điểm cộng nữa của phim “Thầu Chín ở Xiêm” là có những góc quay đẹp, sống động, chân thực đã khiến không ít khán giả xem phim xúc động. Chẳng hạn hình ảnh băng rừng vượt suối chuyển đến nơi ở mới của cả bản người Việt cùng vị lãnh tụ trẻ Nguyễn Ái Quốc, cảnh cô gái xinh đẹp cúi thả mái tóc dài thướt tha múc từng gáo dừa nước bồ kết sóng sánh gội đầu; cảnh cô múc từng gáo nước trong vắt, đổ chảy tràn trên đôi chân trần tuy lấm lem bùn đất vẫn nên thơ với đôi gót sen hồng của thiếu nữ; và cả cảnh Bác Hồ kéo vó trên đồng; cảnh người lao động Xiêm-Việt gồng mình làm cầu ở bến cảng dưới làn roi của thực dân Pháp... Tất cả đã chạm đến trái tim khán giả, ngập tràn cảm xúc.
Thời gian qua, khi được xem “Thầu Chín ở Xiêm”, nhiều khán giả đã rất ấn tượng với phim này, đặc biệt là giới trẻ. Bạn Khánh Linh (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) từng xem bộ phim này chia sẻ, Linh thường không mấy hứng thú với những bộ phim đề tài lịch sử của Việt Nam sản xuất vì nhiều lý do, nhưng với “Thầu Chín ở Xiêm” thì khác.
Khánh Linh cho rằng, bộ phim đã rất tôn trọng lịch sử, xây dựng thành công và chân thực hình tượng Bác Hồ là một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhân cách lớn nhưng rất gần gũi, giản dị. Đồng thời, các diễn viên trong phim đều nhập vai và thể hiện tốt diễn xuất tạo được cảm xúc cho người xem.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
