Phim truyền hình: Không thể mãi ăn xổi
Phần thưởng lớn nhất cho những người làm phim “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” là sự háo hức chờ đợi để được xem. Trên nhiều trang cá nhân, diễn đàn, khán giả còn phân tích, bình phẩm, thậm chí phán đoán diễn biến của phim, rồi thất vọng khi có những chi tiết chưa hợp lý. Như thế để thấy mức độ quan tâm, sự lan tỏa mà hai bộ phim này đã làm được.
![]() |
Nhân vật trong phim Người phán xử |
Với các bộ phim này, khán giả dễ dàng nhận thấy sự đầu tư khá lớn về kinh phí, diễn viên. Đặc biệt là diễn viên được chọn ăn nhập với kịch bản, tạo nên thành công kép cho hai bộ phim. Có thể nói, “Người phán xử” quy tụ dàn diễn viên truyền hình không thể sáng giá hơn với nhiều gương mặt gạo cội như NSƯT Hương Dung, NSƯT Trung Anh, NSƯT Thanh Quý, NSND Hoàng Dũng - vai chính Phan Quân.
Ngoài ra, phim còn quy tụ lứa diễn viên sung sức, có sự tham gia của gương mặt không chuyên nhưng lại nổi tiếng trong công chúng như MC Đan Lê, nhà thiết kế thời trang Đức Hùng. Thêm một lý do khác, “Người phán xử”, sở dĩ “hot” hơn vì nhân vật chính là “ông trùm” chứ không phải là những nhân vật chính diện.
Tương tự, phim “Sống chung với mẹ chồng” trở thành bộ phim thu hút lượng lớn người xem và bình phẩm như vậy bởi đã đụng đến vấn đề muôn thuở, đó là câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu sống chung trong một ngôi nhà.
Khán giả Lê Minh Thu ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Sống chung với mẹ chồng” là bộ phim đã đi thẳng vào vấn đề đụng độ giữa mẹ chồng, nàng dâu một cách trực diện. Bộ phim đã nói đến một mâu thuẫn điển hình trong đời sống mà dường như ở đâu cũng dễ dàng tìm thấy. Trên các diễn đàn mạng, không ít người chia sẻ họ thấy bộ phim như đang ghi lại chính cuộc đời mình bằng những câu nói kiểu: “Con dâu là đứa ở đẩu ở đâu đến. Không lấy đứa này thì lấy đứa khác”.
Còn nhiều khán giả khác chia sẻ rằng, những bộ phim theo mô típ kiểu như bỏ qua hai tập vẫn hiểu nội dung đã không được ưa chuộng. Bây giờ khán giả thích phim có tiết tấu nhanh, buộc mỗi người phải theo dõi tivi mới có thể hiểu được các tình tiết đã và sẽ diễn ra. Như thế, chỉ riêng với cách đầu tư, cách tổ chức làm phim đã có sự thay đổi. Và một điều căn cốt là hai bộ phim đã được làm công phu, chuyên nghiệp.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận lại, suốt nhiều năm các bộ phim được đầu tư ít, chớt chát, theo kiểu “ăn xổi”, “mỳ ăn liền”. Nhiều ý kiến còn cho rằng phim truyền hình đã phát triển quá nóng, thiếu cân bằng, tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng lại sụt giảm do nội dung, đề tài, diễn xuất đều đi vào lối mòn, đã khiến khán giả quay lưng với phim Việt.
Năm 2016 được cho là năm suy giảm mạnh nhất của phim truyền hình. Lịch phát sóng đã bị những phim chất lượng hơn nhập từ nước ngoài chiếm lĩnh. Nhiều đạo diễn, diễn viên “ngồi chơi xơi nước” và ngậm ngùi chứng kiến sự phát triển rầm rộ của phim nước ngoài.
Không ít nhà phê bình bức xúc cho rằng, xem phim mà mọi thứ cứ trôi tuồn tuột, chẳng găm lại điều gì cho người xem, chẳng gây xúc động. Diễn viên đóng phim nhưng phải chạy sô để tăng thu nhập, nên trở thành những bình hoa di động rất vô cảm, còn nhà sản xuất tiết kiệm chi phí tới mức thấp nhất khiến cho bộ phim trở nên non nớt.
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ba năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã được dùng một số từ như phim truyền hình đang tuột dốc không phanh, thoái trào hay đi vào đường cùng”. Lý giải về nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt không còn được yêu thích như trước, ông Hưng cho rằng: “Điều quan trọng nhất khiến khán giả cảm thấy không còn hứng thú với phim truyền hình Việt bởi chất lượng phim không tốt...”.
Các nhà phê bình điện ảnh thống nhất quan điểm, đã làm nghệ thuật thì dù lĩnh vực nào, từ văn học, phim ảnh, cho tới các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cần phải có sự đầu tư thích đáng, từ tâm huyết của đạo diễn, diễn viên tới những người làm kịch bản. Tại Hội thảo “Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức” do Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) tổ chức gần đây, đã nhìn nhận sâu sắc về thực trạng của phim Việt hiện nay.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải tâm sự: Khán giả đang đòi hỏi cao hơn ở phim truyền hình Việt cả nội dung và hình thức thể hiện. Do vậy, đòi hỏi các nhà sản xuất phim phải tự học hỏi kinh nghiệm, bắt kịp nhanh với xu thế mới hay tìm những cách khác nhau để nâng cao chất lượng phim. Đặc biệt vẫn phải sốc lại mình để tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói, từ năm 2007, tức là 10 năm trước, nhiều nhà làm phim đã nghĩ đến chuyện “đại phẫu” phim truyền hình Việt. Dám nghĩ dám làm, song thành công hay không lại là chuyện khác. Một số nhà làm phim đã cố gắng đầu tư, một số phim nổi lên như “Khúc hát mặt trời”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Zippo, mù tạt và em”. Và đến đầu năm 2017 “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” là hai bộ phim thật sự gây bão. Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyên nghiệp hóa, đầu tư ra tấm ra miếng chính là hướng đi sống còn của phim ảnh. Trong cuộc chạy đua về thông tin, sẽ không có chỗ cho những tay chơi nghiệp dư. Những người giỏi nghề và muốn sống với nghề cần biết cách để tạo ra sân chơi của mình.
Cũng phải nói thêm rằng “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” là hai bộ phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa. Điều đó nói nên rằng chúng ta cần tổ chức khai thác những kịch bản nước ngoài để Việt hóa, song cũng phát triển nội lực từ chính những nhà làm kịch bản trong nước.
Tất cả các khâu đều quan trọng, nếu được đầu tư thích đáng, chuyên nghiệp sẽ giữ được chân khán giả. Bàn về vấn đề này, theo NSND Hoàng Dũng, ngoài kịch bản, đạo diễn, quay phim thì linh hồn của bộ phim chính là diễn viên. Cần có chính sách thu hút các diễn viên có ngoại hình đẹp, say nghề, khả năng diễn xuất tốt.
Đã qua rồi thời khán giả ở thế bị động, tivi chiếu phim gì thì xem phim đó. Nay với sự phát truyển của kỹ thuật số, người xem có quyền lựa chọn phim để xem. Bởi vậy, không còn cách nào khác, phải lắng nghe thị hiếu của khán giả và đòi hỏi từ thực tiễn. Cuộc sống đang cần sự nỗ lực, đột phá của phim ảnh. Mà cuộc đột phá nào mà chẳng tốn kém tiền tài, tâm huyết.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
