Phim trên truyền hình xuyên biên giới: Cần mạnh tay với các sai phạm
Nỗi lo nhãn tiền
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, OTT truyền hình (Over The Top Televison - giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet) xuyên biên giới đang là xu hướng của thời đại. Xem phim, chương trình giải trí và mất phí trên Internet ngày càng phát triển mạnh mẽ bởi các thiết bị cá nhân (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) giúp người xem có thể truy cập nội dung một cách tiện lợi trong bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản và thanh toán bằng các thẻ quốc tế là có thể dễ dàng xem các kênh nội dung của những dịch vụ truyền hình như Netflix.
Trong những năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang gia tăng một cách chóng mặt như: Netflix (Mỹ), WeTV (Trung Quốc), iFlix (Malaysia), iQiYi (Trung Quốc), Amazon TV (Mỹ)… Trong đó, Netflix đang là đơn vị hoạt động rầm rộ nhất.
![]() |
Phim truyền hình xuyên biên giới cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu 1 năm khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay như: Netflix, Apple TV hoặc iQIYI của Trung Quốc đang cung cấp tại Việt Nam là khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính lên tới 1.000 tỷ đồng. Thuê bao của Netflix tại Việt Nam tăng 60% trong thời điểm dịch Covid-19.
Không thể phủ nhận, thông qua những kênh truyền hình này khán giả Việt Nam đã có nhiều những trải nghiệm mới trong việc thưởng thức các sản phẩm giải trí như điện ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế… Tuy nhiên, sự gia nhập của các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam đặt ra nhiều rủi ro về mặt nội dung do chưa có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Netflix cũng như một số dịch vụ truyền hình cung cấp xuyên biên giới qua mạng Internet cho người dùng tại Việt Nam, đều hoạt động mà không xin phép cơ quan chức năng và cũng “bỏ qua” các quy định kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Thực tế cho thấy, những mối lo trên truyền hình xuyên biên giới đã, đang hiện hữu. Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim truyền hình Pine Gap đã công chiếu tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Pine Gap dài 6 tập, đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Cụ thể, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông đã xuất hiện tại phút 12 của tập 2 và phút 52 - tập 3 của bộ phim này.
Cũng vẫn là Netflix, cơ quan chức năng ở nước ta từng ra văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim Gửi thanh xuân ấm áp (Trung Quốc sản xuất) khỏi kênh này. Cụ thể, hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện tại phút 34:44 trong bộ phim, khi đang diễn ra bữa tiệc sinh nhật của nhân vật nữ, bất chợt cô gái này nhìn lên tivi đang chiếu bản tin thời tiết có hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Trong khi đó, bộ phim truyền hình Madam Secretary do đài CSB sản xuất được chiếu trên Netflix, ở phút 17:04 (tập 4), các nhà làm phim Madam Secretary đã sử dụng thước phim quay tại Hội An nhưng lại chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Netflix gỡ phim này khỏi hệ thống. Trong khi đó, bộ phim 365 Days (365 ngày yêu) lọt top 10 phim ăn khách của Netflix trên nhiều vùng lãnh thổ, xuất hiện ở Việt Nam có nội dung được cho là trá hình cổ súy tội ác bắt cóc và buôn bán tình dục dưới lớp vỏ khiêu dâm giải trí.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung cung cấp của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới chủ yếu là các thể loại phim; các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... Một điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, trái quan điểm chính trị, chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình. Điều này đem đến những hệ lụy khôn lường, nhận thức nội dung lệch lạc tới khán giả tại Việt Nam nói riêng.
Không thể nương tay
Trước những sai phạm của truyền hình xuyên biên giới của nước ngoài ở Việt Nam kể trên, hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam từng gửi văn bản tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý, ngăn chặn các chương trình trực tuyến xuyên biên giới.
Bởi lẽ, trong khi các doanh nghiệp truyền hình trong nước phải trải qua các khâu “tiền kiểm” khá chặt chẽ trước khi cung cấp dịch vụ, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, thì truyền hình xuyên biên giới chưa bị ràng buộc bởi các căn cứ pháp lý với hầu hết các kênh truyền hình này khi vào Việt Nam đều theo kiểu lách luật. Không ít ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, để không còn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” từ truyền hình xuyên biên giới, chúng ta phải nhất quán quan điểm, cách hành xử đối với các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp phải tôn trọng pháp luật Việt Nam, tôn trọng môi trường kinh doanh bình đẳng. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cứ liên tiếp xem thường pháp luật, thường xuyên phát sóng, cung cấp những chương trình, bộ phim sai trái về nội dung, tư tưởng thì các cơ quan chức năng nên cấm phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam để bảo vệ khán giả và thị trường truyền hình trả tiền trong nước.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
