Phim “Em và Trịnh”: Giới hạn nào cho sáng tạo nghệ thuật?
Những ngày qua, dự án phim điện ảnh “Em và Trịnh” gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Người khen cũng nhiều, người chê cũng không ít. Bình luận về điều này, một số ý kiến bày tỏ, đó là thành công của êkip làm phim. Bởi có khen, có chê tức là khán giả có quan tâm. Bằng chứng là doanh thu phòng vé của phim này, sau hơn 10 ngày ra rạp, đạt mốc hơn 90 tỷ đồng - rõ ràng là con số đáng mơ ước. Thế nhưng, đi cùng với đó, “Em và Trịnh” đang gây ra sự tranh luận trong giới nghệ thuật và cả một số người có liên quan, rằng, sáng tạo nghệ thuật như thế nào cho “phải đạo”?
Xin được nói ngay rằng, “Em và Trịnh” là một dự án điện ảnh tâm huyết của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng nhóm biên kịch cũng như nhà sản xuất. Sau gần 5 năm “thai nghén”, trong đó có hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, bộ phim mới hoàn thành. Đường ra rạp của phim này cũng khá lận đận, khi phải hoãn, hủy, dời lịch chiếu nhiều lần do dịch bệnh.
![]() |
Hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly được tái hiện trong phim “Em và Trịnh” |
Vì tâm huyết và kỳ vọng, nên khi sản xuất phim này, êkip đã mời đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - trực tiếp là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ - tham gia làm cố vấn. Gia đình cố nhạc sĩ cho biết có đóng góp ý kiến cho ekíp về kịch bản, nhưng tôn trọng sáng tạo riêng của đạo diễn.
“Em và Trịnh” được quảng bá là sẽ đưa khán giả trở về thập niên 60 - 90 của thế kỷ trước, thời điểm ra đời những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Ngoài nội dung đầy hứa hẹn, các diễn viên chính tham gia “Em và Trịnh” cũng gây tò mò cho công chúng. Trong đó, vai Trịnh Công Sơn thời trẻ do diễn viên - ca sĩ Avin Lu đảm nhận. Còn NSƯT Trần Lực vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc trung niên. Các diễn viên khác vào vai “bóng hồng” của Trịnh Công Sơn ở “Em và Trịnh” cũng được khán giả đặc biệt chú ý. Đặc biệt, ca sĩ Bùi Lan Hương hóa thân vào vai diễn Khánh Ly.
Bộ phim được bấm máy đầu tháng 11/2020, từng dự kiến ra mắt năm 2021 - dịp 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn - nhưng phải hoãn vì dịch. Tác phẩm có kinh phí dự trù 40 tỷ đồng, nhưng sau khi đóng máy, con số này là 50 tỷ đồng. Ngoài khoảng 40 diễn viên chủ chốt, dự án này còn có tới 3.000 vai quần chúng, cùng nhiều cảnh trải dài từ Huế đến TP.HCM. Khoảng 1.000 bộ trang phục được sử dụng trong hơn 2 tháng quay.
Thế nhưng, đầu tháng 6 vừa qua, trước ngày phim chính thức ra rạp, công chúng và những người yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khá bất ngờ khi nhà sản xuất quyết định cùng lúc tung hai bản phim về Trịnh. Người ta càng bất ngờ hơn, khi cùng một dự án, đạo diễn đã dựng thành hai bản phim. Một bản có tên “Trịnh Công Sơn” và bản kia mang tên “Em và Trịnh”.
Trao đổi với báo chí, ông Lương Công Hiếu - đại diện Galaxy, nhà phát hành phim - cho biết, sau khi xem lại gần 1.000 giờ quay phim, êkíp quyết định chia tác phẩm thành hai bản. Bản phim “Trịnh Công Sơn” (dài 95 phút), tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ (Avin Lu đóng). Những bóng hồng như Diễm, Dao Ánh, Thanh Thúy… trở thành nguồn cảm hứng viết nhạc của ông. Phim tái hiện những năm nhạc sĩ sống trong chiến tranh, vượt khổ đau sáng tác những tình khúc bất hủ. Trong khi đó, bản “Em và Trịnh” (dài 136 phút) ngoài câu chuyện thời thanh xuân, phim có thêm tuyến truyện giữa Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực đóng) và Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ gần gũi hơn, khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, canh cánh nỗi lo cạn hứng sáng tác và mối tình lệch tuổi với nữ sinh Nhật Bản. Theo ông Hiếu, "việc ra mắt hai phiên bản điện ảnh về Trịnh Công Sơn sẽ cho cái nhìn trọn vẹn hơn về nhạc sĩ. Chúng tôi hy vọng khán giả đủ lứa tuổi, trải nghiệm sống... sẽ tìm thấy hình ảnh một Trịnh Công Sơn của riêng mình".
Sự hy vọng của nhà sản xuất rất nhanh sau đó đã trở thành… nỗi thất vọng của một bộ phận khán giả khi họ tới rạp xem phim. Người ta không khỏi băn khoăn về những sáng tạo của êkip sản xuất, cũng như những tình tiết có phần “câu khách” xuất hiện ở cả hai bản phim này.
Rất nhanh, chỉ sau khoảng gần một tuần ra rạp, nhà sản xuất đã tuyên bố rút phim “Trịnh Công Sơn” khỏi tất cả các hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc từ ngày 17/6. Một số người chưa kịp mua vé bày tỏ sự tiếc nuối, còn những người đã xem thì ý kiến lại trái chiều. Trong đó, đa số cho rằng hai bộ phim có nhiều điểm chung và nội dung có phần bị trùng lặp. Riêng bản phim “Trịnh Công Sơn”, có ý kiến bày tỏ, đó là sự “dũng cảm một cách tham lam” của nhà sản xuất. Nói về lý do rút phim, nhà sản xuất nhận thấy bản phim “Em và Trịnh” đã được khán giả yêu thích và là lựa chọn đầu tiên khi ra rạp, với tỷ lệ chọn chiếm gần tuyệt đối so với bản phim “Trịnh Công Sơn”.
Có ý kiến cho rằng, việc rút lui của “Trịnh Công Sơn” khỏi hệ thống các rạp chiếu phim trên toàn quốc là một sự thất bại không dễ chấp nhận của nhà sản xuất.
Song, khi rút bản phim 95 phút khỏi rạp, thì dư luận lại tập trung vào “Em và Trịnh”. Người xem chỉ ra nhiều điều “bất ưng”, thậm chí có thể trở thành “thảm họa” triệt tiêu cảm xúc của khán giả. Như việc hai diễn viên hóa thân vào vai Trịnh Công Sơn phải đóng giả giọng Huế khiến khán giả khó chấp nhận. Hay cách diễn của nghệ sĩ Trần Lực trong phim này không phù hợp… Đỉnh điểm thu hút dư luận đó là việc ca sĩ Khánh Ly trong đợt về Việt Nam để thực hiện chuỗi chương trình “Khánh Ly - 60 năm hát tình ca”, khi được các phóng viên hỏi liệu bà có đi xem phim “Em và Trịnh”, đã trả lời dứt khoát “không đi”. Bà nói rằng, bà sẽ không xem phim “Em và Trịnh” vì đã có Trịnh Công Sơn ngoài đời thật của riêng mình, bà không muốn xem một nhân vật hư cấu trên phim. Tuy vậy, những ngày gần đây, trước những mô tả của một số người đã đi xem về thuật lại, ca sĩ Khánh Ly bày tỏ, “Em và Trịnh” có những tình tiết vô lý, thậm chí bịa đặt về bà. Cụ thể, Khánh Ly cho rằng, ngoài đời bà sẽ không bao giờ “đút sữa chua” cho Trịnh, hay dám dùng những từ ngữ suồng sã với ông như: “Anh thó của ông Văn Cao à?” (một câu thoại trong phim). Khánh Ly khẳng định, giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có tình yêu. Trịnh đối với bà nghiêm khắc như cha, bà đối với ông cũng luôn nghiêm cẩn, kính trọng.
Việc danh ca Khánh Ly lên tiếng về “Em và Trịnh” đã gây ra những luồng tranh cãi trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, Khánh Ly đã tuyên bố không xem phim, nhưng lại rất để ý đến các tình tiết trong phim với những lời “nặng nề”. Tuy nhiên, cũng rất đông khán giả bảo vệ Khánh Ly, khẳng định bà có quyền được lên tiếng về bộ phim đã tái dựng lại chính chân dung tuổi trẻ của mình, trong mối quan hệ đặc biệt nhất đời mình - là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nếu như trước đây, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi làm phim “Em còn nhớ hay em đã quên” cũng khai thác hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng đã đổi tên các nhân vật, thì với “Em và Trịnh”, bằng việc sử dụng tên thật, thì chắc chắn người ta có quyền đòi hỏi sự thật. Đặc biệt, ca sĩ Khánh Ly có quyền bày tỏ thái độ của mình về những “sáng tạo” không đúng sự thật trong phim, nhất là khi bà lo ngại con cái bà khi xem phim sẽ đánh giá như thế nào về mẹ.
Dường như muốn xóa tan những hồ nghi của dư luận quanh một số tình tiết trong phim bị xem là "không đúng sự thật", hôm 27/6, đại diện nhà sản xuất “Em và Trịnh” chính thức lên tiếng. Ông Lương Công Hiếu khẳng định "Em và Trịnh" là một bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay tiểu sử. "Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim "Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật", chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim", ông Hiếu cho hay.
Liên quan đến ca sĩ Khánh Ly, ông Hiếu nói: "ca sĩ Khánh Ly trong “Em và Trịnh” có hành xử, lời nói, trang phục khác biệt hẳn với các bóng hồng khác trong phim, là ý đồ của nhà làm phim muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Chúng tôi khẳng định hình tượng của nhân vật Khánh Ly trong phim rất đẹp và được khắc họa với tấm lòng trân trọng. Sự yêu thích của khán giả với nhân vật của Bùi Lan Hương là minh chứng cho điều đó. Với độ dài 136 phút, để giữ chân khán giả kiên nhẫn ngồi tại rạp, bắt buộc "Em và Trịnh" phải cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt nhằm tạo kịch tính cho phim. Không chỉ với Khánh Ly, mà nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… trong phim đều có những chi tiết sáng tạo, hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của bộ phim”.
Mặc dù đưa ra những lời lẽ để khẳng định và thuyết phục, nhưng chốt lại, đại diện nhà sản xuất “Em và Trịnh” cũng đã lên tiếng xin lỗi. "Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời", ông Hiếu cho hay.
Sau lời giải thích và xin lỗi này, trong nhiều diễn đàn, các ý kiến bày tỏ khá đa dạng. Song tựu trung, nhiều ý kiến không tán thành với cách làm và lý giải của nhà sản xuất cũng như các nhà làm phim. Bởi được biết, trước đó, êkíp làm phim “Em và Trịnh” đã gửi kịch bản cho Khánh Ly xem trước, bà đã yêu cầu đoàn phim cắt một vài cảnh và đổi tên nhân vật, nhưng điều này cuối cùng không được thực hiện.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
