Niềm tin và khát vọng
![]() | Kinh tế Việt Nam 2023: Triển vọng và thách thức |
![]() | [Infographic] Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 |
![]() |
Để trở thành nước thu nhập cao, cần cải thiện năng suất lao động |
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam:
Tự tin đương đầu với những cơn gió nghịch
![]() |
Ông Andrew Jeffries |
Nhìn chung, 2022 là một năm đầy sóng gió nữa đối với nền kinh tế toàn cầu. Để kiềm chế lạm phát và bảo vệ sự ổn định tài chính, các NHTW trên thế giới đã tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất. Nhất là việc Fed tăng lãi suất mạnh đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của đồng USD so với nhiều loại tiền tệ khác.
Điều này đặt NHNN vào thế khó, vừa phải cố gắng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, vừa buộc phải giải quyết lạm phát chi phí đẩy do các sự kiện và cú sốc bên ngoài gây ra. Trong bối cảnh đó, việc điều hành tín dụng, thắt chặt chính sách tiền tệ, và nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá của NHNN đã rất kịp thời và đáng khen ngợi, góp phần làm giảm lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam sẽ có thể đương đầu với những cơn gió ngược vào năm 2023. Triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn của Việt Nam vẫn rất tích cực và chúng tôi lưu ý rằng, sự quan tâm mạnh mẽ tới Việt Nam như một điểm đến của FDI chính là một lá phiếu tín nhiệm dài hạn. ADB dự kiến Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,3% trong năm 2023. Các phân tích chi tiết, đánh giá cập nhật tiếp theo chúng tôi sẽ đưa ra trong báo cáo triển vọng vào tháng 4/2023.
Tuy nhiên những bất định, rủi ro của kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ không dịu bớt. Trong bối cảnh đó, các phản ứng chính sách cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính. Với chính sách tiền tệ, việc duy trì sự ổn định giá cả phải là trọng tâm. Các đợt tăng lãi suất chính sách có thể vẫn cần tiến hành nếu lạm phát tăng lên.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam:
Hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa
![]() |
Ông Francois Painchaud |
Tôi chúc mừng thành tích kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022. Trong năm qua, bất chấp môi trường toàn cầu và trong nước đầy thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế đạt được tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Điều này là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ. Đặc biệt, NHNN cho đến nay đã điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ và tỷ giá để vượt qua các cơn gió ngược bên ngoài và trong nước.
Tuy nhiên triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó, 3 “cơn gió nghịch” mà tôi muốn nhấn mạnh là: Sự thắt chặt tài chính trên toàn cầu; Xung đột tại Ukraine; Sự chững lại chưa từng có của kinh tế Trung Quốc. Những cơn gió nghịch này khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, tác động tới các nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chỉ đạt mức 5,8% và lưu ý rủi ro đối với tăng trưởng GDP nghiêng về hướng giảm trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về hướng sẽ tăng lên.
Có thể nói 2023 sẽ là năm rất khó khăn cho việc hoạch định chính sách. Để đối phó với thách thức, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý những rủi ro tiêu cực và giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát. Theo đó, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả và nên cân nhắc thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Đồng thời, chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tiếp tục tăng lên. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng tin rằng, Chính phủ Việt Nam và NHNN sẽ thận trọng điều hướng để vượt qua những thách thức, khó khăn này. Và IMF luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho NHNN và Chính phủ.
Về trung và dài hạn, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn nữa trong nâng cao năng suất, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục thực hiện cải cách cơ cấu tạo ra sân chơi bình đẳng, cũng như nâng cao tay nghề và kỹ năng của người lao động.
![]() |
Xuất khẩu, xuất siêu đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế năm 2022 |
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam:
Không để ai bị bỏ lại phía sau
![]() |
Bà Ramla Khalidi |
Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ: Tiêu dùng trong nước tăng mạnh; ngành du lịch, khách sạn và vận tải phục hồi khá tốt và khách du lịch quốc tế đã tăng nhanh trở lại sau đại dịch; xuất khẩu tăng trưởng tích cực… cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, thách thức cũng đang gia tăng với các rủi ro chủ yếu đến từ bên ngoài. Xung đột tại Ukraine; suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và một số nền kinh tế đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… cùng với tác động của lạm phát nhập nhẩu và môi trường lãi suất quốc tế tăng, đồng USD mạnh lên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô.
Các rủi ro cũng đến từ trong nước, đặc biệt liên quan đến thị trường tài chính và trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần chú ý sát sao đến các điều kiện bên ngoài, cũng như cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với diễn tiến thay đổi trên toàn cầu và trong nước.
Về dài hạn, phát triển bền vững là một chương trình nghị sự gắn với tất cả các mục tiêu phát triển. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thực hiện các mục tiêu này, thể hiện qua sự cải thiện ở nhiều chỉ số phát triển, nhiều người dân đã thoát khỏi đói nghèo hay những cải thiện đáng kể trong các chỉ số về giáo dục và y tế… Việt Nam cũng đã cam kết hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và đang có những bước đi để hiện thực hóa cam kết.
Song bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão lụt, hạn hán, ô nhiễm môi trường... Vì vậy chúng ta cần thảo luận kỹ hơn về những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt, từ đó có những lựa chọn chiến lược để đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong tương lai, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hướng tới một sự phát triển bền vững và toàn diện hơn, có tính đến quỹ đạo và mục tiêu tăng trưởng mà Việt Nam mong muốn, đồng thời bảo vệ sức khỏe của trái đất và môi trường.
Ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam:
Biến thách thức thành cơ hội
![]() |
Ông Andrea Coppola |
Đây là thời điểm rất thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cho rằng, có ba áp lực lớn đã gây ảnh hưởng trong năm 2022 và có thể tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: Áp lực lạm phát kéo dài; các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt và xấu hơn; Nguy cơ suy giảm tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn.
Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng có thể tác động quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam: lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm đi trong năm 2023. Do đó, nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng quan trọng đặt ra là làm sao để vừa giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, đồng thời biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết áp lực tỷ giá do việc thắt chặt tiền tệ của Fed, NHNN có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa tỷ giá hối đoái, bao gồm cả khả năng tăng hơn nữa biên độ giao dịch của tỷ giá tham chiếu. Do áp lực tỷ giá tồn tại dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp chỉ nên được sử dụng rất thận trọng để bảo toàn dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, trong trường hợp lạm phát tăng đáng kể và kỳ vọng lạm phát tăng, NHNN có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, dư địa chính sách tiền tệ còn lại không nhiều nên việc phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa sẽ giúp giảm thiểu sự cần thiết phải tăng thêm lãi suất. Trong trung hạn, các nhà chức trách có thể hiện đại hóa chính sách tiền tệ thông qua thúc đẩy quá trình chuyển đổi dần dần sang cơ chế điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Để giải quyết các thách thức về thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng, trong trường hợp một số ngân hàng trở nên dễ bị tổn thương hơn, NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp với điều kiện các NHTM có kế hoạch khôi phục vị thế thanh khoản thỏa đáng. Trong trung hạn, cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém cần được tăng cường để giúp củng cố sự ổn định tài chính. Đồng thời, khung giám sát hợp nhất cần mạnh hơn để giám sát và đánh giá hiệu quả rủi ro hệ thống trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản.
Để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn, cần hướng đến cải cách để thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên; thúc đẩy phân bổ vốn hiệu quả, khuyến khích cạnh tranh thông qua cơ chế cho phép dễ dàng gia nhập và rời khỏi thị trường; thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi. Riêng đối với nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt thứ hạng cao về giáo dục cơ bản, nhưng kỹ năng kỹ thuật nghề nghiệp chưa được tương xứng. Do đó, việc nâng cấp kỹ năng sẽ giúp tăng lương, thu nhập cho người lao động và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
![]() |
Tín dụng vẫn là kênh vốn chủ đạo cho nền kinh tế |
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam:
Nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu
![]() |
Ông Ngô Đăng Khoa |
Chúng tôi cho rằng, dù tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 tương đối tốt nhưng năm 2023 sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, việc Fed vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất và biến động của thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là xu thế giảm xuất khẩu vẫn tiếp tục khi lạm phát bên ngoài tăng và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch chuyển sang hướng dịch vụ. Bên cạnh đó, để đối phó với rủi ro nhiên liệu, Chính phủ đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước tăng sản xuất và doanh nghiệp tăng nhập khẩu năng lượng trong ít nhất nửa đầu 2023. Điều này có thể ảnh hưởng đến tài khoản vãng lai của Việt Nam do hóa đơn nhập khẩu tăng. Thời điểm này HSBC nhìn nhận kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 5,8%.
Ở chiều hướng tích cực hơn, Việt Nam vẫn là một điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài nhờ sự ổn định chính trị, đã ký kết khoảng 15 FTA với nhiều khu vực kinh tế quan trọng trên toàn cầu, lực lượng lao động trẻ, tiềm năng,… Minh chứng là Samsung và LG, hai gã khổng lồ công nghệ đến từ Hàn Quốc đã xác nhận sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Sau khi tái mở cửa, ngành bán lẻ của Việt Nam cũng đã lấy lại đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, du khách quốc tế cũng đã đến Việt Nam nhiều hơn, tạo đà cho du lịch hồi phục. Hiện nay, chúng ta đã thảo luận nhiều hơn về câu chuyện thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là những du khách từ các thị trường mới. Đây là những chủ đề đã “vắng bóng” trong 2 năm COVID. Theo tôi, đây chính là những động lực của kinh tế Việt Nam mà chúng ta cần phát huy.
Như vậy, có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2023 dù thách thức nhưng vẫn có những động lực tăng trưởng. Để duy trì và phát huy những động lực đó, Việt Nam nên tiếp tục tận dụng lợi thế điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài của mình bằng các cải cách thủ tục hành chính, giúp tinh gọn và dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường; Tiếp tục nâng cao giá trị của ngành sản xuất Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao tay nghề của người lao động và gia tăng hàm lượng công nghệ để đáp ứng với những yêu cầu sản xuất cao từ thị trường và các đơn hàng quốc tế; Xây dựng năng lực của các công ty Việt Nam nhằm gia tăng sự tham gia vào hệ sinh thái và chuỗi cung ứng của các công ty đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, cần tập trung phát triển các ngành có đóng góp vào cam kết về phát thải bằng 0 của Việt Nam tới năm 2050. Đây sẽ là khu vực với tiềm năng rất lớn có thể vừa thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty trong nước. Tiếp tục giám sát chặt chẽ những biến động của thị trường thế giới, kịp thời có những quyết sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, lãi suất và tỷ giá nhằm ổn định tình hình trong nước.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:
Quyết liệt và khôn khéo trong điều hành
![]() |
TS. Cấn Văn Lực |
Kinh tế năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và trong đó có nhiều rủi ro tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Trong đó nổi lên các rủi ro chính như: Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, tăng trưởng dự báo suy giảm làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế trong khi áp lực thắt chặt tiền tệ vẫn lớn; Giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn chậm; Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn; Nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng; Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn còn; Dư địa điều hành chính sách tiền tệ bị thu hẹp… Do đó, năm 2023 mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5%, cùng các mục tiêu khác, nếu không quyết liệt và khôn khéo trong điều hành, sẽ là thách thức rất lớn để đạt được.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng không chỉ toàn các cơn gió nghịch. Bên ngoài, lạm phát đang dịu dần và nếu xu hướng này tiếp tục, các NHTW lớn (nhất là Fed) sẽ giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ cuối năm 2023, qua đó giúp áp lực từ bên ngoài đối với lạm phát, điều hành lãi suất và tỷ giá của NHNN sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Kéo theo đó, rủi ro ở khu vực sản xuất, thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản sẽ giảm theo.
Trong nước, “gió thuận” chính là đà phục hồi tốt của năm 2022 sẽ tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách trong năm 2023. Cùng với đó, nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển cho năm 2023 và cho cả giai đoạn trung - dài hạn đã được chuẩn y; hoàn tất về mặt văn bản điều hành nên kỳ vọng sẽ được triển khai nhanh trên thực tế. Cùng với đó bất cập trên các thị trường đã được nhận diện và đẩy nhanh tháo gỡ... Với những yếu tố thuận như vậy, cơ hội để "vượt khó" trong năm nay là rất lớn.
Năm 2023, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, qua đó kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá; có đề án, kế hoạch và giải pháp cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp cũng như giải quyết căn cơ để lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
