Những làng nông dân… chịu chơi
Mỗi làng một vẻ
Không ai có thể tin nổi người làng Then, xã Thái Đào (Lạng Giang-Bắc Giang) lại đẹp đến thế. Đẹp ngay từ chiếc cổng làng cổ kính thâm nghiêm rêu phong đến cái cốt cách thật thà như đếm của người dân. Làng Then cũng đẹp bởi được bốn bề đồng xanh bao quanh với cánh cò bay lả, chim chóc líu lo trên những tán cổ thụ. Nhưng hơn hết, một món “đặc sản” khiến cho ngôi làng này trở nên độc đáo đó chính là những bản nhạc violong mà nhiều người viết chơi.
Từ nhạc truyền thống đến nhạc trẻ, từ nhạc không lời quốc tế đến những ca khúc bất tử, bản thân âm nhạc đã là một giá trị, nay quyện hòa và được chuyển tải bằng violong, càng trở nên tuyệt diệu. “Coi âm nhạc là đặc sản quê hương tôi cũng chẳng sai, bởi người làng biết chơi violong nhiều lắm. Bản thân tôi ngay từ năm 13 tuổi đã biết chơi rồi”, ông Nguyễn Hữu Hùng, tự hào tâm sự.
![]() |
Đội Chèo làng Trung Lập, Phú Xuyên, Hà Nội |
Câu chuyện tự hào của ông Hùng đã dẫn tôi tìm đến người có công đầu đưa loại nhạc cụ được cho là chỉ giới quý tộc nước ngoài mới dùng về làng Then, và còn góp phần lưu truyền, phát triển để tiếng thơm không ngừng vươn xa. Đó là cụ Nguyễn Hữu Đưa.
Ông Hùng cho biết: “Cụ Đưa là người nhiệt tình, truyền thụ tốt và nhiều tâm huyết với thế hệ sau”. Cũng theo ông Hùng, từ làng Then, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Hà Huy Bái, Trần Vinh, Bùi Đắc Sừ, Lê Văn Khách… Tất nhiên, trong đó có cụ Nguyễn Hữu Đưa, người vẫn gắn bó với làng, với xóm. Trong câu chuyện vui vẻ, có cả tiếng đàn, tiếng nhạc, cụ Đưa không kể về mình nhiều, mà nói về những giá trị của âm nhạc.
Cụ kể: “Vào năm 1935, làng tôi đã có đội bát âm gồm bốn cụ già yêu thích âm nhạc. Ban đầu các cụ chỉ chơi để giải trí. Năm 1950 khi quân Pháp lập bốt ở xã Thái Đào cách làng tôi chừng 300 mét thì bốn cụ và một số thanh niên đã lập thành một đội văn nghệ, tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước. Năm 1955 đội văn nghệ cử hai người, trong đó có tôi ra Hà Nội đặt mua một số nhạc cụ như măngđolin, sáo trúc, guitar, violong... để phục vụ luyện tập.
Lúc này thì đội văn nghệ của làng đã lên đến 40 người. Trong đó, đàn violong là loại khó sử dụng nhất nên để nhiều người chơi được phải mất rất nhiều thời gian. Chính lúc khó khăn ấy, những người tâm huyết với âm nhạc làng đã đi tìm thầy ở Ty Văn hóa về dạy. Lớp những người chơi giỏi ngày đó giờ đã ở tuổi 80”.
Nếu làng Then nổi tiếng bởi những người nông dân chơi violong, thì làng Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực - Nam Định) nổi tiếng bởi những người nông dân chơi kèn Tây. Đoàn kèn Tây của làng gồm hơn 60 người, tất cả đều thành thạo âm nhạc và nhiều người sở hữu những chiếc kèn độc đáo.
Ông Nguyễn Tri Phương, Đoàn trưởng đoàn kèn Tây, là thế hệ thứ ba của làng đã được đào tạo bài bản cho rằng: “Để sở hữu những chiếc kèn tốt, giá cả trăm triệu đồng thì người nông dân phải bán thóc để mua. Ngoài ra còn phải mua thêm những loại nhạc cụ khác để hòa âm cho đa dạng”.
Ngoài đoàn kèn Tây, làng Báo Đáp còn có đội bát âm với khoảng 100 lão nông đều biết chơi đàn, kéo nhị, thổi sáo. Nhà ai có đám tang, đội bát âm kéo đến, tiếng kèn, tiếng nhị ai oán khiến ai cũng rơi nước mắt.
Nước ta còn có nhiều làng yêu âm nhạc, như làng Chèo Trung Lập ở Phú Xuyên (Hà Nội), làng nói khoác Văn Lang (Phú Thọ), làng kèn Tây Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu - Nam Định), làng nhạc Ninh Mỹ (Hoa Lư - Ninh Bình) và rất nhiều ngôi làng có truyền thống, dùng âm nhạc, văn hóa dân gian để làm giàu đời sống tinh thần.
Ông Phạm Quyết Thắng, “giám đốc” Nhạc viện làng quê Ninh Mỹ, tâm sự: “Chính âm nhạc đã giúp cho đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. Cũng từ đó, làm cho con người thân ái, gần gũi nhau hơn.
Nỗ lực truyền dạy
Không chỉ nhận thấy giá trị của âm nhạc với đời sống, mà ông Phạm Quyết Thắng với tâm huyết của mình còn nỗ lực truyền dạy âm nhạc cho các thế hệ sau. Ông khẳng định, để làm được điều đó thì ngoài sự dấn thân ra, chính người nông dân phải… “chịu chơi”! Không chịu chơi sao ông Thắng đã dành toàn bộ khuôn viên gia đình của mình để lập nên Nhạc viện làng quê, và rồi chính ông là người đã dẫn dắt các em học sinh có năng khiếu trở thành những người có đam mê, khát vọng và từ đó vươn lên, trở thành những nghệ sĩ tài năng.
“Tôi là kỹ sư lâm nghiệp. Trong thời gian công tác ở Thanh Hóa đã yêu âm nhạc rồi. Sau đó tôi sáng tác bài Ý cây luồng, cũng rất nổi tiếng ở thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Năm 1995 tôi về nghỉ hưu. Nỗi nhớ những năm công tác, nhớ thời gian học âm nhạc đã khiến tôi mua guitar, organ về chơi và dạy cho con. Con lại rủ thêm bạn đến học. Thế là tôi nghĩ phải dạy cho lớp trẻ cho làng, hướng dẫn các hội đoàn địa phương biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Các em nhỏ có nhu cầu mà. Âm nhạc cũng là công cụ giáo dục rất hiệu quả”.
Nhưng, để có nhiều nhạc cụ “nuôi sống” Nhạc viện làng quê, ông Thắng đã phải chạy vạy khắp nơi mua nhạc cụ cũ về sửa chữa rồi cho các học viên sử dụng tạm. Cứ như vậy hiện nhạc viện có 17 đàn organ, 12 cây violong, 7 đàn piano và rất nhiều đàn guitar. Học viên đến với ông ngày một đông bởi ông “tuyển sinh” tất cả mọi người, mọi lứa tuổi miễn là có niềm say mê với âm nhạc và đào tạo miễn phí. Nhiều em nhỏ đến học quần đùi, áo cộc, mặt mũi nhem nhuốc nhưng kéo violin rất tài tình.
Có em học sinh quàng khăn đỏ, xỏ chân vào đôi dép quá cỡ, ngồi lướt từng phím đàn organ. Không ít học sinh tiểu học đã được đào tạo, thắp sáng ước mơ. Chẳng hiếm cụ già về học để tăng cường sức khỏe. Một người bạn của ông Thắng là ông Nguyễn Văn Bôi, người bạn đồng nghiệp từ hồi ở Thanh Hóa ra thăm bạn, thấy bạn say mê với công việc đào tạo đã quyết định ra góp sức.
Ông Thắng chia sẻ: “Ông Bôi cũng có nhiều kinh nghiệm nên đã cùng tôi bồi dưỡng cho các cháu. Từ năm 2001, ông đã ra mua nhà ở xã Ninh Mỹ để công việc thuận lợi hơn. Đó là một điều vô cùng đáng quý”.
Nói gì thì nói, những người nông dân nơi những làng quê vẫn còn vất vả, lo toan cho cuộc sống, nuôi nấng con cái. Để có điều kiện dấn thân cho công việc, họ cũng phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Phía sau những người nông dân nơi làng quê là công việc chất chồng. Để có những phút giây thăng hoa bên các loại nhạc cụ là điều chẳng phải ai cũng làm được. Và chính họ - những con người là chủ thể - đã và đang làm nên sức sống của những ngôi làng giản dị và bình yên.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
