Những ký ức mãi xanh tươi
![]() | Thời báo Ngân hàng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì |
![]() | Thư của Thống đốc NHNN chúc mừng Thời báo Ngân hàng nhân kỷ niệm 25 năm |
Tờ báo đã trở thành kênh thông tin đáng tin cậy đồng hành với người đọc trong hàng chục năm qua. Tôi là bạn đọc và cũng là một trong những cộng tác viên gắn bó với “Thời báo Ngân hàng” khá sớm, ngay từ giữa thập niên 90. Biết bao kỷ niệm của một thời tất bật đi viết bài, chụp ảnh rồi vội vã gặp gỡ người biên tập chữa từng con chữ, khi công nghệ thông tin còn chưa cập nhật…
![]() |
Thời báo Ngân hàng luôn đồng hành cùng bạn đọc |
Tôi cộng tác với báo ở mảng văn hóa nghệ thuật và thường xuyên liên hệ với nhà báo Hồ Thị Hải Âu. Hàng tuần chị vẫn trao đổi với những cộng tác viên, trong đó có tôi về những đề tài và những câu chuyện thời sự văn hóa mà báo cần quan tâm. Dường như tuần nào chúng tôi cũng có dịp đến báo Ngân hàng, khi trụ sở còn ở tại Cơ quan “Ngân hàng Trung ương”, trên phố Lý Thái Tổ.
Lúc đến nộp bài, khi lại đến lĩnh nhuận bút. Rồi những cuộc họp làm những số báo Xuân, báo Tết hay những số đặc biệt cũng đã từng triển khai ở đây. Ai cũng phấn khởi viết bài đóng góp cho trang báo mình cộng tác ngày thêm một hấp dẫn.
Tôi còn nhớ những bài báo mình viết lúc đó không ít lúng túng khi biên tập viên đòi hỏi ngắn gọn, sinh động và chính xác. Đó là câu chuyện về thị trường âm nhạc, về kiến trúc thành phố, hay đề tài văn hóa trong kinh doanh, tiêu dùng, hoặc nghệ thuật sân khấu…
Tôi đã từng đối diện với những câu chuyện đó và bồi hồi cầm bút viết trong cảm xúc dạt dào, với từng con chữ. Lại nhớ có lần toà soạn yêu cầu viết gấp một bài nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, để bổ sung cho mảng còn thiếu. Nói là gấp nhưng cũng phải hai ngày mới xong bài, vì hồi đó vẫn là thời kỳ đi xe đạp, viết tay, sửa bài đến “mụ người” rồi mới đưa đánh máy.
Một ngày tôi bươn bả đi tìm dấu vết người treo cờ trên Nhà hát Lớn TP. Hà Nội, lại có lúc ngồi rình nắng bừng lên để chụp ảnh (tất nhiên là phim đen trắng), những vết đạn còn găm lại trên hàng rào sắt ở tòa nhà Khâm Sai (phố Ngô Quyền). Sau đó còn đến Bảo tàng Hà Nội, ngày đó còn đóng trụ sở ở phố Hàm Long, để ghi chép tư liệu. Sáng hôm sau viết và sửa để chiều mang đến báo nộp bài cho kịp thời gian để kịp biên tập rồi cho đánh máy lại…
Khi bài xuất hiện trên báo mới thở phào nhẹ nhõm. Cứ nghĩ lại những kỷ niệm của một thời vật lộn với con chữ bằng bút mực và hành trình toát mồ hôi vì đạp xe lấy tư liệu mới thấu được giá trị của từng bài báo ngày đó. Làm gì đã có ai biết đến USB, biết đến Smartphone hay Google… như ngày nay. Nhưng giờ đây những ký ức tràn về lại thấy thân thương và đáng yêu làm sao.
Cứ như vậy, tôi đã đồng hành cùng sự phát triển và lớn mạnh của tờ báo thân yêu. Sau này, “Thời báo Ngân hàng” chuyển đổi trụ sở về 137 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ. Khi đó, tôi mới có dịp được tiếp xúc với tập thể Ban lãnh đạo tờ báo. Đó là Tổng biên tập - chị Nguyễn Lan Anh, các anh Phó Tổng biên tập Trịnh Quang Khải, Hoàng Văn Minh.
Các anh chị đã rất nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn về nội dung, cũng như cách thể hiện bài vở sao cho phù hợp với tờ báo. Đó là một không khí thực sự chân tình và ấm áp. Và cũng theo thời gian, tôi còn được cộng tác thêm với một số biên tập viên, phóng viên của tờ báo. Mỗi người một vẻ và họ đã trở thành những người bạn gắn bó với nghề báo của tôi.
Có những thời đoạn tôi “lấn sân” sang cộng tác về lĩnh vực du lịch, hay mảng ảnh hoặc những bài mang chủ đề chính trị, thời sự... nhưng đều ít nhiều chưa thành công và gặp nhiều trở ngại.
Tôi cứ nhớ mãi một lần nhà báo Bùi Sim Sim khẳng định tôi chỉ viết tốt ở những câu chuyện thuộc về văn hóa nghệ thuật, hay chân dung văn nghệ sĩ. Sự thẳng thắn đầy trách nhiệm và trung thực ấy là sự mách bảo thiết thực nhất cho những cộng tác viên.
Thế là từ đó tôi chuyên tâm và tiếp tục cộng tác ở mảng văn hóa nghệ thuật cho đến nay, ở những lĩnh vực tôi thành thạo và quen thuộc. Khi các anh chị ấy “gọi bài” là tôi nhận lời ngay và nộp bài nhanh chóng đúng kỳ hạn. Thậm chí có những bài mà nhà báo Đỗ Huy Chí “đặt hàng” gấp vào lúc chiều tối, với yêu cầu sáng hôm sau phải nộp.
Thế là cả đêm hôm đó tôi thức trắng làm đủ mọi việc trên máy, xử lý tư liệu, viết bài, chọn ảnh, sửa chữa, cắt gọt đúng số chữ… cho đến đúng 8 giờ sáng hôm sau gửi mail cho anh. Hai hôm sau cầm tờ “Thời báo Ngân hàng” vừa ra khỏi nhà in mà trong lòng rưng rưng niềm vui khó tả.
Những ký ức đó chẳng bao giờ phai mờ trong tôi. Giờ đây tờ báo ngày càng phong phú thông tin và kỹ thuật ấn loát đã đẹp hơn. Nhất là những trang văn hóa nghệ thuật được trình bày khá hiện đại và có ấn tượng tốt với bạn đọc.
Nhiều đề tài của trang rất hấp dẫn với những bài viết có chất lượng, thấm đẫm chất văn chương. Đó là những truyện ngắn đầy tính nhân văn, những bài tản văn làm xao xuyến lòng người, cùng những bức ảnh đầy ấn tượng trong tâm hồn bạn đọc.
Cùng với đó, bên cạnh những vấn đề văn hóa thì những sự kiện xã hội cũng được “Thời báo Ngân hàng” quan tâm cập nhật, phản ánh kịp thời, tạo nên một chuyên trang “Văn hóa-Xã hội” sâu sắc và có sức thu hút đông đảo bạn đọc.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
