Nhạc sĩ Thao Giang - cánh chim không mỏi
Một đời nặng lòng với xẩm
Gặp nhạc sĩ trong khuôn viên của đình Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội), nơi ông nói được nhân dân cưu mang, cho mượn để làm trụ sở hoạt động, tôi mới thấy được tình yêu của ông dành cho âm nhạc dân gian nhiều đến nhường nào. Với mong muốn khôi phục lại những loại hình âm nhạc truyền thống đang dần bị lãng quên, năm 2005, ông cùng cố GS, NGND Phạm Minh Khang thành lập nên Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Những ngày đầu thành lập khó khăn chồng chất khó khăn, kinh phí thì thiếu, trụ sở lại không, ông cùng các cộng sự phải lăn lộn khắp nơi, kêu gọi các nghệ sĩ như: Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Văn Ty, Hạnh Nhân… chung tay giúp đỡ nhưng không lương. Rất may Trung tâm nhận được sự ủng hộ của các nghệ sĩ, cùng với sự đón nhận nồng nhiệt của nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm của nhiều bạn trẻ muốn được theo học các loại hình nghệ thuật dân gian, Thao Giang càng thêm vững tin trên con đường “lội ngược dòng” của mình.
![]() |
Nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ về những dự định phát triển âm nhạc truyền thống |
Đằng sau dáng người nhỏ của ông là cả bầu trời nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng để khôi phục những làn điệu tưởng chừng như đã thất truyền. Ngọn lửa đam mê với âm nhạc dân tộc nhen nhóm trong ông từ những ngày ấu thơ, qua nhiều năm tháng cuộc đời, nó vẫn âm ỉ cháy. Đối với người nhạc sĩ ấy, xẩm hay những làn điệu dân ca khác luôn mang lại bình yên trong tâm hồn con người, để rồi chúng thôi thúc ông phải xắn tay áo lên, đi tìm hướng vực dậy các loại hình âm nhạc truyền thống.
Vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần, sân khấu biểu diễn âm nhạc truyền thống trước cửa chợ Đồng Xuân của Trung tâm luôn đông nghịt người xem, đủ mọi lứa tuổi. Đối với những người cao tuổi sống tại khu phố cổ, gánh xẩm nơi đây là điều họ mong ngóng mỗi tuần. Những lời ca, tiếng hát do các nghệ nhân của Trung tâm thể hiện đã gợi lại cho họ những ký ức đẹp về nhịp sống của phố phường Hà Nội thuở nào. Xẩm không chỉ “sống” lại gần hơn với nhân dân Thủ đô mà còn “sống” lại trong lòng thính giả yêu nhạc truyền thống trên khắp cả nước, đặc biệt là nhận được sự quan tâm của các du khách nước ngoài. Có lẽ, đây là tín hiệu đáng mừng đối với những người mà cả cuộc đời nặng lòng với xẩm như nhạc sĩ Thao Giang.
Luôn đặt chữ “tâm” hàng đầu
Nhạc sĩ Thao Giang quê ở Thanh Oai - Hà Nội, học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) từ năm 1958. Ban đầu chỉ là học lớp sơ cấp. Sau đó học dần lên, ông được giữ lại làm công tác giảng dạy sau mười năm rèn rũa tại Nhạc viện. Ông cũng từng được cử sang Ấn Độ 5 năm để học hàm thụ, biểu diễn giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Sau nhiều năm công tác, nhận thấy cách giảng dạy theo lối cũ không còn phù hợp và khơi gợi được niềm đam mê của sinh viên, ông đã mạnh dạn đề xuất lên Khoa được thay đổi giáo trình và phương pháp dạy học, thế nhưng gặp nhiều bất cập nên không thành. Vì tình yêu xẩm quá đỗi nhiều nên nhạc sĩ Thao Giang đã từ bỏ cả cương vị Phó khoa Âm nhạc truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội để dồn vào nghiên cứu và tìm ra “hơi thở” mới cho những loại hình nghệ thuật cổ truyền.
![]() |
Nhạc sĩ Thao Giang |
Qua mỗi ngày, quần chúng nhân dân lại biết đến xẩm nhiều hơn. Giọng xẩm từ đình Hào Nam đã vươn xa, vẫy gọi các học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng cùng chung một niềm đam mê đến Trung tâm để học âm nhạc truyền thống, đặc biệt là sự quan tâm của thế hệ trẻ. Từ chỗ chưa biết kéo đàn, chưa biết nhịp phách, gõ trống, ngân nga trau chuốt câu xẩm… qua sự dìu dắt và chỉ bảo tận tình của nhạc sĩ Thao Giang cùng các nghệ nhân khác, nay họ đã có thể biểu diễn thuần thục và đi diễn cả trong và ngoài nước. Tâm sức của những người thầy như nhạc sĩ Thao Giang đã phần nào được đền đáp xứng đáng.
Để có thể đưa xẩm vào cuộc sống hiện nay, thì ngoài việc giữ gìn và bảo tồn làn điệu cổ, nhạc sĩ Thao Giang còn dày công nghiên cứu, tìm ra những quy luật, nguyên lý xưa để bổ sung, chỉnh lý thành những làn điệu mới sao cho phù hợp với thị hiếu của công chúng hiện đại. Đối với khán giả trong nước, các nghệ sĩ phải biểu diễn làm sao đúng với tinh thần của một loại hình nghệ thuật dân gian vừa dí dỏm, hài hước, đậm chất “quê mùa” nhưng cũng vừa kiêu hãnh, đầy sự tự tôn. Đối với khán giả nước ngoài, họ lại phải biểu diễn sao cho hấp dẫn, dễ nhớ và dễ hiểu mà vẫn không làm giảm đi “bản sắc” vốn rất “đời” của loại hình này. Từ những bộ nhạc cụ đã sờn, cùng với những câu hát mộc mạc, xẩm từ chỗ tưởng chừng như mai một bỗng nhiên “cựa mình”, và ngày càng trỗi dậy, chiếm một vị trí nhất định trong lòng công chúng. Đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, sự “vật lộn” quên mệt mỏi của nhạc sĩ Thao Giang.
Cả một cuộc đời gắn bó với nghệ thuật, tình cảm của nhạc sĩ Thao Giang dành cho âm nhạc dân gian, cho Trung tâm và cho các học viên vẫn luôn vẹn nguyên như những ngày đầu. Dù tuổi đã cao nhưng ngày nào ông cũng nghiên cứu các tài liệu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy để truyền đạt đến học viên một cách hiệu quả nhất.
Thấm thoắt 15 năm trôi qua, giờ đây Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam của nhạc sĩ Thao Giang và các đồng sự đã tự khẳng định và được khẳng định là một trong những địa chỉ tin cậy trong việc gìn giữ và phát huy âm nhạc dân gian tại Hà Nội, đáng kể nhất là việc khôi phục nghệ thuật hát xẩm Hà Thành.
Trải qua năm rộng tháng dài với nhiều biến thiên lịch sử, đã có lúc ngỡ như xẩm Hà Thành lụi tắt. Nhưng rồi nó vẫn tồn tại, vẫn “vươn mình” trở thành “thương hiệu” văn hóa không thể thiếu trong phố đi bộ. Ấy là bởi có những người thầy, những người “giữ lửa” và “truyền lửa” đầy nhiệt huyết như nhạc sĩ Thao Giang. Ông mong muốn việc đào tạo tại trung tâm được cơ quan nhà nước giúp đỡ, cùng trung tâm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy để xẩm trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhạc sĩ mong rằng thế hệ trẻ sau này sẽ không còn quay lưng lại với xẩm - một nền nghệ thuật dân gian độc đáo có từ lâu đời của dân tộc ta.
Trong âm hưởng ngân nga của tiếng sáo, tiếng đàn cất lên từ phía sân đình Hào Nam, các học viên của trung tâm đang say sưa tập luyện, nét mặt họ tươi tắn, vui mừng như được sống với niềm đam mê của mình. Tôi chợt nghĩ, tâm nguyện của người nhạc sĩ sẽ thành sự thật vào một ngày không xa…!
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
