Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Trang văn trang sống
![]() |
Những trang văn của anh ngày càng bộc lộ những khám phá mới về cuộc sống đầy đổi thay, với giọng điệu chân thực, đầy nỗi niềm. Anh cho biết: “Quá trình tôi thích ứng với cuộc sống, những khúc cua, những ngã rẽ, đồng nghĩa với ngòi bút của tôi cũng thích ứng để vượt thoát trên trang giấy”. Phóng viên có cuộc trao đổi với anh về chuyện đời, chuyện viết.
Đang “chắc chân” với nghề giáo, tại sao anh lại chuyển hẳn về tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, rồi sống với nghề viết? Anh có nghĩ là mình đã quá mạo hiểm?
Quả thật tôi học sư phạm và ra dạy học, trước đây tôi chưa từng có ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ thôi đứng trên bục giảng. Nhưng rồi mọi chuyện cứ đến một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như thể nó phải thế. Trong hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê từng nói, nghề giáo là nghề phù hợp nhất với người viết văn. Tôi đọc hồi ký của ông trước thời điểm quyết định nghỉ dạy, cách đây gần 4 năm. Giờ nhắc lại, tôi nghĩ đấy là cái duyên.
Khi một cánh cửa mới mở ra mà mình thấy hào hứng, thêm màu sắc mới cho cuộc sống của chính mình, đồng thời có thể sống được cùng nó thì bước tới thôi. Có thể “phù hợp nhất” với mọi người lại chưa hẳn đã “phù hợp nhất” đối với tôi, đấy cũng là điều bình thường. Bởi vậy, chẳng có gì là mạo hiểm cả. Đến giờ tôi thấy vui với những gì mình đã trải qua cũng như háo hức với những điều mình đang hướng đến.
Các sáng tác của anh về đề tài giáo dục khá nhiều. Phải chăng anh nặng nợ với đề tài này? Liệu thời gian sắp tới, anh có còn trung thành với đề tài giáo dục?
Nghe “nặng nợ” có vẻ to tát và sợ quá. Tôi rất sợ “nợ”. Nếu viết là cách trả nợ gì đó như nhiều người vẫn ví von có khi tôi trốn nợ quá (cười). Còn về đề tài giáo dục thì, nhà tôi có đến 3 thế hệ cùng làm nghề dạy học, hoặc quản lý giáo dục.
Lớn lên trong môi trường ấy, cộng thêm vài năm dạy học nữa, nghĩa là “nguyên liệu” về đề tài giáo dục, rất tự nhiên, đã được “nạp” vào tôi khá nhiều. Vậy nên việc tôi “nhả” ra những sáng tác về đề tài này, nếu có phần “tham lam” hơn so với đề tài khác, nhất là ở giai đoạn đầu sáng tác này, tôi nghĩ đấy cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên sau truyện dài “Không biết đâu mà lần” cùng một số các truyện ngắn có không gian, bối cảnh thầy cô, trường lớp, tôi nghĩ mình đã làm xong nhiệm vụ ở “sân” này rồi. Cuộc sống với những sắc màu bề bộn, những chiều kích mới luôn mời gọi người viết đồng hành. Và tôi cũng muốn trang văn của mình lên đường cùng cuộc sống!
Nhưng trong thực tế, có không ít các nhà văn vẫn đang là nhà giáo. Anh có thể vẫn vừa dạy học và vừa viết văn. Nếu được lựa chọn lại, anh có thay đổi quyết định?
Không ít các nhà văn vẫn đang là nhà giáo. Cũng có rất nhiều nhà văn đã nghỉ dạy để chuyển sang nghề khác. Có lẽ tôi sẽ không thay đổi sự lựa chọn. Khi có cánh cửa nào đó mở ra, mà mình hào hứng, mình thấy vừa vặn và sống vui được với nó thì bước tới thôi.
Viết truyện cho thiếu nhi và từng đạt giải thưởng, văn của anh trước đây có phần man mác, tình cảm phù hợp với lứa tuổi học trò, rồi mấy năm nay chuyển “gu”, viết có chất giễu nhại, sâu cay. Anh có thể lý giải rõ hơn?
Tôi đến với văn chương từ thời tuổi mới lớn nên các trang viết ban đầu đa số dành cho tuổi mới lớn, rồi theo thời gian, lớn dần lên, cuộc đời “dạy” mình nhiều hơn, suy nghĩ cũng theo đó mà lớn lên chút chút, thế là lại viết lớn hơn nữa. Trang văn tịnh tiến theo khả năng tôi hòa mình vào cuộc sống. Sau khoảng loay hoay tìm mình, tôi tự thấy giọng mình hợp với kiểu trào lộng, châm biếm, giễu nhại nên văn ra vậy.
Tuy nhiên, ký ức với người viết là miền thiêng liêng khôn tả nên sểnh ra tôi lại “xin một vé đi tuổi thơ” hoặc tuổi hoa. Đơn giản vậy thôi. Viết là quá trình tôi “chiếm đoạt” tôi ở những thời khắc khác nhau. “Chiếm đoạt” được mình đã là mừng, còn “chiếm đoạt” tâm trí người đọc được đến đâu lại là yếu tố ngoài mình rồi.
Anh cần mẫn sáng tác, có thể nói là “làm nhiều hơn nói”, trong khi không ít cây bút trẻ lựa chọn cách PR tác phẩm rầm rộ trên nhiều phương tiện truyền thông, anh có sợ mình bị… tụt hậu?
Tôi không sợ mình bị… tụt hậu theo cách đó. Hay đúng hơn cách đó chưa hẳn đủ sức làm những người viết khác không đi theo lối đó tụt hậu. Tôi chỉ sợ mình không vượt qua được chính mình thôi.
Với người viết, tôi nghĩ, việc quan trọng nhất vẫn là… viết. Tự thân tác phẩm sẽ nói lên nhiều điều. Tất nhiên, tôi không phủ nhận vai trò của truyền thông. Nếu anh ngồi yên với ý nghĩ hữu xạ tự nhiên hương chắc chắn là hơi… ảo tưởng sức mạnh, nhất là với thời buổi các loại hình giải trí “ăn nhanh” quá nhiều và thị trường sách ồn ào sách mới từng ngày như hiện nay.
Nếu có cơ hội “chào hàng”, tôi vẫn tận dụng để tác phẩm của mình có thể được bạn đọc biết đến rộng rãi hơn, dù là cơ hội nhỏ nhất. Nhưng trên hết quan trọng nhất vẫn là tác phẩm. Phải có gì đó thì mới dám tự tin mở lời mời. Không phải treo đầu dê bán thịt chó, mà treo đầu bê bán thịt bò thôi thì trong văn chương sớm muộn gì cũng phải đóng cửa hàng thôi. Vậy nên, tốt nhất là lại trở về chăm chút cho trang viết của mình thì hơn.
“Thừa ra một người” là tập truyện ngắn của anh mới ra gần đây, có nhiều điểm nhìn róng riết về các vấn đề xã hội đương đại. Phải chăng, sau khoảng thời gian lăn lộn với cuộc sống, cái nhìn của anh cũng đa chiều hơn?
Có lẽ là vậy. Tôi có chia sẻ ở đầu tập truyện, rằng: “Xã hội càng hiện đại càng ngổn ngang hơn. Chiều nào, góc nào, hướng nào cũng thấy ngổn ngang. Sáng mở mắt ra đã ngổn ngang. Ngổn ngang đến khi đi ngủ. Ngổn ngang cả trong mơ. Ngổn ngang phận người. Ngổn ngang chân trời. Người viết cất lời trong/về những hỗn mang ngổn ngang ấy. Để làm gì? Để được gì? Chẳng biết nữa. Đơn giản, tập truyện là những chiều kích ngổn ngang trong khoảng không gian, thời gian nhất định nào đó mà người viết muốn găm lại, mong được sẻ chia. Chỉ vậy thôi”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
