Nhà văn phải khẳng định mình bằng tác phẩm
Ở mỗi kỳ đại hội là dịp để mỗi nhà văn nhìn nhận lại một chặng đường sáng tác của mình, Hội Nhà văn Việt Nam cũng tổng kết chặng đường 5 năm, với việc đánh giá, rút kinh nghiệm và làm sao để nhiệm kỳ tới phát triển nền văn học, hỗ trợ hội viên, đoàn kết trong đời sống sáng tác. Nhìn lại cả một quá trình, dù văn học Việt Nam có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhưng nhìn vào công tác phát triển hội viên, hỗ trợ sáng tạo, đặc biệt là chất lượng tác phẩm, nhiều người tỏ ra lo lắng, thậm chí buồn phiền. Nhà văn phải khẳng định mình bằng tác phẩm, thế nhưng có nhiều hội viên chưa từng được công chúng biết đến, tác phẩm chưa đạt nhưng vẫn cố “len” vào hội. Nên khi được kết nạp, lúc xướng tên lên chẳng ai biết nhà văn ấy là ai, viết thể loại gì. Thậm chí có nhà văn còn thốt lên: “Tôi chưa bao giờ được biết đến một tác phẩm của ông ta”.
![]() |
Buổi họp đầu tiên của Ban chấp hành mới |
Việc đổi mới công tác hội, với yếu tố trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, ban chấp hành đã được tính đến từ lâu và đó cũng là mong mỏi của đông đảo hội viên suốt nhiều năm qua. Ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khoá X, hội viên đã được thỏa mãn chuyện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo và ban chấp hành. Từ đây, nhiệm vụ của toàn thể các nhà văn là nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động sáng tạo văn học lên một tầm cao mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, phấn đấu có nhiều tác phẩm hay.
Mục tiêu cụ thể là, sẽ nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động sáng tác, lý luận phê bình và văn học dịch. Đặc biệt khuyến khích đầu tư cho những tác phẩm đi vào nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, biểu dương những vùng sáng mới, những tấm gương lao động sáng tạo và chiến đấu dũng cảm, đấu tranh phơi bày, lên án mọi cái xấu cái ác, mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Phấn đấu mỗi năm, mỗi thể loại đều có từ 1 đến 3 tác phẩm được trao giải thưởng. Toàn khóa có 10 giải thưởng Sông Mê Kông, 10 giải ASEAN, từ 10 đến 15 giải thưởng Nhà nước, từ 3 đến 5 giải thưởng Hồ Chí Minh.
Muốn vậy, cần tạo mọi điều kiện để các nhà văn thâm nhập sâu vào các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp, các vùng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tuyến biên giới, hải đảo. Các cơ quan báo chí của hội tiếp tục mở các cuộc thi văn học để phát hiện tài năng trẻ. Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc thi tiểu thuyết lần thứ VI; mở rộng hội thảo về tiểu thuyết, nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy về thể loại quan trọng này, phấn đấu để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Thêm nữa cũng cần duy trì, phát triển việc quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng các dự án dịch tác phẩm tiêu biểu ra tiếng nước ngoài, phấn đấu trong nhiệm kỳ có 30 tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài; chủ động tham gia giải thưởng ASEAN trên cơ sở nâng cao chất lượng giải thưởng hằng năm của hội.
Bước vào một giai đoạn mới, mong rằng tâm thế nhà văn sẽ được nâng lên, cảm hứng sáng tạo được khơi gợi và các mục tiêu sẽ đạt được. Xét đến cùng, mỗi nhà văn phải khẳng định mình bằng tác phẩm chất lượng. Khi mỗi nhà văn đều “mạnh” thì Hội Nhà văn mới thật sự phát triển.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
