Nhà văn Lê Phương Liên: Từ cây bút cho thiếu nhi đến tiểu thuyết dã sử
Chọn con đường khó nhất để tạo sự nghiệp
Sinh năm 1951, ở khu phố cổ Hà Nội, nhà văn Lê Phương Liên đến nay đã có nửa thế kỷ sáng tác văn chương. Bà vốn là cô giáo dạy sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Lý trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tình yêu với văn chương ăn sâu vào máu nên chỉ sau 9 năm đứng trên bục giảng, Lê Phương Liên quyết định rẽ lối, đầu quân cho NXB Kim Đồng.
Theo nữ nhà văn này, truyện vừa Những tia nắng đầu tiên và truyện ngắn Câu hỏi trẻ thơ là tác phẩm đầu tay của bà. Tuy là truyện viết sau nhưng Câu hỏi trẻ thơ là tác phẩm đầu tiên của Lê Phương Liên được công bố (Báo Người giáo viên nhân dân, in ngày 2/9/1970). Sau đó, dù bận rộn với công việc biên tập tại NXB Kim Đồng nhưng nhà văn Lê Phương Liên vẫn dành thời gian cho sáng tác. Kể từ truyện ngắn đầu tiên, cứ đều đặn 2 - 3 năm bà lại có một tập truyện mới ra mắt độc giả. Có thể kể tới Khi mùa xuân đến, Hoa dại, Bức tranh còn vẽ, Én nhỏ, Khúc hát hạnh phúc, Dòng thu, Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu, Khu vườn biết nói, Ký ức ánh sáng...
![]() |
Tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi của nhà văn Lê Phương Liên vừa phát hành trên toàn quốc |
Là người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, từng giữ chức vụ Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Phương Liên có cơ hội được làm việc với nhiều nhà văn lớn của nền văn học thiếu nhi nước nhà như nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Đoàn Giỏi, Trần Hoài Dương, Định Hải... Nữ nhà văn chia sẻ, từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, lẽ sống của bà là tình yêu thương con người nhất là những người bé bỏng như trẻ em. “Tôi sớm có một niềm khát khao vươn lên để hiểu biết tinh hoa trí tuệ loài người và mong mỏi được sống trong xã hội thắm tình yêu thương chân thật. Niềm khát khao ấy đã thôi thúc tôi cầm bút viết văn từ tuổi thanh xuân, trải qua những vất vả thăng trầm nỗi niềm ấy vẫn khiến tôi viết tiếp và viết mãi” – nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, viết cho thiếu nhi rất khó, viết cho lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo còn khó hơn nhiều. Vậy mà nhà văn Lê Phương Liên đã chọn con đường khó nhất ấy để tạo dựng sự nghiệp cho mình. Với tâm hồn trong trẻo, tinh tế và nhạy cảm, lại thêm lối kể chuyện mộc mạc, giản dị mà không kém phần hấp dẫn, sâu sắc... văn của Lê Phương Liên là những món quà đặc biệt đã “thửa” riêng dâng tặng con trẻ và những ai từng là con trẻ.
Bước chuyển bất ngờ
Được biết đến là cây bút của thiếu nhi, thế nhưng mới đây nhà văn Lê Phương Liên khiến bạn đọc ngỡ ngàng lẫn thán phục khi bà cho ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi. Tiểu thuyết này nhanh chóng thu hút độc giả bởi tác phẩm này nội dung kể về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. “Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc” - nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ về việc viết cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi.
Với 5 chương nhưng Nữ sĩ thời gió bụi của Lê Phương Liên thâu tóm được toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một nhà giáo, một thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, có tầm nhìn sâu rộng, có chính kiến và có một tấm lòng rất mực nhân hậu. Thật khó hình dung về một bà Điểm tài sắc vẹn toàn nhưng không chỉ là cầm kỳ thi họa mà lại còn có tài… võ nghệ. Chẳng thế mà trong một lần một mình về quê, khi gặp cướp bà đã làm cho tên cướp hồn bay phách lạc; hay như những lần bà múa bài Hoa mai quyền dưới trăng cùng anh trai Đoàn Doãn Luân khiến bao người trầm trồ thán phục.
Nhà văn Lê Phương Liên với tiểu thuyết dã sử đầu tiên này đã rất dụng công khi cài cắm các chi tiết làm cầu nối cho các nhân vật có dịp xuất hiện như trong khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà đã có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Kiều; tên cướp Đoàn Thị Điểm gặp trên đường về sau trở thành học trò của Hồng Hà nữ sĩ; cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác từng ở với gia đình Đoàn Thị Điểm trước khi tòng quân và bà đã gặp lại cậu em thân thiết này khi tiễn chồng đi sứ.
Tài năng hiếm có, tấm lòng nhân hậu của Đoàn Thị Điểm đã cảm hóa và gây ấn tượng mạnh với tất cả những người có cơ hội được gặp gỡ với bà – từ Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm đến các học trò, người dân làng quê bà cũng như quê chồng khi bà cùng dân làng chữa trị bệnh cho các thương binh trong chiến trận… Đan cài vào diễn biến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ ngay từ thuở nhỏ, để nàng ứng tác thơ văn, sáng tác truyện kỳ ảo và dịch Nôm Chinh phụ ngâm một cách thần tình.
Viết về một nhân vật lịch sử có tầm vóc là điều không hề dễ dàng. Viết về một người phụ nữ 300 năm trước sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc đã mang đầy tư tưởng nữ quyền lại càng là một thử thách. Thế nhưng nhà văn Lê Phương Liên đã tìm ra cho mình một cách tiếp cận dân dã mà đầy thuyết phục để đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu, trải nghiệm đầy đủ nhân tình thế thái của một nữ sĩ thời gió bụi đầy xúc động và nhân văn.
Nhà văn Lê Phương Liên đã giành được các giải thưởng: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản, giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi viết về “Thầy giáo và nhà trường xã hội chủ nghĩa” của Bộ Giáo dục năm 1970 cho truyện ngắn Câu hỏi trẻ thơ, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997, Huy chương Vì thế hệ trẻ năm 1981 với hai tác phẩm Những tia nắng đầu và Khi mùa xuân đến. Các tác phẩm chính của bà gồm: Những tia nắng đầu tiên (1971), Khi mùa Xuân đến (1974) Bông hoa phấn trắng (1984), Hoa dại (1995), Bức tranh còn vẽ (1997), Én nhỏ (1998), Câu hỏi trẻ thơ (1971), Đêm tan (1986), Ngày em tới trường (2002), Dòng thu (2008), Cuộc phiêu lưu của chú rối Tễu (2009), Chú Tễu kể chuyện (2019). |
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
