Nhà thơ Vương Tâm: Hết mình với đam mê
Tạo dấu ấn bằng chuyên mục
Không dám và dấn thân, làm sao một ông lão về hưu đến giờ tuổi đã 70 vẫn sẵn sàng lên đường, bắt tàu xe đi ngoại tỉnh viết bài, thậm chí “phi” hẳn xe máy để tiện làm việc. Cái giá của những lần dấn thân ấy là ba lần bị ngã xe, gẫy xương thiệt hại tiền bạc cả chục triệu đồng, nhưng bù lại ông được trải nghiệm, được bài viết và thỏa cái thú xê dịch.
![]() |
Nhà thơ Vương Tâm trong một chuyến đi thực tế Tây Nguyên |
Nói đến Vương Tâm và sự dấn thân của ông, có lẽ phải bắt đầu từ khi chàng kỹ sư khí tượng thủy văn, yêu văn chương quyết định đổi nghề. Năm 1989 ông được chuyển về công tác ở báo Hà Nội mới. Tổng biên tập báo lúc bấy giờ là ông Hồ Xuân Sơn đã tạo điều kiện cho Vương Tâm, để rồi tạo nên một sự thay đổi đầy ấn tượng.
Vương Tâm được nhận về làm việc, đầu tiên phụ trách một số trang, mục Văn học Nghệ thuật của tờ Hà Nội mới chủ nhật (HNMCN), tiền thân của ấn phẩm HNMCT ngày nay.
Nhiều độc giả đón đọc và ấn tượng với cây bút Vương Tâm từ đó, tờ báo cũng được quan tâm hơn khi manh nha phát triển yếu tố thị trường, xã hội bằng việc gây dựng nhiều chuyên mục hấp dẫn. Hơn một năm sau, Vương Tâm chịu trách nhiệm phụ trách tờ báo và lo toàn bộ nội dung dưới sự chỉ đạo của TBT, nhà báo, tiến sĩ Hồ Xuân Sơn.
Vậy những chuyên mục nào đã khiến báo HNMCN tạo được ấn tượng? Trước hết phải kể đến chuyên mục “Hà Nội tạp văn”. Đây là chuyên mục Vương Tâm muốn tạo nên độ sắc nét, cập nhật những sự biến động của cuộc sống, khi xã hội đã bước sang thời kỳ đổi mới.
Sau này ông tâm sự, lúc đó lấy tiêu chí bài viết theo dấu ấn của nhà văn Lỗ Tấn, Ngô Tất Tố và Vũ Bằng đã từng làm, là khai phá về những vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội, cũng như nét văn hóa đặc trưng của đời sống thủ đô trên con đường phát triển.
Chuyên mục ngày càng phát triển. Nhiều cây bút tham gia viết bài, đề tài cũng mở rộng thêm và thiên về cảm xúc với phố phường, các mùa trong năm, cảnh sắc thiên nhiên, con người Hà Nội. Chuyên mục bền bỉ còn tồn tại đến hôm nay, đã chừng 27 năm. Sau đó, trong vòng hơn 15 năm báo Hà Nội mới kết hợp với NXB Thanh Niên đã chọn in được 3 tuyển tập các bài tạp văn hay và phát hành rộng rãi trong cả nước.
Mục thứ hai là “Những bài hát được nhiều người yêu thích” cũng góp phần làm nên tên tuổi tờ báo. Đây là chuyên mục độc đáo vào thời gian đó, được triển khai trong hơn 10 năm. Kết quả, vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội (năm 2000), tập sách nhạc “99 bài hát được nhiều người yêu thích” được xuất bản, với những bài đã được chọn lọc từ chuyên mục này.
Liên tiếp, những năm sau, Vương Tâm và NXB Thanh Niên đã chọn in thêm 3 tập sách nhạc nữa. Đặc biệt trong đó hai tập đầu tiên được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, còn một số chuyên mục khác như “Quanh sàn diễn”, “Tác giả tác phẩm”, hoặc “Chuyện tình của những người nổi tiếng”, hay “Tô Hoài kể chuyện”… cũng rất thu hút bạn đọc trong nhiều năm.
Lúc đó dường như Vương Tâm đã có ý thức khai thác những vấn đề văn hóa, xã hội cởi mở sinh động, mang dấu ấn hấp dẫn, phù hợp với yếu tố thị trường trong báo chí.
Làm việc không mệt mỏi
Từ khi về hưu năm 2006 đến nay đã được 10 năm. Nhưng ngòi bút của ông vẫn sắc bén và quan trọng hơn, ông làm việc không ngừng nghỉ. Ông lo nội dung cho một số tờ báo ở Hà Nội, rồi còn giữ chuyên mục cho một vài ấn phẩm báo đang thịnh hành trong thị trường hiện nay.
Ông đi và dấn thân nhiều đến nỗi cánh trẻ phải ngỡ ngàng. Ngọn lửa đam mê, dấn thân và dám lăn xả trong ông không tắt. Bằng chứng là không chỉ đều đặn những bài ký chân dung, ghi chép, khảo cứu… xuất hiện trên các báo với nhiều bút danh khác nhau, mà ông còn cho ra đời một số đầu sách, cả tiểu thuyết, thơ, ký chân dung và dành nhiều giải thưởng có giá trị.
Khi thế hệ những người hơn tôi độ 5 đến 10 tuổi đã bị cuộc sống trầy trật này “cột” chân, không còn thời gian cùng ông có những chuyến ngao du nữa thì ông đi với tôi để tìm hiểu thực tế. Những chuyến đi đôi khi chỉ là để đến một vùng đất, để viết một bài báo, thậm chí chỉ để chịu cái nắng nôi gió cát cho thấu thêm nhịp sống ở đời vào người.
Ông nhanh nhẹn và tôi còn trẻ. Ông chỉ bảo và tôi biết lắng nghe. Những chuyến đi dù không thu được lợi, thì đó cũng là những viên gạch cho tòa tháp vốn sống của những nhà văn. Chúng tôi theo kịp sức khỏe của nhau dù một người đã 70 còn một người tròn 35. Vương Tâm trẻ đến nỗi, chỉ cần tôi “ới” một câu là ông lại hỏi: “Đồng chí có chỉ thị gì?”. Ông sẽ nhanh chóng sắp xếp công việc để đi chịu… vất vả cùng tôi.
Cái tạng của ông như thế và cũng thích như thế. Giao du với những người trẻ để thấy mình thêm trẻ. Ông vẫn duy trì đều đặn thói quen đó. Như thể không đi không chịu được. Đi để “bắt mạch” cuộc đời này như có thời gian ông đã “bắt mạch” thời tiết. Trong những chuyến đi đó, có khi gặp một bóng hình đẹp đẽ nào đó, ở một vùng sơn cước nào đó, rồi mơ mộng làm thơ.
Những điều tôi viết về ông còn ít so với những gì ông có. Bởi đứng trước ông, tôi thấy mình đang đứng trước cửa một ngôi nhà lớn và chỉ có thể quan sát được phần trước mặt. Vương Tâm với tất cả những gì ông đã sống, tôi mạn phép nói rằng ông không phải là một ẩn sĩ, cũng không phải là một người kéo chuông, nói cho thiên hạ biết mình là nhà thơ.
Mọi thứ đối với ông đều đơn giản. Ông không quên đời sống này, càng không muốn mình bị hạn chế bởi tuổi tác. Lúc nào ông cũng muốn mình sống như một gã thanh niên với tất cả sự trẻ trung cần thiết.
Để có được sự bền bỉ trong dấn thân, sáng tạo và yêu đời, Vương Tâm cho biết bản thân phải luôn biết nuôi tố chất mình có. Ông nhấn mạnh là làm việc phải quên đi vụ lợi. Sống vì nghề mà chết cũng vì nghề mới mong được thành quả. Tôi cho rằng ông đã được chuẩn bị tâm thế đó từ khi làm ở báo HNMCT.
Cho nên giờ đây, đầu tóc đã bạc trắng nhưng nhà báo nhà thơ Vương Tâm vẫn cặm cụi trên những chặng đường dài. Ông âm thầm làm việc, cần mẫn lao tâm khổ tứ với từng con chữ, như con ong thợ chăm chỉ gom góp mật ngọt cho đời. Đó là một Vương Tâm được hình dung trong tôi.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
