Người thổi hồn và lan tỏa những giá trị Việt
![]() |
Còn nhớ một lần, tình cờ, tôi lạc vào Facebook mang tên Đỗ Quyên Hoa, bắt gặp trên trang của chị những bộ áo váy được thắt ren thủ công và thêu tay một cách tinh xảo, sống động và vô cùng sang trọng, lộng lẫy, quý phái. Cả miền cảm xúc được khơi gợi, trí tưởng tượng được khai phóng, những ảo diệu sắc màu được hội tụ... tất cả làm nên một bữa tiệc mãn nhãn về những loài hoa, những chùm quả, những cánh cò, cánh vạc; thậm chí là cả những câu chuyện tình buồn đẹp tít tận trời Tây cũng được cách điệu, hóa thân trên những bộ váy áo của nhà thiết kế thời trang này.
Không chỉ được biết đến là một nữ nhiếp ảnh gia với những bức ảnh đẹp, khác biệt, độc đáo và giàu chất lãng mạn về núi rừng Tây Bắc qua con mắt và hồn thơ riêng được bạn bè cũng như người trong giới cầm máy đánh giá cao, mà mấy năm gần đây, Đỗ Quyên Hoa còn làm sáng lên tên tuổi của mình bằng dòng thời trang thêu tay mang tên Fashion Azalea – một thương hiệu xuất hiện chưa lâu nhưng đã nhanh chóng xác lập được vị thế, thị phần của mình, đặc biệt được giới quý bà tầng lớp thượng lưu, trung lưu quan tâm, mến mộ.
Cơ duyên nào để có một Đỗ Quyên Hoa với những hướng đi khởi nghiệp có vẻ như “lội ngược dòng” khi tìm về một nghề thêu tay truyền thống cũ xưa, đang có nguy cơ ngày một mai một, lại kén khách hàng, kén người làm như vậy? Bên tách trà nóng ngay trong căn phòng xinh xắn, ấm cúng và cũng là nơi trưng bày các sản phẩm váy áo thêu tay của chị, chúng tôi đã bắt đầu những câu chuyện đời, chuyện nghề...
Đỗ Quyên Hoa kể: Từ hồi bé xíu đã có hứng thú với kim chỉ, lên 5 tuổi đã biết thùa khuyết, lớn một chút đã theo mẹ đi học cắt may quần áo, nên tôi có nền tảng từ sớm. Sau này, khi trưởng thành tôi càng nhận ra, nghề thêu tay không chỉ mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, mà ẩn chứa trong từng đường kim mũi chỉ là tình cảm tỉ mẩn kiên trì của người thợ. Nhưng độ khó đã khiến nghề thêu dần bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền, tôi cảm thấy cần khôi phục, gìn giữ và phát triển nghề thêu truyền thống này.
![]() |
Oh, thật là thú vị! Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Khi các mặt hàng may mặc sản xuất hàng loạt đã trở nên quá quen thuộc thì chúng ta lại tìm về những sản phẩm làm thủ công như một lựa chọn mới mẻ và hấp dẫn. Và đồ thời trang handmade đã trở thành xu hướng cực kỳ phát triển, hấp dẫn, được ưa chuộng trên toàn thế giới trong giai đoạn gần đây. Tôi cũng không nằm ngoài xu hướng tìm đến cái đẹp, cái tình cảm của dòng thiết kế thời trang thủ công ấy, dù đó không phải là điều mới mẻ với các nhà thiết kế!
Sau khi quan sát mặt bằng chung của thiết kế thời trang thêu tay trong nước, có một sự thôi thúc trong tôi là phải tạo một sự khác biệt mà vẫn gần gũi, phát huy tối đa khả năng tiềm tàng của các tay thêu truyền thống xuất sắc ở các làng nghề bấy lâu vốn không được kích hoạt và phát huy. Những yếu tố quan trọng bậc nhất của thời trang handmade là trình độ của kỹ thuật thủ công. Yếu tố con người luôn được đánh giá cao nhất. Độ cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế từng chi tiết của hoạ tiết, mẫu thêu độc đáo cùng chất lượng đảm bảo của nguyên liệu vải vóc sẽ làm nên một sản phẩm thời trang hoàn hảo có giá trị cao.
Và sản phẩm đầu tiên của chị được bắt đầu như thế nào, hẳn chị còn nhớ chứ?
Khi ngắm sản phẩm thời trang thêu tay phổ thông hiện diện trên đường phố, trong các cửa tiệm thời trang thêu tay... tôi chưa thấy ưng. Tôi tự cảm thấy phải làm những sản phẩm khác biệt mà chất liệu là những thứ rất gần gũi thân quen. Tôi đã làm cho mình những chiếc váy theo hướng ấy. Những chiếc váy tôi tự làm cho mình có những phom dáng độc đáo bằng các chất liệu khác nhau và được bạn bè khen ngợi. Thế là tôi bắt đầu tiến hành thiết kế các mẫu thêu lên chúng.
Những mẫu thêu ấy là gì? Đó là những bông hoa dẻ rừng, những bông sim bông mua, những cành thông già, những chùm quả dại, những bông hồng cổ Sapa... mà tôi đã chụp mang về trong các chuyến săn ảnh trên khắp các ngả đường Tây Bắc, Việt Bắc. Những con diệc, con vạc, con nông, những cánh cò, những bông gạo đồng quê nông thôn đồng bằng Bắc bộ... cũng hiện diện trên váy áo của tôi được thể hiện bởi tay kim được tuyển lựa kỹ càng ở các làng nghề.
Và, cơ duyên thực sự đến với tôi khi những sản phẩm của tôi do tôi làm và mặc được bạn bè và cộng đồng mạng nhiệt liệt hưởng ứng! Tôi chính thức bước vào lĩnh vực thời trang thêu tay. Theo năm tháng, tôi càng vững vàng trưởng thành, và càng ngày, sản phẩm của tôi càng trở nên tinh xảo, lộng lẫy, hấp dẫn hơn. Điểm cuốn hút lớn nhất với khách hàng là khách có thể đề xuất kiểu thiết kế, lựa chọn các họa tiết thêu do tôi đưa ra trên các chất liệu vải mà họ mong muốn, tức là có thể đem dấu ấn riêng của mình vào trong sản phẩm đặt hàng.
![]() |
Khởi nghiệp ở một lĩnh vực không còn là mới mẻ, thậm chí chọn một phân khúc thị trường khá kén khách hàng, chị đã gặp những khó khăn gì khi dấn thân?
Cái khó nhất là tìm được thợ thêu tay giỏi. Tôi đã tìm đến nhiều làng nghề thêu truyền thống trên cả nước như Mỹ Đức, Chúc Sơn, Quất Động... nhưng số thợ còn giữ được nghề thì còn rất ít và đa phần đều lớn tuổi. Hơn nữa, như chị nói, phân khúc khách hàng là độ tuổi trung niên trở lên, với đơn hàng được thiết kế theo mẫu riêng, cắt may, thêu tay và thắt ren cẩn thận, giá thành cao nên khá kén người mặc. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, khi thể hiện dòng thiết kế thời trang thêu tay, tôi đã phải phân loại sản phẩm để phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng.
Nhiều khách hàng yêu mến ngưỡng mộ sản phẩm thời trang Azalea của tôi, nhưng lại không tự tin vào túi tiền của mình. Vậy nên, song song với những dòng sản phẩm cao cấp, đẹp lộng lẫy bởi những mẫu thêu cực khó, trị giá sản phẩm lên tới từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, là những dòng sản phẩm gần gũi dung dị, dễ thương mà độc đáo và cũng không kém phần hấp dẫn với giá tiền dễ chấp nhận từ 5 đến dưới 10 triệu đồng.
Chính vì lẽ đó mà thời trang Azalea của Đỗ Quyên Hoa đã tiếp cận mọi đối tượng khách hàng yêu thời trang thêu tay. Và cũng chính nhờ thế mà tôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều gia đình ở các làng nghề thêu tay với việc ổn định, giúp người lao động có thu nhập từ 200 - 600 nghìn đồng/ ngày công.
![]() |
Theo chị, lợi thế so sánh của dòng thời trang thêu tay trước sự phát triển lớn mạnh của công nghiệp thời trang hiện nay là gì?
Tôi đã đem sản phẩm của mình tham gia rất nhiều cuộc thi ở các hội chợ trong nước. Những phản hồi tích cực đã giúp tôi tự tin vào dòng thời trang handmade này. Tôi biết dòng thời trang này sẽ sống mãi. Tôi kỳ vọng thời trang thêu tay của tôi nói riêng và ngành thời trang thủ công Việt Nam nói chung sẽ vươn ra thế giới! Bằng chứng là những chiếc khẩu trang thêu tay trong mùa dịch Covid-19 của tôi đã bay xa khắp toàn cầu. Không chỉ các hãng truyền thông trong nước đưa tin về sản phẩm của tôi, mà các hãng truyền thông lớn trên thế giới có uy tín cao như AP, AFP, ABC, VOA... các kênh truyền thông châu Âu... cũng đều đã tiếp cận tôi. Tôi tự nghĩ, điều kỳ diệu của thời trang thêu tay là đây!
Triết lý kinh doanh của chị là gì?
Tất cả đều là cây non. Muốn có quả chín thì phải trồng và chăm sóc! (Cười).
Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trao đổi này. Nhân dịp Xuân mới, chúc Fashion Azalea của Đỗ Quyên Hoa cùng với nghề thêu tay truyền thống ngày một lớn mạnh, để các giá trị Việt ngày một lan tỏa và phát triển!
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
