Người làm mới dân ca bài chòi
Cái “duyên trời cho”
Đối với nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh (Nguyên Trưởng Đoàn ca kịch Quảng Nam) việc tìm đến và gắn bó với nghệ thuật dân ca bài chòi trong suốt 40 năm qua là cái “duyên trời cho”. Mối nhân duyên này đã vun đắp cho niềm đam mê và tình yêu nghề, giúp Đỗ Linh vượt qua vô vàn khó khăn và gặt hái được những thành quả như ngày hôm nay.
![]() |
Lớp dạy đàn tranh của con gái nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh |
Mỗi khi nhắc đến anh, ai cũng nhớ đến một người nghệ sĩ gắn liền với thể loại âm nhạc dân tộc, dân ca miền Thuận Quảng. Dù đã nghỉ hưu và sức khỏe cũng có phần giảm sút nhưng niềm đam mê, lòng nhiệt huyết với những làn điệu dân ca bài chòi vẫn luôn cháy bỏng trong người nghệ sĩ này.
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh mân mê bên những cây đàn mang đủ dáng hình và ôn lại những vở diễn năm xưa với khách. Ấn tượng nhất là lúc nghệ sĩ diễn lại một đoạn trong vở “Chuyện bên dòng sông Thu” từng được giải Vàng duy nhất tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998.
Đảm nhận vai Phương - một cán bộ cách mạng bị địch bắt sau đó được thả. Lúc trở về đồng đội nghi ngờ Phương làm nghi gián nên anh đau khổ đến mức tuyệt vọng. Anh chỉ còn biết tìm đến mẹ nhưng mẹ lại đoạn tuyệt và không chấp nhận một người con như vậy… Trích đoạn cuộc đối thoại giữa 2 mẹ con này đã làm biết bao khán giả rơi nước mắt. Mấy mươi năm đã trôi qua, Đỗ Linh hát lại trích đoạn này vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
Những giọt nước mắt uất ức của vai Phương vẫn còn lăn trên má Đỗ Linh, anh tâm sự “Mặc dù đã về hưu nhưng sân khấu và những vai diễn như thế này luôn còn sống mãi trong tôi. Tôi vẫn ước rằng 5 – 10 năm sau mình vẫn còn đủ sức khỏe để có thể đứng trên sân khấu biểu diễn”.
Nghe nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh nói, nhìn anh say mê trau chuốt bên những cây đàn mới thấy được sự đam mê làm cho con người ta trở nên sôi nổi, hào hứng. Phải chăng, chỉ trong những đam mê đích thực như vậy, con người ta mới thật sự được là chính mình…
Có thể nói dân ca bài chòi là nét đặc sắc riêng biệt của Đỗ Linh, anh đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo độ mềm mại của cải lương vào nét mộc mạc, chân phương của bài chòi. Có thể nói, mỗi khi nhắc đến bài chòi người ta thường nghĩ ngay đến cái tên Đỗ Linh.
Làm mới thể loại bài chòi
Được hỏi đâu là mốc thời gian đáng nhớ để anh trở thành một nghệ sĩ dân ca bài chòi? Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh nhớ lại. Đó là vào năm 1976, khi đoàn ca kịch Quảng Nam tuyển sinh, anh tham gia thi và may mắn được trúng tuyển loại ưu. Xuất thân là dân hát cải lương, nghĩ được về đoàn thì sẽ hát cải lương chứ có biết hát dân ca bài chòi gì đâu. Một số nghệ sĩ trong đoàn lúc bấy giờ nhận xét, anh chỉ hợp với cải lương chứ không hát dân ca bài chòi được.
Thế nhưng khi nhận vai trong một vở diễn, thì đạo diễn Nguyễn Kiểm mới phát hiện ra anh có giọng hay và khuyến khích anh theo hát dân ca bài chòi và từ đó anh được phân cho những vai diễn lớn hơn. Nhưng cái chất cải lương vẫn sống trong con người Đỗ Linh chính vì thế mà anh biến tấu nó trở thành một làn điệu dân ca bài chòi. Đỗ Linh bắt đầu theo đuổi đam mê của mình và chọn cách làm mới thể loại bài chòi.
Những lúc ngồi chơi đàn và hát thế là anh cứ phiêu ra, nó không phải cải lương mà cũng chẳng phải bài chòi gốc, nó cứ hòa quyện vào nhau. Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi nói anh hát giữa dân ca với cải lương nó cách nhau sợi tóc thôi. Từ đó, anh mới nhận ra mình có cái lạ. Chính cái lạ đó là cái duyên đưa anh đến với dân ca bài chòi.
Thật sự bây giờ nghĩ lại, Đỗ Linh vẫn cảm thấy rất cam go khi đi qua thời kỳ đó. Mình làm nghệ sĩ, mình sáng tạo. Nhưng trong thời điểm đó, không phải ai cũng có thể chấp nhận sự sáng tạo của mình. Có người nghe anh hát lạ là họ bảo hát sai.
Lúc đó, khán giả không chấp nhận nhưng trong anh cứ sôi sục với cái lạ đó. Để đứng vững trong công chúng, để người nghe chấp nhận đến bây giờ anh phải liều mạng. Không chỉ mạnh dạn làm mới dân ca bài chòi, anh còn mạnh dạn sáng tác và hát theo cách của mình. Thời gian rồi mới định hình dần dần đến bây giờ anh viết cũng gần 100 bài dân ca bài chòi.
Bây giờ, nỗi lo canh cánh trong lòng người nghệ sĩ này là sự nối nghiệp của bộ môn dân ca bài chòi. Để có thể duy trì được bộ môn này, dù tuổi đã lớn Đỗ Linh vẫn miệt mài ngồi viết bài và dạy cho các em có nhu cầu học hát dân ca. Ngoài ra, anh còn thành lập một CLB nghệ thuật mang tên Đỗ Linh và thường xuyên đi đến các chùa ở Đà Nẵng và các tỉnh thành khác để hát phục vụ bà con. Với mong muốn khán giả biết nhiều hơn đến dân ca bài chòi.
Không chỉ vậy, anh đã thu được 2 đĩa karaoke bài chòi. Nhờ vậy mà người dân ở nông thôn hát được dân ca bài chòi. Một điều may mắn hơn nữa, con gái đầu của Đỗ Linh là ca sĩ Đỗ Quyên cũng theo nghiệp hát này. Đứa con gái thứ 2 thì dạy nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là đàn tranh cho những bạn trẻ có đam mê với loại nhạc cụ dân tộc này.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
