Người chăm mèo ở Đường Lâm
![]() |
Nghệ nhân để lại dấu vân tay
Nói thế có quá không? Tôi nghĩ là không quá. Bởi cuối năm, khi ngoài trời se sắt gió mùa và mưa bụi, một nhóm bạn tôi vẫn quyết định tìm về Đường Lâm để đến thăm xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Đến để “check in”, đến để cảm nhận một không gian mới, một điểm đến mới. Làng cổ Đường Lâm với cổng làng, đình làng, ao làng, những ngôi nhà trăm năm tuổi được “làm du lịch” với hoa, với tương, với những nông cụ thuần Việt thì các bạn tôi đã đôi lần đến trải nghiệm. Nhưng còn xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thì chưa. Thế mà mấy năm nay, cứ chuẩn bị đón Tết, thể nào nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng “loa loa” trên facebook của mình rằng đang thực hiện bộ tượng điêu khắc con giáp. Năm Tân Sửu anh làm bộ 2021 con trâu nghệ thuật. Năm Nhâm Dần thì anh làm 2022 bức tượng hổ. Còn năm Quý Mão này, từ đầu tháng 10 năm cũ đã thấy anh loan tin làm 2023 bức tượng mèo. Mà đâu chỉ loan tin, Tấn Phát còn tung lên không gian mạng những bức ảnh, những clip anh đã thực hành nghệ thuật cùng nhiều tác phẩm đã hoàn thành.
Thế là rất nhanh, những người yêu nghệ thuật, trong đó có cả những nhà sưu tập lẫn những người thích chụp ảnh như nhóm bạn tôi, lập tức xếp những bận rộn cuối năm để lên đường về làng cổ Đường Lâm.
Con đường dăm chục cây số từ trung tâm Hà Nội đến làng cổ giờ chủ yếu là đường cao tốc, đi vèo cái là đến; Vèo cái là lọt vào khoảng sân nhà của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Nơi ấy, anh đã bày bộ bàn ghế với tên gọi “Bữa ăn ngày xuân” gồm 7 chiếc ghế hình mèo và 1 chiếc bàn hình cá. Khách đường xa có thể ngồi lên những sản phẩm nghệ thuật “độc bản” này. Những sản phẩm này, cũng như những bức tượng điêu khắc hình con giáp của năm Quý Mão được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát làm hoàn toàn bằng chất liệu gỗ mít và đá ong. Gỗ mít thì ở miền Bắc, ở xứ Đoài không hiếm. Đá ong cũng vậy. Nếu gỗ mít không quá lạ để thi triển các tác phẩm nghệ thuật cần “sơn son thếp vàng” thì đá ong là chất liệu mới. Hỏi Nguyễn Tấn Phát vì sao anh khai thác chất liệu này để phối hợp với gỗ mít hoàn thiện tác phẩm đón xuân Quý Mão, anh cười, bảo rằng, vì được sinh ra ở làng cổ Đường Lâm. Những ngôi nhà, những tường rào ở đây đều làm bằng đá ong. Đình Mông Phụ cũng dựng lên bởi những viên đá ong già, to mà sức thanh niên trai tráng ngày nay cũng khó một mình bê vác được. Thế nên, anh muốn ứng dụng chất liệu dân gian, gần gũi của xứ Đoài để đa dạng hóa sản phẩm nghệ thuật. Nhìn những viên đá ong được mài, cắt tỉ mỉ phối với các hình thù được bàn tay và khối óc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tạo ra thấy nhiều sản phẩm nghệ thuật đã nâng tầm lên thành tác phẩm nghệ thuật. Mà không chỉ thấy sức lực nghệ nhân trong lao động, còn thấy dấu vân tay sáng tạo của người họa sĩ. Đó là điều không phải ai cũng đủ đam mê, đủ tài hoa để khởi tạo…
![]() |
Tình yêu và sự mê đắm
Đôi khi ngồi xem nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát làm những “mẻ hàng” Tết trong xưởng của anh cách làng cổ Đường Lâm chừng 5 cây số, tôi cứ ngẫm nghĩ về sự mê đắm trong công việc. Làm việc mà không mê, không yêu và không say, thật khó có được những sản phẩm ra hồn. Đấy là chỉ mới nói những sản phẩm thôi, nâng lên thành tác phẩm thì lại là một chặng đường nữa. Nguyễn Tấn Phát, tôi nhìn cách làm việc của anh, nhìn những đam mê đắm đuối của anh với làng cổ Đường Lâm, với nghề truyền thống, thì nhận ra sự chân thành. Một người đàn ông sống chân thành với làng quê của mình. Sự chân thành ấy, cộng thêm những chịu khó và sự tài hoa nhất định, Phát đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật thật sự. Cứ nhìn những đàn trâu, đàn hổ, đàn mèo nghệ thuật của anh thấy không ít sự sáng tạo và biến hóa. Nếu không yêu, không mê, không say, chắc chắn đó chỉ là những sản phẩm nghệ thuật có phủ chất liệu sơn mài bình thường, điều có thể gặp ở những làng nghề sơn mài truyền thống khác.
Nhưng bởi có tình yêu và sự tài hoa cộng lại, Nguyễn Tấn Phát đã biết thổi vào nhiều sản phẩm, nâng tầm sản phẩm lên thành tác phẩm. Tất nhiên, tôi không thích cái con số “2021”, “2022” và năm nay là “2023” con trâu, con hổ, con mèo. Đó là những con số, rất ít ai kiểm đếm độ chính xác sau mỗi dịp Tết đi qua. Con số ấy, chắc chỉ có bản thân Phát biết thôi. Nhiều khả năng anh “nói vậy mà không phải vậy”. Nói ra cho “đẹp”, cho “tròn”, lấy sự tăng, sự nhảy của những con số làm niềm vui và sự hưng phấn lao động. Còn thực tế, số lượng tác phẩm làm ra có tiêu thụ hết không - tức là có đi vào cuộc sống không - mới là điều quan trọng. Bởi Phát cũng thừa nhận, để làm ra hơn 2.000 bức tượng liên quan tới con giáp mỗi năm, không phải không có những áp lực. Trong đó, áp lực lớn nhất là làm sao để mỗi con có sự khác biệt, có được tính cách nữa thì không phải dễ. Vì thế, ngồi giữa bầy trâu, bầy mèo của Nguyễn Tấn Phát, cũng phải nói một cách thật lòng, không phải bức tượng điêu khắc con giáp nào cũng có hồn, cũng đẹp để xứng đáng gọi là tác phẩm…
Nguyễn Tấn Phát có biết điều đó không? Tôi chắc chắn là anh biết. Một người trẻ như anh, hàng ngày giao du tiếp xúc với nhiều người nhiều giới, lại tham gia nhiều cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Phát phải nhận ra điều đó. Nhưng nghề nào cũng vậy thôi, làm sao tất cả đều là “vàng mười”. Có cả “vàng cám” mà. Thế nên, nhìn những gì nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đang gây dựng hôm nay, vẫn rất vui khi thấy anh giữ được sự đam mê và tình yêu của mình. Anh vẫn tự tay thực thi hết các công đoạn của một người họa sĩ làm sơn mài, bên cạnh đó kiêm luôn cả vai của người họa sĩ điêu khắc. Chỉ có sức trẻ, tình yêu và đam mê của những người như Phát, mới hy vọng qua những sản phẩm - tác phẩm nghệ thuật như thế này, có thể quảng bá rộng rãi hơn nữa nghệ thuật sơn mài và nghề thủ công truyền thống của Việt Nam đến với mọi người. Và thú vị hơn, sự quảng bá ấy được kết nối với những chuyến du hành, trải nghiệm một không gian làng Việt cổ Đường Lâm, nơi mà những câu chuyện lịch sử gắn với các danh nhân như Ngô Quyền, Phùng Hưng và nhiều nhân vật khác vẫn còn vang vọng…
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983 tại Sơn Tây, Hà Nội. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014 và 2019; Giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam với tác phẩm “Trâu hoa làng Việt” năm 2020. Năm 2017, Nguyễn Tấn Phát trở thành một trong những nghệ nhân trẻ nhất được vinh danh tại lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Riêng năm 2022 vừa qua, các tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đoạt giải Nhì thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội (UBND TP. Hà Nội); giải Ba thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Bộ NN&PTNT); và nhiều giải Khuyến khích quà tặng của tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Nội. Nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Tấn Phát cho biết, để hoàn thành một bức tượng con giáp đón xuân cần phải thực hiện hàng chục công đoạn, bắt đầu là lên ý tưởng, rồi đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, sau đó phủ lên khoảng 10 lớp sơn, rồi phơi khô, đánh bóng, khảm trứng, khảm trai, vẽ tạo tác... Do đó, để hoàn thành một tác phẩm nhanh thì mất vài ngày, có khi cả tháng mới xong… |
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
