Nghề truyền thống: Tiềm năng bỏ ngỏ
Nguy cơ mai một
Gia Lai là vùng đất có cộng đồng dân tộc thiểu số đông nhất khu vực Tây Nguyên. Cả tỉnh có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 46% dân số địa phương. Đi đôi với sự đa dạng về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, nét văn hóa đặc trưng cùng ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng và nghệ thuật cồng chiêng của mỗi dân tộc nơi đây là một tiềm năng để phát triển du lịch.
Thế nhưng, việc định hướng để bảo tồn, duy trì và phát triển các nghề truyền thống này vẫn đang còn bỏ ngỏ. Việc đầu tư xây dựng sản phẩm hàng lưu niệm từ ngành nghề truyền thống để góp phần vào đa dạng dịch vụ du lịch địa phương lại là một khoảng trống lớn.
![]() |
Dệt thổ cẩm tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai |
Theo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, các buôn làng hiện còn duy trì nghề truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điển hình như ở các huyện: Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Kbang, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện. Các sản phẩm ngành nghề truyền thống vẫn được duy trì và góp phần vào các dịch vụ du lịch của địa phương. Nhưng hầu hết chỉ hoạt động cầm chừng, sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở mục đích… sử dụng tại chỗ.
Anh Rah Lan Ven, Phó phòng Văn hóa huyện Chư Păh, Gia Lai tâm sự: Nghề truyền thống mang tính lâu dài và bền vững, đòi hỏi sự gắn kết của một cộng đồng, không thể tự kéo dài tuổi thọ nếu không có sự gìn giữ, bảo tồn của con người - những thế hệ đi sau.
Tuy nhiên hiện nay, rất ít con em đồng bào các dân tộc thiểu số theo bà, theo mẹ để học nghề truyền thống của dân tộc mình. Nếu có chăng cũng chỉ đi xem, nhìn qua loa cho biết. Đây là một thực tế đáng lo ngại.
Cùng quan điểm đó, trưởng thôn Siu Ayưn của làng Nhin (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) tỏ ra thất vọng: Để góp phần gìn giữ nét đẹp của dân tộc, những người công tác trong ngành như anh đã tổ chức đi đến từng nhà, từng ngõ xóm, thôn buôn để vận động các em học và thực hành nghề truyền thống, nhưng hầu hết thanh niên không mặn mà dẫn tới nguy cơ làm cho ngành nghề truyền thống bị mai một.
Thiếu quan tâm và đầu tư
Hợp tác xã Dệt thổ cẩm xã Ia Ka, huyện Chư Pah có trên 80 xã viên. Thế nhưng các xã viên nơi đây cũng phải thay nhau làm luân phiên dệt vào 2 buổi tối trong tuần vì số lượng khung dệt có hạn, chỉ 6 khung. Vì vậy, để làm ra một bộ váy truyền thống thành phẩm có khi phải mất thời gian đến cả tháng.
Bà Lê Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka cho biết: Tính ra, cả tiền công và nguyên liệu, một bộ váy truyền thống có giá bán lên đến 1 triệu đồng. Trong khi sản phẩm dệt máy hoa văn đều hơn và chất lượng như sản phẩm truyền thống thì giá rẻ hơn rất nhiều. Đó cũng là một điều trăn trở cho chị em xã viên.
Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Chư Sê… là các huyện có tiềm năng thu hút khách du lịch do gần kề với trung tâm thành phố Pleiku. Ở mỗi huyện này đều có nhiều làng đồng bào các dân tộc còn duy trì nghề truyền thống. Chỉ tính riêng 123 thôn làng huyện Chư Păh thì có tới 73 làng đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì nghề truyền thống như dệt, làm cồng chiêng, tạc tượng…
Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa thể đưa nghề truyền thống trở thành thế mạnh phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch được vì hầu hết đều mang tính sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư bài bản.
Đứng trước thực trạng trên, anh Rah Lan Ven chia sẻ: Muốn duy trì và phát triển được ngành nghề truyền thống, không còn cách nào khác là cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế cũng như sự đầu tư của các ngành liên quan về máy móc, nguyên liệu và giới thiệu đầu ra sản phẩm...
Đặc biệt đối với ngành du lịch, các làng nghề muốn phát triển phải đi cùng sự phát triển của mô hình làng du lịch - văn hóa truyền thống; để du khách cùng tham quan, khám phá và tự học cách làm nghề truyền thống trước khi mua sản phẩm về làm quà. Có như vậy, các sản phẩm truyền thống mới mang tính độc đáo, hấp dẫn đối với du khách.
Theo số liệu điều tra của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày nay có trên 80% số khách đi du lịch nhằm mục đích hưởng thụ các giá trị văn hóa độc đáo và khác biệt với nền văn hóa dân tộc họ. Họ muốn được xem và hưởng thụ những giá trị văn hóa giàu bản sắc, đích thực, sống động trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Hy vọng trong một tương lai không xa, những giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ được các nhà quản lý và DN du lịch có một sự đầu tư thích đáng để khai thác hết tiềm năng đang còn bị bỏ ngỏ của mình.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
