Nghệ nhân thầm lặng
Hôm rồi có dịp ngược về xã Hồng Thái, (Tân Cương, Thái Nguyên) để trải nghiệm quy trình sản xuất trà, được nghe một nghệ nhân tâm huyết về trà chia sẻ các công đoạn và kỹ thuật chăm sóc chè làm sao để có được một mẻ trà ngon, đạt chất lượng. Mới thấy, sự công phu và cái "tâm" của người làm chè đáng quý đến thế nào.
![]() |
Góc vườn nhà ông Hinh |
Hiện nay, cả xã hội đang lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm trong đó có sản phẩm chè. Lo lắng đó là có cơ sở, bởi đâu đó cũng có không ít hộ dân vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp quy trình an toàn thực phẩm, sản xuất ồ ạt không đảm bảo vệ sinh hoặc pha chế những chế phẩm để đánh lừa người tiêu dùng.
Tuy nhiên, câu chuyện giữa tôi và nghệ nhân Ngô Mạnh Hinh, một trong số ít người hiện nay ở xã Hồng Thái 1 luôn làm nghề với tâm niệm “phải làm chè sạch vì trách nhiệm với cộng đồng” đã giúp tôi vững tin và an tâm hơn khi bước đi trong cuộc sống hiện tại. Ông Hinh nói: “Không thể làm trái với lương tâm mình được vì như thế sẽ không bền lâu và cái tâm của mình sẽ không an ổn”.
Như chia sẻ của ông thì để có một chén trà ngon đúng điệu (nước vàng sánh mật ong, hương thơm cốm, uống có vị chát đầu lưỡi rồi sau đó có vị ngọt hậu ở cuống họng), thì chè phải trải qua cả một quá trình sản xuất rất công phu.
Trước tiên là khâu chọn giống, khâu này rất quan trọng vì mỗi giống chè sẽ có vị riêng. Nó giống như lúa nếp và lúa tẻ, tùy vào khẩu vị của mỗi người để cảm nhận trà ngon theo mỗi phong cách riêng.
Sau đó là quy trình và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Việc này cũng cần có những lưu ý riêng mang tính gia truyền và quan trọng nhất là phải đạt tiêu chuẩn Vietgap. Trong các khâu làm chè thì công đoạn thu hoạch và sao sấy chè là thể hiện rõ nhất sự tinh tế và khéo léo của người nghệ nhân.
Bởi công đoạn này cần kỹ thuật tay nghề rất cao. Có thể một mẻ chè hái cùng một vườn nhưng hai người sao khác nhau cũng có thể cho ra hai vị trà khác nhau. Bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm cũng như sự khéo léo của người làm.
Theo ông Hinh, khi sao lửa hơi non thì chè sẽ lì chắt lá không đẹp, không có độ cốm và hương thơm, không có độ xốp nhẹ. Sao vừa lửa mới được chè mà khi cầm lên xốp nhẹ, khi nhai vào giòn tan và vỡ mịn không còn lõi, màu vẫn xanh và hương thơm đậm vị cốm.
Cũng có rất nhiều người tìm đến ông Hinh để học nghề. Có người tự sao, dù cố gắng làm được cánh chè đẹp nhưng độ ngái, độ cốm, độ bùi trong chè lại không có. Ông Hinh khẳng định, làm chè cần phải có nghệ thuật, có trách nhiệm và năng khiếu. Như công đoạn lấy hương chè chẳng hạn, đó là công đoạn tinh tế nhất.
Bởi: “Nhiều khi đánh hương chè không khéo là không được hương chè. Đánh hương nhiệt độ phải đều, luôn luôn kiểm tra chè trong lò quay để điều chỉnh lửa. Hương trà sẽ tự lên hương khi nó được sấy khô thấu lõi. Nhiều người không biết cứ hiểu là quay hương chè là cho thêm hương liệu, nhưng không có phải”. Ông Hinh nói.
Khi tôi hỏi mùa nào sẽ cho ra loại trà ngon nhất trong năm vì một năm người nông dân thường thu hoạch từ 7-9 vụ chè, ông Hinh chia sẻ: “Mùa xuân và mùa thu là hai mùa có chè ngon nhất trong năm vì thời tiết không nắng to quá, nhiệt độ ảnh hướng rất lớn tới độ ngon của trà”.
Hiện tại đang là lứa chè xuân nên chè của ông Hinh làm ra bao nhiêu đều có khách đặt mua hết. Chè ông làm có giá dao động từ 400.000 đồng/kg – 2.000.000 đồng/kg tùy loại.
Xen vào cuộc nói chuyện, chiếc điện thoại của ông cứ thỉnh thoảng lại đổ chuông, nhưng lần nào ông cũng nhìn rồi bấm máy bận không nghe. Hỏi thì được biết, đó là cuộc điện thoại của một người trên Tỉnh. Họ gợi ý ông làm thủ tục để nhận danh hiệu bàn tay vàng.
Nhưng ông nói: “Gọi nhiều cũng ngại nhưng mà kệ thôi. Giờ chú chỉ quan tâm đến chất lượng chè chứ mấy danh hão đó với chú không cần thiết. Bạn chú, chú thấy nhiều rồi, vào văn phòng đẹp lắm to lắm và treo cũng nhiều giấy chứng nhận danh hiệu nọ kia lắm, nhưng chính bạn chú phải thừa nhận: quan trọng nhất vẫn là chất lượng trà. Dù mình có quảng cáo bao nhiêu khách đến một lần không hài lòng rồi họ cũng sẽ bỏ mình thôi”.
Rõ ràng ở xứ Thái, bên cạnh những nghệ nhân đã được vinh danh thì vẫn còn những người tuy chưa được phong tặng danh hiệu gì, nhưng họ luôn bền bỉ yêu nghề và làm nghề bằng cái tâm của một nghệ nhân thực thụ.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
