Nghề báo – đời thực và điện ảnh
Mới đây nhất, bộ phim truyền hình Nguyệt thực dài 45 tập nói về nghề báo đã được phát sóng trên kênh VTV3 vào khung giờ vàng hai ngày đầu tuần.
![]() |
Cảnh trong phim Nguyệt thực - phim về nghề báo mới nhất đang chiếu trên VTV3 |
Đời thường lắm hiểm nguy
Trước tiên, hãy nhắc về nghề báo - một nghề được xã hội đánh giá là một nghề đầy vinh quang nhưng cũng rất nguy hiểm, đôi khi để có một bài báo đến tay bạn đọc, phóng viên hoặc nhà báo phải dấn thân và có thể đổi bằng tính mạng nếu các đối tượng chống đối, thù hằn, manh động.
Gần đây nhất, làng báo và dư luận hết sức bàng hoàng với việc “cây bút phóng sự” - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động) bị một nhóm đối tượng hành hung, đánh đập dã man, trong đó có thủ đoạn đập nát tay của nhà báo nổi tiếng họ Đỗ. Sự việc này đã lan tỏa đến cả nghị trường Quốc hội và được công chúng đặc biệt quan tâm.
Điểm lại thời gian qua, không khó để thấy các nhà báo của chúng ta đối mặt với hiểm nguy cả trong hoặc ngoài thời gian tác nghiệp. Chúng ta từng được chứng kiến vụ việc, nhà báo Ngọc Quang (Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên) bị côn đồ truy sát khi đang trên đường tới cơ quan, các đối tượng liều lĩnh đến mức dùng dao chém tới tấp nhà báo Quang và người thân, dù nhà báo Quang không có mâu thuẫn, hiềm khích gì với các mối quan hệ ngoài xã hội, bà con lối xóm và đồng nghiệp.
Bên cạnh đó còn là sự việc phóng viên Hoàng Nam (báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh) đang hành nghề trong khu vực gần TAND huyện Thạnh Hóa (Long An) thì bị hai người mặc đồng phục dân phòng và một người mặc sắc phục công an tới khống chế để tước điện thoại và máy ảnh, rồi đưa lên ôtô chở đi.
Vào tháng 6/2015, một phóng viên báo Giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) cũng bị đánh và bị cướp máy quay phim khi đang làm việc tại cầu Tăng Long (quận 9, TP. Hồ Chí Minh). Ngay sau đó, một phóng viên khác của báo Dân Trí bị lãnh đạo của một doanh nghiệp dọa đánh gẫy răng?!
Cũng có trường hợp, phóng viên của báo Hà Nội Mới bị đánh tại hiện trường tai nạn giao thông, sau đó bị đưa về trụ sở công an phường lập biên bản nhưng không hề đề cập tới vụ bị hành hung. Còn rất nhiều sự việc khác liên quan đến người làm báo bị đe dọa, hành hung nhưng các trường hợp ở trên là “nóng” nhất.
Thế mới thấy hết sự gian lao, vất vả của những phóng viên, nhà báo ở nước ta hiện nay. Họ thật sự là một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông để chống lại cái xấu, đồng thời gieo nên những điều tốt đẹp trong xã hội. Và vì thế, phóng viên, nhà báo và các vấn đề của báo chí cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và điện ảnh là bộ môn tiêu biểu khi nói về nghề báo.
Lên phim nhiều góc cạnh
Như một món quà tinh thần gửi đến các nhà báo trong dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, mới đây, Đài truyền hình Việt Nam đã chính thức phát sóng bộ phim truyền hình Nguyệt thực nói về nghề báo dưới nhiều góc độ khác nhau.
Bộ phim này lấy bối cảnh là tòa soạn báo Hiện Đại - một tờ báo nổi tiếng với những bài điều tra sắc sảo nhưng lại đang gặp khó khăn vì kinh phí hoạt động mà Nhà nước cấp bị cắt giảm đi một nửa.
Sơn - một nhà báo chuyên viết chính luận bị điều sang làm mảng phụ san lá cải. Với bản tính trung thực, nóng nảy, Sơn không chịu được sự đồng bóng, đỏng đảnh, chảnh chọe của các ngôi sao mà anh phải chầu chực để lấy tin. Ngược lại với Sơn là Hoàng - một đồng nghiệp cùng tòa soạn - lại như cá gặp nước, đổi đời nhờ phụ san lá cải.
Những rắc rối mà Sơn gặp phải tăng dần, thách thức bản lĩnh của anh. Không chùn bước, Sơn kiên quyết đi theo con đường làm báo chân chính để phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thậm chí mất đi tình bạn, tình yêu hay công việc. Nhưng rồi quan điểm làm nhà báo chân chính của Sơn đã thắng với tư duy làm báo chính thống không đổi…
Song hành với câu chuyện về cách làm báo trong Nguyệt thực chính là mối quan hệ giữa truyền thông và giới showbiz, là những góc khuất của ngành giải trí, là những scandal được tạo dựng để bôi nhọ một ca sĩ mới nổi. Nguyệt thực được đánh giá là bộ phim chất lượng, bám sát đời sống thực tiễn và cung cấp những góc nhìn đa chiều về nghề báo đối với khán giả.
Trước Nguyệt thực, chúng ta có 20 tập phim Nghề báo đã đề cập khá toàn vẹn và trực diện về nghề báo. Bộ phim nói về một nữ phóng viên tên Thúy Bình, một cô gái đầy nhiệt huyết với công việc.
Bên cạnh đó còn là Phóng viên thử việc - bộ phim khắc họa hình ảnh của những người mới bước vào nghề báo với nhiều cạm bẫy đón chờ, song họ không gục ngã và trở thành những người làm báo có trách nhiệm, đầy bản lĩnh. Và cũng không thể bỏ qua bộ phim Đèn vàng làm nổi bật hình ảnh các nhà báo với sự quyết liệt trong việc thực hiện trách nhiệm “cảnh tỉnh xã hội” của mình…
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
