Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 3
![]() | Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 2 |
![]() | Mía đường “ngồi trên lửa” trước cửa hội nhập - Bài 1 |
![]() |
Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị hoãn thực hiện cam kết ATIGA |
Khi đối thủ không tuân thủ luật chơi
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua theo lời mời của các DN thuộc Hiệp hội Mía đường, Antoine Meriot - một chuyên gia người Pháp nhiều năm nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường, liên tục đưa ra lời cảnh báo. Đây là lần đầu tiên Antoine đến Việt Nam.
Những số liệu nghiên cứu về ngành công nghiệp mía đường của ông được cập nhật từ 120 quốc gia trên thế giới, với mốc thời gian trải dài từ những năm 1990 cho tới 2019, cho thấy sự dày công và tâm huyết với ngành công nghiệp mía đường. Các công trình nghiên cứu của Antoine không chỉ được sử dụng trong các phiên điều trần về ngành mía đường tại Quốc hội Mỹ mà còn được Brazil sử dụng để kiện Thái Lan ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo Antoine, trong hơn 120 quốc gia có ngành mía đường, Việt Nam có thể chiếm vị trí không lớn. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ của Việt Nam rất tiềm năng, vượt cao hơn so với năng lực sản xuất của các nhà máy đường trong nước. “Vậy vì sao lại dẫn đến tình trạng đường nội địa đắp đống trong kho, trong khi đường Thái Lan xâm chiếm thị phần kinh khủng đến thế?”, Antoine đặt câu hỏi.
Khi được các DN mía đường trong nước lý giải rằng chênh lệch giá đường giữa 2 quốc gia là nguyên nhân chính, Antoine đề nghị xem lại lý do giá đường Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam lại rẻ đến vậy.
Từ số liệu báo cáo của Hiệp hội mía đường Mỹ, với nghiên cứu độc lập của Antonie, ông chỉ ra rằng trong 120 quốc gia có ngành công nghiệp mía đường, Thái Lan được coi là nước có diễn biến sản xuất – tiêu thụ kỳ lạ nhất khi giá đường thế giới ngày càng giảm, nhưng lượng sản xuất của Thái Lan tăng chóng mặt, với 70% dành cho xuất khẩu. Với những số liệu cụ thể, Antonie khẳng định giá đường Thái Lan được chính phủ trợ giá, trợ cấp rất lớn nên đang thấp hơn nhiều so với giá đường nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy năm 2015, Thái Lan sản xuất 100 triệu tấn đường và đặt mục tiêu tăng thêm 15 triệu tấn nữa trong bối cảnh thị trường đang lao dốc về giá. 3 năm sau, sản lượng nước này đạt 130 triệu tấn, tăng 30%. Con số này là rất lớn nếu so sánh với nhu cầu sử dụng đường tại Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm. “Họ đẩy mạnh xuất khẩu bằng mọi giá nhằm xâm chiếm thị trường. Đó là chiến dịch có chủ đích. Brazil từng kiện Thái Lan lên WTO về việc này, tại sao Việt Nam không hành động?”, Antoine lại đặt thêm 1 câu hỏi.
Với vị thế của một chuyên gia nghiên cứu độc lập, ông nhấn mạnh rằng mình chỉ có thể chỉ ra những bất cập của chính sách, còn việc hành động thế nào là của Chính phủ mỗi nước. Riêng với Việt Nam, Antoine nói thêm, ngành mía đường đã đạt được những thành tựu tốt, do vậy không nên để cho người nông dân, DN trong ngành chịu thiệt thòi ngay trên sân nhà vì những hành vi không tuân thủ luật.
Đây cũng là những vấn đề mà các DN ngành mía đường đã lường trước được. Bởi theo ông Lê Hồng Thái, quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, công tác chuẩn bị vào vụ ép năm nay đang gặp phải những trở ngại chưa từng có trong lịch sử của ngành, cộng hưởng từ những khó khăn của ngành mía đường trong suốt 3 niên vụ gần đây.
Đặc biệt, việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đồng nghĩa với việc từ sau ngày 1/1/2020 lượng đường không hạn chế với mức giá dự kiến 8.000-9.000 đồng/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Mức giá này thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Hệ quả là các DN đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản là điều không tránh khỏi.
Ông Thái khẳng định, mức giá thu mua nguyên liệu của Việt Nam cũng tương ứng với mức các nhà máy đường của Thái Lan đang áp dụng, tuy nhiên điểm khác biệt là Chính phủ Thái Lan trợ cấp lớn cho nông dân nước này yên tâm trồng, mở rộng sản xuất và xâm chiếm thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị hoãn thực hiện cam kết ATIGA.
“Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đường và nông dân trồng mía, việc trì hoãn là hợp lẽ và hết sức cần thiết để tránh việc phá sản quy mô lớn của các DN mía đường và đẩy hàng vạn hộ nông dân vào nguy cơ thất nghiệp, nợ nần”, ông Lê Hồng Thái nhấn mạnh.
Không tiếp tục trì hoãn nhưng cũng không khoanh tay đứng nhìn
Mặc dù thấu hiểu những khó khăn của các DN trong ngành mía đường, song theo Bộ Công thương, việc mở cửa hội nhập là không thể trì hoãn thêm. Đặc biệt đối với ngành mía đường, trong lịch sự đây là ngành đầu tiên và duy nhất mà cho tới thời điểm hiện tại đã được Chính phủ chủ động xin hoãn thực thi cam kết để có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đóng góp ý kiến với các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, hôm cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công thương đã có ý kiến gửi lên Văn phòng Chính phủ. Văn bản của Bộ Công thương nêu rõ, để bảo vệ người dân trồng mía, trong tất cả các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường từ năm 1995 tới nay, bất kể là đàm phán gia nhập WTO hay các FTA, Chính phủ đều dành sự quan tâm bảo hộ cao nhất cho ngành mía đường. Lộ trình cam kết dài nhất theo hướng xóa bỏ hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN vào năm 2018, tức là sau 13 năm kể từ khi các nước ASEAN thống nhất xây dựng AEC.
Mặc dù cam kết như vậy nhưng tới năm 2018, trước những khó khăn của ngành mía đường, Bộ Công thương đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và làm việc với các thành viên của ASEAN, xem xét tạm hoãn 2 năm việc mở cửa thị trường đường cho các nước ASEAN theo ATIGA. Kiến nghị này đã được chấp thuận, theo đó ta sẽ hoãn mở cửa thị trường đường cho các nước ASEAN tới năm 2020.
“Trong lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế, đây là lần đầu tiên và duy nhất Việt Nam xin hoãn thực thi cam kết, qua đó thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm cao của Chính phủ đối với người dân trồng mía và các nhà máy đường”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Với những ưu ái chưa từng có dành cho ngành mía đường, Bộ Công thương cho rằng cần cân nhắc rất kỹ việc tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết như kiến nghị của ngành này bởi cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt do các nước có quyền yêu cầu tham vấn đền bù, thậm chí đánh thuế các mặt hàng xuất khẩu của ta để trả đũa.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc Thái Lan trợ cấp cho ngành mía đường, qua đó vi phạm các cam kết của mình về trợ cấp xuất khẩu trong WTO đã được biết đến từ lâu nhưng do từ trước tới nay ta chưa mở cửa ngành đường nên các DN không mặn mà tìm hiểu chính sách trợ cấp này. Mãi tới gần đây, theo khuyến nghị của Bộ Công thương, Hiệp hội Mía đường mới quan tâm tìm hiểu và cho tới nay đã thu thập tương đối đủ thông tin về chính sách trợ cấp của Thái Lan.
Mặt khác, ông Khánh cũng lưu ý rằng, việc mở cửa thị trường trong thương mại quốc tế không có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh một cách không công bằng. Cần nhớ rằng cả WTO và ATIGA đều cho phép một nước được quyền áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại vào hàng nhập khẩu từ một nước khác nếu có bằng chứng cho thấy quốc gia đó đã trợ cấp cho hàng xuất khẩu của mình và việc trợ cấp đó đã gây ra (hoặc có khả năng gây ra) tổn thất cho ngành sản xuất mặt hàng tương tự tại quốc gia nhập khẩu.
Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp này, cần có đơn kiện của DN. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ không thể đánh thuế hay áp dụng các biện pháp trừng phạt khi ta còn chưa mở cửa cho đường Thái Lan, bởi nếu không có nhập khẩu, DN sẽ không thể chứng minh hàng nhập khẩu được trợ cấp đã gây ra thiệt hại như thế nào cho mình.
“Nếu Hiệp hội Mía đường có cơ sở cho rằng Chính phủ Thái Lan trợ cấp lớn cho ngành đường thì việc mà hiệp hội cần làm lúc này là thu thập đầy đủ thông tin về các chương trình trợ cấp đó để ngay sau khi ta mở cửa thị trường cho đường của ASEAN, hiệp hội có thể phát đơn khởi kiện điều tra chống trợ cấp theo quy định của ATIGA cũng như của pháp luật Việt Nam”, ông Khánh khuyến nghị.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
