Luật Đất đai (sửa đổi): Không chỉ để giải quyết các bất cập hiện hữu
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật. Báo cáo khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch; các ý kiến tham gia thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật. Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội. Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo khi lấy ý kiến nhân dân.
![]() |
Các đại biểu thảo luận dự án Luật tại Tổ ngày 9/6 |
Báo cáo của Chính phủ cho biết, qua quá trình lấy ý kiến nhân dân, một trong những nội dung rất được quan tâm là vấn đề định giá đất. Dự thảo Luật đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường…Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá, thẩm định giá, quyết định giá đất. Tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường (nhưng bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất theo quy định mới). Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời mở rộng thành viên hội đồng là người có chuyên môn về giá đất.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh đánh giá dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, liên quan cụ thể về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất (Điều 158), UBKT cho rằng quy định như dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đề nghị Cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa để có quy định bảo đảm tính khả thi, bổ sung nguyên tắc định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, cũng như rà soát, chỉnh sửa các quy định có liên quan bảo đảm nguyên tắc này. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung những nội dung cốt lõi của các phương pháp định giá đất để quy định tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Một số ý kiến khác đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể các phương pháp định giá đất ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.
UBKT cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hàng năm nhưng đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp; đề nghị xem xét thành phần Hội đồng thẩm định bảng giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên môn và bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định giá và cơ quan quyết định giá đất. Quy định tách bạch về thẩm quyền quyết định; làm rõ căn cứ, tiêu chí và trách nhiệm của 02 Hội đồng này.
“Bằng” hoặc “tốt” hơn
Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng là nội dung quan trọng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý.
Đóng góp vào dự án Luật, đại biểu Lê Minh Hoan (Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật nêu nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo người dân có cuộc sống “bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất. Đây là vấn đề tưởng đơn giản nhưng không đơn giản. Theo dự thảo Luật, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất (trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường) nhưng quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Bởi việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất, mà cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán… của người bị thu hồi đất. "Cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng, vì chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại”, đại biểu Lê Minh Hoan nói và đề xuất: “Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần đến từng hộ dân khảo sát, sau đó mới tiến hành áp đơn giá đền bù, đặc biệt lưu ý việc đền bù tính theo chệnh lệch địa tô, không chỉ là đơn giá".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, việc bồi thường phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong đó quy định cụ thể hơn về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phân cấp cho địa phương phải tiến hành điều tra xã hội học, trước khi tiến hành bồi thường trong trường hợp thu hồi đất…Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Phát biểu thảo luận tại Tổ ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân và rất nhiều việc cần giải quyết. Trong đó, vấn đề thu hồi đất và tái định cư là nội dung được người dân và cử tri quan tâm nhiều. "Quan điểm của Đảng rất rõ: Khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư thì làm sao người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, “bằng” hoặc “hơn” thế nào thì luật cần lượng hoá và các điều kiện của từng khu vực, từng địa phương khác nhau nên phải phân cấp để chủ động.
Vấn đề định giá đất như thế nào cho phù hợp là vấn đề khó, thị trường luôn lên xuống nhưng tuân thủ thị trường thì có can thiệp gì khi cần thiết không? Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng: "Phải cân đối, cần có công cụ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất để triển khai các dự án. Cái này là khó. Không lượng hoá ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai", Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh đây là dự án luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, vừa phải xử lý những vấn đề bất cập trước đây, vừa giải quyết việc hiện tại nhưng phải có tầm nhìn trong tương lai, Thủ tướng mong đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đầu tư thêm thời gian, công sức, chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu, hàng triệu ý kiến nhân dân để xây dựng Luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển bền vững.y
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Báo động mất cân đối cơ cấu nguồn cung nhà ở

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ xây thêm hầm chui, mở rộng làn đường Hoàng Quốc Việt

Đất nền miền Bắc trỗi dậy mạnh mẽ

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Ra mắt siêu đô thị Sun Mega City rộng 1690ha - biểu tượng thịnh vượng phía Nam Hà Nội

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
