Làm mới ca khúc: Cần biết điểm dừng
Vừa qua, ca sĩ trẻ Han Sara được nhắc nhiều bởi tiết mục “Cô gái gen Z” biểu diễn trong chương trình âm nhạc “The Heroes” (Thần tượng đối đầu thần tượng), phát trên sóng VTV3. Đây là tiết mục được Han Sara sử dụng một số đoạn trong bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao vốn đã rất nổi tiếng. Han Sara cùng ê kíp của cô đã phối lại trên nền nhạc điện tử (EDM).
Ngay sau khi tiết mục được phát sóng, nhiều người cho rằng, Han Sara không hiểu thông điệp ca khúc. Ngoài ra, việc phối bài hát với nhạc EDM được cho là không phù hợp, làm mất đi tinh thần trang nghiêm của nhạc phẩm cách mạng. Trên mạng xã hội, một số khán giả còn cho rằng vũ đạo, trang phục váy ngắn của Han Sara và dàn vũ công là rất phản cảm.
![]() |
Han Sara trong tiết mục “Cô gái gen Z” |
Cũng tại chương trình “The Heroes”, bản rap “Nam quốc sơn hà” do Erik và Phương Mỹ Chi biểu diễn cũng đã tạo nên những phản ứng trái chiều. Một số người cho rằng tiết mục này còn có phần khiên cưỡng, các ca sĩ chưa thể hiện đúng chủ đề anh hùng dân tộc của ca khúc.
Việc làm mới các ca khúc nổi tiếng đã được nhiều ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Phạm Thu Hà, Hà Lê, Tùng Dương… thực hiện trong thời gian qua. Tuy vậy, số người tạo được dấu ấn và được công chúng đón nhận không nhiều. Gần đây, ca sĩ Tùng Dương làm mới bản “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số người ủng hộ, tuy nhiên nhiều ý kiến khác cho rằng, không nên làm mới một bản nhạc đã được xác định là Quốc ca của dân tộc!
Trong “danh sách” những ca sĩ lao vào cuộc đua làm mới ca khúc nhưng không nhận được sự ủng hộ của khán giả và dư luận còn phải kể tới Bùi Lan Hương với ca khúc “Mưa hồng”. Bên cạnh bản phối mới chưa thuyết phục, việc Bùi Lan Hương tự ý thay đổi phần lời ca khúc “Mưa hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng gặp nhiều phản ứng. Đại diện gia đình nhạc sĩ cũng đã lên tiếng phản đối phần thay đổi của ca sĩ Bùi Lan Hương.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh từng cho rằng, để làm nên thương hiệu riêng, ca sĩ phải biết sử dụng cá tính âm nhạc riêng, tư duy trẻ trung, hiện đại để tạo sự khác biệt khi làm mới một ca khúc cũ. Trong thời buổi khan hiếm ca khúc hay như hiện nay thì tư duy đó có thể mở ra những hướng đi mới cho ca sĩ cũng như làm phong phú hơn thị trường âm nhạc.
Quả vậy, đa số các ca sĩ khi quyết định làm mới một ca khúc đều xuất phát từ mong muốn mang tới cho công chúng một sản phẩm âm nhạc mới lạ, hấp dẫn. Và họ nhận ra một “mỏ vàng” ở những ca khúc nổi tiếng. Vì thế, một số ca sĩ khi chưa tìm thấy những bài hát mới phù hợp, hoặc các nhạc sĩ đương đại chưa sáng tác kịp tác phẩm mới, thì việc quay về khai thác “mỏ vàng” ca khúc truyền thống là một lối đi, một hướng đi. Nhưng rõ ràng, cơ hội thành công hay thất bại luôn song hành và nó cho thấy tài năng của mỗi ca sĩ cũng như ê kíp sáng tạo đồng hành với họ. Bởi mỗi bài hát đều có những chìa khóa riêng để mở ra những cánh cửa mới. Nhưng tài năng của mỗi người, mỗi ê kíp sẽ quyết định họ có mở trúng, mở đúng hay không, hay lại mở ra những cánh cửa lầm đường lạc lối khác.
Một nhạc sĩ lão thành từng nói rằng, lạ thì bao giờ cũng dễ hấp dẫn, nhất là với lớp trẻ. Nhưng lạ cũng đồng nghĩa với những thách thức vì khi hết lạ là sẽ chán.
Trong khi đó, theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, khi vận dụng các chất liệu cũ đã được công nhận về giá trị văn hóa, mỗi nghệ sĩ cần có ý thức học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ bản chất âm thanh và nhạc cụ của dân tộc, phân biệt chúng với nhạc cụ của các nước có nền văn hóa gần gũi. Theo anh, một số làn điệu dân ca ba miền, ca trù, bolero... là mảnh đất màu mỡ để giới làm nhạc khai thác. Khán giả vẫn mở lòng đón nhận những sản phẩm sáng tạo được thực hiện chu đáo, cẩn trọng.
Trở lại với tiết mục “Cô gái gen Z” của Han Sara. Cô ca sĩ trẻ này đã mang tới một tiết mục lạ, nhưng việc chọn ca khúc có nội dung về những cô gái thanh niên xung phong như bài “Cô gái mở đường” song phần trình diễn lại cho thấy sự thiếu nghiêm túc của Han Sara và ê kíp. Trước phản ứng của khán giả, chương trình đã ẩn các video màn trình diễn trên mạng xã hội, cắt phần hát “Cô gái mở đường”. Còn phía ca sĩ và ê kíp ngay sau đó đã xin lỗi khán giả. Han Sara viết trên trang cá nhân: “Sau khi lên sóng, team T-Sa nhận được nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo lần này chưa phù hợp với nguyên bản ca khúc “Cô gái mở đường”. Đây là một sự thiếu sót lớn của team nên rất mong quý vị thông cảm bỏ qua”.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, để xảy ra trường hợp này không thể đổ hết lên mình cô ca sĩ trẻ Han Sara. Đáng trách nhất ở đây là những nhà sản xuất âm nhạc trực tiếp phụ trách team Han Sara, giám đốc âm nhạc, những người phụ trách chương trình để xảy ra trường hợp này thay vì kịp thời phát hiện, ngăn chặn. “Câu chuyện này như hồi chuông giúp những người sáng tạo âm nhạc, nhất là âm nhạc của thế hệ “gen Z” đang có rất nhiều sự phá cách, biết được đâu là điều có thể thoải mái sáng tạo, đâu là điểm dừng”, ông Long nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
