Kỳ vọng nhạc kịch Việt bay cao, vươn xa
Khác với opera thuộc về âm nhạc cổ điển, nhạc kịch là bộ môn nghệ thuật chú trọng khai thác các yếu tố nghe nhìn đại chúng: sân khấu đẹp, cảnh trí thay đổi, âm thanh tốt, diễn viên hát hay diễn giỏi và kịch bản cuốn hút. Dù còn mới lạ với số đông khán giả Việt ở vùng nông thôn và miền núi, tuy nhiên tại sân khấu ở các thành phố lớn nước ta thời gian gần đây chứng kiến nhiều vở nhạc kịch ấn tượng và giàu giá trị nghệ thuật được ra mắt.
![]() |
Nhạc kịch Con dơi đến với khán giả TP. Hồ Chí Minh |
Trong số này có vở nhạc kịch Con dơi nổi tiếng của tác giả Johann Strauss II (Áo) do Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM kết hợp cùng Viện Văn hóa Đức tại Việt Nam thực hiện, ra mắt khán giả vào ngày 28/10 tại Nhà hát TP.HCM.
Khán giả chờ đợi và đánh giá cao vở nhạc kịch Con dơi từng biểu diễn lần đầu tiên tại Việt Nam cuối năm 2017, các nghệ sĩ hát bằng tiếng Đức nhưng thoại bằng tiếng Việt. Con dơi kể về anh chàng Einsenstein vốn hay chơi xấu với bạn bè, đã có lần bỏ rơi bác sĩ Falke ngoài công viên sau một đêm nhậu nhẹt khiến anh này phải lủi thủi về nhà, hôi thối và đen đúa như một con dơi.
Để trả đũa Einsenstein, Falke bày ra những màn kịch bí ẩn và đầy bất ngờ, được “hóa trang” trong hình thức của dạ vũ, tiệc tùng. Einsenstein hào hứng tham dự và không hề hay biết Falke cũng sắp xếp để cô nàng Rosalinde xinh đẹp và lẳng lơ - vợ của Einsenstein đến dự tiệc. Rosalinde được hóa trang thành nữ bá tước Hungary và Einsenstein đã tán tỉnh chính vợ mình mà không hay biết…
Qua bàn tay của đạo diễn trẻ tuổi đầy tài năng David Hermann, Con dơi được dàn dựng hoàn chỉnh với cảnh trí ấn tượng, trang phục độc đáo, lộng lẫy. Điểm nhấn của Con dơi còn ở chỗ Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh trình diễn trực tiếp phần âm nhạc.
Ngoài nghệ sĩ Cho Hae Ryong đến từ Hàn Quốc, các nghệ sĩ Phan Hữu Trung Kiệt, Phạm Trang, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Trần Thanh Nam, Nguyễn Hoàng Nhật Quang... của Việt Nam hóa thân vào các nhân vật để làm nên phong cách hài hước, vui nhộn, vạch trần sự khoa trương, sáo rỗng trong đời sống của giới quý tộc, thị thành châu Âu thời xưa qua nhạc kịch Con dơi.
Nhắc đến nhạc kịch Việt để lại ấn tượng khó phai với khán giả thời gian gần đây cần nhắc đến vở Tiên Nga do NSƯT Thành Lộc đạo diễn. Đây là vở nhạc kịch được hình thành từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, là sự kế thừa và hợp soạn của các tác giả: NSND Nguyễn Thành Châu - Nguyễn Thị Minh Ngọc - Nguyễn Hồng Dung. Trong Tiên Nga, những con người như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên, Trịnh Hâm, Vương Tử Trực, Võ Công, Bùi Kiệm... hiện lên trên sân khấu với tính cách như tác phẩm văn học.
Nhưng hơn thế, Tiên Nga của NSƯT Thành Lộc vẫn giữ được tinh thần cốt lõi của tác phẩm, đồng thời tiếp tục kế thừa và nối dài những suy nghĩ nhân văn và nóng bỏng tính thời sự mà con người thời nay vẫn cảm nhận, tiếp tục đau đáu. Xem nhạc kịch Tiên Nga, khán giả không chỉ cảm nhận được sân khấu, âm thanh được đầu tư chỉn chu và đậm tính thuần Việt, mà nội dung còn đặc sắc khi không chỉ có tình yêu, đạo hiếu, nhân nghĩa mà trong đó còn có một tình yêu đất nước, quê hương vô bờ bến, một khát khao hòa bình cho nhân loại mà có lẽ ở thời đại nào con người cũng nguyện cầu.
Bên cạnh đó, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi với vở nhạc kịch Lọ Lem truyền kỳ đã chinh phục các khán giả nhí khi mang đến thế giới đầy màu sắc. Lọ Lem truyền kỳ cảm tác từ câu chuyện Lọ Lem nhưng được các nghệ sĩ Ngọc Xuân, Thanh Sơn (biên đạo múa), nhạc sĩ Phúc Thiện thổi vào những chi tiết mới lạ, phù hợp cho đối tượng khán giả và các phụ huynh.
Đặc biệt, nhạc kịch Bé chịu chơi do biên đạo múa Tấn Lộc làm tổng đạo diễn từng gây hiện tượng “cháy vé” khi diễn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Vở nhạc kịch này lấy bối cảnh không gian của thế giới viễn tưởng để kể một câu chuyện mang tính thời sự của xã hội hiện đại.
Đó là áp lực học hành đang đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của trẻ em; tham vọng về thành tích và muốn con trở thành người xuất chúng của nhiều phụ huynh. Bé chịu chơi tạo nên cơn sốt với khán giả bởi tích hợp những ca khúc ngắn, nền nhạc lúc sôi nổi, lúc nhẹ nhàng như lời tự tình cùng người xem của nghệ sĩ Trần Thiện Thanh.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa ánh sáng và phong cách thiết kế sân khấu độc đáo đã giúp không gian vở nhạc kịch Bé chịu chơi thêm lộng lẫy. Các loại hình nghệ thuật nhạc kịch, xiếc, rối, được ê kíp dàn dựng kết hợp hợp lý, tạo được những hiệu ứng về hình ảnh sinh động, lôi cuốn, đa sắc.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về không gian biểu diễn, kịch bản thuần Việt, kinh phí dựng vở, nguồn nhân lực hạn chế... Tuy nhiên, với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhạc kịch chất lượng kể trên, đồng thời các nghệ sĩ với tâm huyết và niềm đam mê, tính sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ đưa nhạc kịch nước nhà phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành bộ môn nghệ thuật phổ biến tại Việt Nam.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
