Kỳ diệu xứ Mường
Cách đây ít năm, tôi có dịp khám phá Đồi Thung, thuộc xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn), cũng là nơi thuộc đất Mường Vang kỳ diệu. Đây là nơi nguyên sơ nhất của người Mường, với con đường thăm thẳm, lên gần đỉnh núi thì có một vùng bằng phẳng, có nước, màu mỡ, phì nhiêu và trở thành làng bản. Ông trưởng xóm Bạch Công Ngưu kể về sự hình thành của xóm Thung trên đỉnh Đồi Thung.
![]() |
Xứ Mường Hòa Bình luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu |
Ông kể rằng, nơi đây mới được khai hoang trong vòng hơn 100 năm nay. Thuở ấy giặc dã tung hoành, cường hào ác bá ức hiếp dân lành. Giữa sự sống và cái chết, một nhóm khoảng 30 người kéo nhau vào rừng, cứ đi mà chẳng biết đi đâu. Họ cứ đi mãi, sau cùng đi đến một vùng đất ở trên núi cao khá bằng, có thể trồng lúa được, họ quyết định ở lại lấy gỗ làm nhà, lập nên xóm Thung. Từ ngày khai đất lập xóm, cuộc sống của người dân trải qua vô vàn khó khăn. Trước năm 1997, người dân dường như vẫn sống biệt lập với bên ngoài với phương thức tự cung tự cấp. Từ năm 1997 trở đi, người dân đã biết dùng đường mòn để xuống núi đi chợ, giao lưu với thế giới bên ngoài, mua máy xay xát, mua cày cuốc và rất nhiều thứ cần cho cuộc sống. Rồi họ làm được đường bê tông ở trong xóm để nhà nọ đến nhà kia đi lại cho sạch, công nông cũng có thể đi lại được.
Cũng nhờ sự hoang sơ đó nên cuộc sống của người dân nơi đây rất bình yên. Phong cảnh cũng hữu tình, có thể vờn mây, vờn gió như đường lên cổng trời.
Sau này trở về với cuộc sống vùng xuôi, với biết bao cảnh gấp gáp, xô bồ, tôi vẫn muốn khám phá xứ Mường, Hòa Bình nên vẫn có những chuyến đi lên lại. Một trong những nơi để lại ấn tượng sâu nhất là Lũng Vân, được coi là “nóc nhà” của Mường Bi (huyện Tân Lạc). Đường đến Lũng Vân phải vượt bao dốc, bao đèo và nhiều khúc cua quanh co. Từ Địch Giáo đến Dốc Mùn là cung đường quanh co nhất. Có lúc, bạn sẽ chìm trong biển đám mây mờ và bước ra khỏi đó một cách ngoạn mục, như từ thế giới khác. Bạn cũng sẽ sống trong sự phấp phỏng để khám phá một vùng văn hóa trầm tích, được kết tinh từ nhiều năm.
Người Lũng Vân hiếu khách, cảnh thiên nhiên hút hồn. Hẳn rồi, nhưng nếp sống văn hóa cũng thật đặc sắc. Và, một thú vị khác là những cô gái trẻ ở đây sống rất chan hòa, tươi vui, lãng mạn. Họ còn giữ được sự mộc mạc trong đời sống, chỉ dùng đồ trang sức mà không cần đến nước hoa hay son phấn. Thế nhưng mặt mũi cô nào cũng hồng hào, mơn mởn. Người Lũng Vân từ xưa tới nay vẫn sống theo lối “tự sản tự tiêu”. Họ luôn ăn, uống, tiêu dùng những sản phẩm mình làm ra. Trước đây, điều này còn rõ hơn nhiều. Không khám phá, không tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân, thì hẳn là tôi cũng không tin nổi.
Người Lũng Vân chọn cách sống hòa đồng, gần gũi thiên nhiên. Người dân trước đây và ngày nay đều tắm suối. Suối Lũng Vân không lớn, nhưng đủ tắm mát cho biết bao thế hệ người dân và chăm sóc cho làn da mỡ trắng sơn nữ. Họ có những bến tắm dành cho sơn nữ, mà người khác có thể nhìn, nhưng không được phép lại gần.
Giờ đây người Lũng Vân có tới hơn 50 người trường thọ. Nhiều cụ già cho biết, ở các đời trước, nhiều cụ cũng sống thọ lắm, có cụ sống đến 110 tuổi. Có người nói do không khí mát mẻ, người dân sống “sạch” bởi không bị bất cứ loại chất độc, chất gây ô nhiễm nào làm ảnh hưởng. Người dân Lũng Vân cứ sống hồn nhiên như hoa lá trên rừng, với sự trong lành giá trị hơn bất kỳ điều gì khác.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
