Kỳ cuối: Từ cotton đến polymer: Bước nhảy vọt về công nghệ in tiền
![]() | Kỳ 2: Tiền polymer – những lợi thế vượt trội |
![]() | Kỳ 1: Xu hướng phát triển tiền polymer trên thế giới |
“Nói về việc in tiền của Việt Nam, đó là những câu chuyện rất dài và thú vị. Trước năm 1991 Việt Nam đã tiến hành in tiền nhưng chỉ in tiền mệnh giá nhỏ bằng công nghệ in thương mại thông thường, dẫn đến việc làm giả cũng dễ. Năm 2003, từ khi chuyển sang in bộ tiền polymer, chất lượng đồng tiền của chúng ta tốt hơn hẳn. Không chỉ sạch, đẹp, bền, tiện sử dụng mà còn đảm bảo tính bảo mật, độ chống giả cao…”, đó là nhận định của kỹ sư Trương Đông Hải, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam khi trò chuyện với phóng viên Thời báo Ngân hàng xung quanh câu chuyện công nghệ in tiền và những chuyện ít biết về nó.
Là trưởng phòng kỹ thuật đầu tiên của Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam với hơn 35 năm gắn bó về lĩnh vực này, ông có thể đánh giá khái quát nhất thành quả về công nghệ in tiền mà chúng ta đã đạt được?
Thành quả lớn nhất của Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua có thể nói, đó là chúng ta đã làm chủ công nghệ in tiền hiện đại và ngày càng làm tốt hơn. Từ chỗ chúng ta chỉ làm được từ “B - Z”, giờ đã làm được từ “A - Z”, tức là đến nay công đoạn đầu tiên là công đoạn chế bản, mình đã tự làm được. Từ chỗ chúng ta chỉ in offset ướt từng mặt với công nghệ in thô sơ, phải dùng từng tờ giấy thấm để làm khô mực, mỗi lần in chỉ được 500 tờ, giờ ta đã có thể in cả offset ướt và offset khô, in đồng thời hai mặt, mỗi lần in được 10.000 tờ, dây chuyền sản xuất tự động hóa tới 40% và đặc biệt là đã có công nghệ in lõm. Ngày nay, đồng tiền của chúng ta đã được in bằng các công nghệ in tiền hiện đại như các đồng tiền khác trên thế giới. Đến nay, chúng ta đã bắt đầu tự sản xuất được mực in offset, tiến tới làm chủ và sản xuất mực intaligo.
Đây là kết quả của tinh thần dám nghĩ dám làm, tạo bước nhảy vọt về nghiên cứu phát triển áp dụng công nghệ vào sản xuất. Có thể tự hào mà nói rằng, chúng ta đã bỏ qua các giai đoạn trung gian để tiến đến công nghệ hiện đại nhất về in tiền, công nghệ in tiền của chúng ta đang ở top đầu trên thế giới. Ngày nay ngành in tiền của chúng ta đã trưởng thành vượt bậc, ngoài giấy in tiền là ta chưa làm, vì phải đầu tư rất lớn, còn về in ấn chúng ta có năng lực kỹ thuật ngang tầm các nhà máy in lớn khác trên thế giới, có thể in trên cả hai chất liệu cotton và polymer. Nhờ vậy, chúng ta đã có thể chủ động mọi vấn đề liên quan đến in và phát hành tiền như số lượng, bảo an, chất lượng, thẩm mỹ và chi phí.
![]() |
Để sản xuất đồng tiền, giấy in là quan trọng nhất, vì nó là vật liệu chính và chiếm tỷ lệ nhiều nhất về các yếu tố bảo an |
Tiếp quản một công nghệ in tiền hiện đại nhất thế giới tại Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam hồi bấy giờ, hẳn chúng ta đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình nhận chuyển giao và vận hành?
Đúng vậy, khi nhận chuyển giao nhà máy từ các nhà cung cấp nước ngoài, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp nhận một nhà máy có công nghệ rất hiện đại trong bối cảnh nước ta chỉ mới vừa bắt đầu đổi mới, còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các nguồn lực tài chính, trình độ công nghệ, đặc biệt là kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ in tiền chúng ta hầu như không có.
Trước khi Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam ra đời năm 1991, chúng ta chỉ in được tiền mệnh giá nhỏ bằng công nghệ in offset thương mại, trong khi công nghệ in tiền phức tạp hơn rất nhiều. Công nghệ in offset thương mại chỉ cần một vài lượt in trên cùng một máy đã có thể hoàn thành sản phẩm, còn công nghệ in tiền sản phẩm phải trải qua 3, 4 lần in trên các máy công nghệ in khác nhau và phải đảm bảo độ chính xác rất cao.
Bên cạnh đó, do bấy giờ nguồn ngân sách có hạn nên chúng ta chỉ đầu tư những thiết bị chính còn thiết bị phụ trợ, dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho sản xuất thì hầu như không đầu tư.Vì vậy, để đưa nhà máy đi vào hoạt động, trong quá trình nhận chuyển giao nhà máy từ các nhà thầu sau khi hoàn thành xây lắp, chúng tôi đã phải nghiên cứu, tìm giải pháp bổ sung thiết bị phụ trợ, dụng cụ chuyên dùng để hoàn thiện dây chuyền sản xuất như: máy mài dao cắt giấy, xe kích tay, xe vận chuyển lô, ván chứa sản phẩm... Tất cả phải trang bị đến tận chi tiết nhỏ nhất thì dây chuyền sản xuất mới có thể hoạt động hoàn chỉnh được.
Giờ đây nói nghe thấy đơn giản, nhưng thực tế lúc đó, để chế ra được đầy đủ thiết bị phụ trợ, dụng cụ chuyên dùng ấy thì không hề dễ chút nào. Ví dụ như, mỗi chồng giấy chỉ đặt được 500 tờ, khi in xong không biết vận chuyển bằng cách nào, chúng ta phải tự thiết kế, sáng chế và chế tạo ra xe kích tay mới có thể vận chuyển được các sản phẩm tiền.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tiếp nhận, làm chủ và vận hành được công nghệ vô cùng mới mẻ và hiện đại lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam như vậy, thưa ông?
Để tiếp nhận, vận hành và làm chủ dây chuyền sản xuất công nghệ mới, Nhà nước đã có tầm nhìn khi cử một lực lượng lao động kỹ thuật đi thực tập tại Liên Xô (trước đây) từ năm 1988 làm nòng cốt vận hành nhà máy sau này. Hầu như tất cả các khâu của quy trình công nghệ in tiền hiện đại đều được đào tạo khá đầy đủ và bài bản nên đã trợ giúp chúng tôi phần nào khi tiếp nhận và vận hành nhà máy mới.
Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư về máy móc thiết bị đa số đều được đào tạo từ các trường đại học trong nước, đã có kinh nghiệm công tác nên khi được nhà máy tuyển dụng đều nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật làm chủ máy móc thiết bị mới.
Chúng tôi đã tuyển dụng, bố trí đầy đủ lao động cho dây chuyền sản xuất. Trên cơ sở lực lượng lao động kỹ thuật nòng cốt được đào tạo ở Liên Xô, đội ngũ các kỹ sư, kết hợp với các chuyên gia kỹ thuật chuyển giao công nghệ, chúng tôi đã tổ chức đào tạo lao động bằng các hình thức dạy lý thuyết, thực hành và kèm cặp vừa học vừa làm. Khi đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng và lắp đặt toàn bộ máy móc thiết bị, chúng tôi bắt tay vào việc xây dựng quy trình sản xuất đặc thù của Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng, nhà máy bắt đầu tự in được những đồng tiền đầu tiên.
Có thể nói rằng, vào lúc đó, tinh thần nghiên cứu, học hỏi và say mê sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật nhà máy rất cao. Chúng tôi vừa làm vừa học vừa nghiên cứu do đó trình độ kỹ thuật và năng lực vận hành máy móc thiết bị được hoàn thiện không ngừng. Vì vậy, khi chuyên gia rút về nước thì chúng ta có khả năng vận hành toàn bộ máy móc thiết bị của nhà máy từ máy móc thiết bị chính đến máy móc thiết bị phụ trợ. Điển hình là làm chủ về kỹ thuật sửa chữa bảo dưỡng máy móc. Mặc dù máy móc thiết bị in tiền rất hiện đại, phức tạp và đặc thù nhưng bao năm qua nhà máy không cần trợ giúp trực tiếp của chuyên gia nước ngoài mà vẫn có khả năng sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị, đảm bảo sản xuất liên tục.
Một trong những yêu cầu đầu tiên khi thiết kế và in tiền là đảm bảo khả năng bảo an chống giả của đồng tiền, vậy theo ông đâu là yếu tố then chốt nhất và khó nhất?
Đúng vậy. Đồng tiền cũng như mọi hàng hóa khác, tiêu chí chế tạo sản phẩm là: bền, đẹp, dễ sử dụng, giá thành thấp và ngày nay còn thêm yếu tố thân thiện với môi trường. Nhưng với chức năng đặc biệt, đồng tiền còn phải có khả năng bảo an cao chống giả tốt. Vì nếu đồng tiền khả năng bảo an thấp sẽ dễ bị làm giả và làm tổn hại đến nền kinh tế, gây bất ổn cho xã hội. Đây là tiêu chí được xem xét đầu tiên khi thiết kế và in tiền, sau đó mới xem xét đến các tiêu chí khác. Bài toán làm sao để tội phạm khó làm giả nhưng người dùng dễ phát hiện tiền giả luôn là bài toán hóc búa và hấp dẫn với công nghệ và khoa học kỹ thuật.
Để sản xuất đồng tiền cần các yếu tố cơ bản sau: giấy, mực, thiết kế, in ấn; trong đó giấy in là quan trọng nhất, vì nó là vật liệu chính và chiếm tỷ lệ nhiều nhất về các yếu tố bảo an. Do đó, giấy có một vị trí then chốt trong việc chống giả. Chưa kể, bản thân chất liệu của giấy để sử dụng in tiền đã có sự khác biệt lớn với giấy thông thường vì có các yếu tố chống giả như hình bóng chìm, khả năng phản ứng dưới ánh sáng UV, dây bảo hiểm... Ngoài các yếu tố này, giấy in tiền vật liệu polymer còn có khả năng tạo ra các yếu tố bảo an mà tiền cotton không thể có là tạo ra các “cửa sổ”. Từ “cửa sổ” còn có thể tạo ra rất nhiều yếu tố bảo an mạnh trên cơ sở ứng dụng các nghiên cứu, các công nghệ về các hiệu ứng quang học và màng mỏng. Chính vì vậy, mà đồng tiền chất liệu polymer vừa bền vừa có khả năng chống giả hơn đồng tiền chất liệu cotton rất nhiều.
Như ông nói ở trên, thì có thể hiểu, từ tiền giấy cotton đến tiền giấy polymer là bước đột phá mới về công nghệ in tiền, ông có thể cho biết chi tiết hơn về những lợi thế vượt trội của tiền polymer đó so với tiền cotton?
Đánh giá so sánh hai loại tiền giấy polymer và tiền giấy cotton người ta so sánh trên các tiêu chí: khả năng bảo an chống giả, độ bền và tuổi thọ, chi phí sản xuất và lưu hành, độ sạch, tác động đến môi trường, thì thấy rằng tiêu chí nào tiền giấy polymer cũng ưu điểm hơn tiền giấy cotton. Về ưu điểm vượt trội thì theo tôi là ở khả năng bảo an chống giả và tuổi thọ. Dù chi phí in tiền polymer cao hơn tiền cotton 1,5-2 lần, nhưng tiền polymer có độ bền trong lưu thông lại cao hơn gấp 4 lần tiền cotton, nên tính chung, tiền polymer vẫn tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Ưu điểm về độ bền của tiền polymer so với tiền cotton còn giúp nhu cầu in tiền hàng năm giảm xuống. Đây là lợi thế so sánh rất quan trọng, nhất là khi mà thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam còn đang rất lớn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của một bức thư lịch sử

Đức và tài phải là chỉnh thể thống nhất

Đạo đức cách mạng của cán bộ ngân hàng

Đi tìm tác giả vẽ “con trâu xanh” trên tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Thăm nhà lưu niệm cố Tổng giám đốc Hoàng Anh

Nhà máy in tiền quốc gia: Dấu ấn một thời

Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Nét son trong hành trình phát triển ngành Ngân hàng

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền Việt Nam

Tổng Bí thư: Tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò huyết mạch nền kinh tế
