Khó dự báo chính sách của ECB
Bất đồng quan điểm
ECB đã gây bất ngờ cho thị trường với việc tăng lãi suất lớn hơn dự kiến vào tháng 7 và tháng 9, đồng thời cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào về các động thái chính sách trong tương lai mà điều đó hoàn toàn "phụ thuộc vào dữ liệu". Trong khi đó, hiện các quan chức của ECB đang bất đồng quan điểm về triển vọng lạm phát, kéo theo đó là tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Luồng ý kiến thứ nhất, bao gồm cả Philip Lane - nhà kinh tế trưởng của ECB cho rằng, tốc độ tăng giá sẽ dịu lại vào năm tới. Lane cho biết trong một bài đăng trên blog vào thứ Sáu tuần trước rằng, ECB có thể "phóng đại" mức độ lạm phát dai dẳng.
Theo ông, các cú sốc kinh tế liên tiếp do đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tăng đột biến có nghĩa là số liệu lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời vì các dự báo cho thấy lạm phát sẽ sụt giảm nhanh chóng. Vì thế tốc độ tăng lãi suất cũng sẽ chậm lại và một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác sẽ "không còn nữa".
![]() |
Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB |
Fabio Panetta - Thành viên hội đồng Thống đốc của ECB cũng là người từ lâu đã chiến đấu để thuyết phục ECB thực hiện lộ trình tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn. Thời gian gần đây quan điểm này của ông đã nhận được sự ủng hộ từ một số quan chức ECB mà Philip Lane là một ví dụ.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại không cho rằng như vậy. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos và Isabel Schnabel đã nhấn mạnh lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá lương thực và năng lượng) là một thước đo chính cần theo dõi.
Isabel Schnabel cũng bác bỏ quan điểm về việc cường độ các đợt tăng lãi suất tiếp theo và nhấn mạnh rằng lạm phát càng duy trì ở mức cao càng lâu thì nguy cơ lạm phát cao dai dẳng càng lớn.
Không chỉ lạm phát mà Philip Lane Lane và Isabel Schnabel cũng bất đồng về triển vọng tiền lương. Trong khi Lane nói rằng nên "theo dõi chặt chẽ" đối với bất kỳ dấu hiệu nào của sự tăng tốc bất hợp lý thì Schnabel kêu gọi ECB cần "ngăn chặn vòng xoáy giá - tiền lương" trước khi nó xảy ra và cho rằng tiền lương đang tăng lên "tăng tương đối nhanh".
Khó dự báo chính sách
Sự bất đồng quan điểm trong các quan chức của ECB khiến cho thị trường càng khó dự báo về quy mô của đợt tăng lãi suất tiếp và mức đỉnh lãi suất trong chu kỳ thắt chặt lần này của ECB. “Thật là thú vị, nhưng việc dự đoán động thái chính sách tiếp theo của ECB đã trở nên bất khả thi", Carsten Brzeski - Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING cho biết.
Hiện kỳ vọng của thị trường dao động giữa mức tăng 50 và 75 điểm cơ bản khi các nhà hoạch định chính sách của ECB nhóm họp vào ngày 15/12. Nhà kinh tế học Piet Christiansen của Danske Bank cho biết, động thái chính sách tại cuộc họp tháng 12 sẽ phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát cơ bản của tháng 11, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 30/11. Theo ông, nếu lạm phát cơ bản cao hơn thì luồng ý kiến khuyến nghị chậm lại tốc độ tăng lãi suất sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sự bất đồng của các quan chức ECB cũng đang gây nhiều khó khăn cho Chủ tịch ECB Christine Lagarde. Không giống thời kỳ của người tiền nhiệm Mario Draghi khi mà Ban điều hành gồm 6 thành viên thường đồng nhất phía sau ông, hiện người điều hành ECB đang bất đồng quan điểm.
“Bà Lagarde rất quan tâm đến việc tập hợp tinh thần đồng đội và giờ đây, ngay cả các đồng nghiệp ECB của chính bà cũng muốn đưa cuộc chiến này ra công khai”, Brzeski của ING cho biết.
Trong khi đó, dù cho rằng việc tranh luận công khai giữa các quan chức ECB về triển vọng lạm phát và tốc độ thắt chặt tiền tệ là lành mạnh, nhưng Dirk Schumacher - một nhà kinh tế tại Natixis cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của ECB chưa chính xác khi họ ám chỉ mức lãi suất cao nhất là khoảng 3%.
Ông ước tính ECB sẽ cần phải thảo luận về mức đỉnh lãi suất 5% nếu muốn "một tay" giảm lạm phát xuống 2%, nhưng điều này sẽ gây ra suy thoái kinh tế quá sâu. "Lạm phát đang được thúc đẩy bởi các yếu tố mà họ không thể kiểm soát", Schumacher nói thêm và dẫn ra giá năng lượng, căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong số những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của ECB.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
