Khi phụ nữ vẽ
Trần Thị Trường lâu nay được nhiều người biết tới trong tư cách nhà văn, tác giả của nhiều cuốn sách văn chương, trong đó gần đây là tiểu thuyết “Phố Hoài” gây xôn xao dư luận. Bà đến với hội họa từ khi còn nhỏ, từng đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (khóa 1973-1978). Tuy vậy, theo lời tâm sự của bà, việc học này phải bỏ dở vì lý do cá nhân. Chồng bà là họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Hưng Việt. Do hoàn cảnh gia đình Trần Thị Trường bôn ba khắp nơi, sang Bulgari và các nước Đông Âu làm đủ mọi nghề. Về nước, bà không chỉ sống với nghề báo chí, viết văn bà còn làm bầu show ca nhạc cho Trần Tiến, Ngọc Tân. Sau khi về hưu từng là chuyên gia quyền tác giả âm nhạc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương và chuyên bình luận điện ảnh ở Cà phê thứ 7 Hà Nội với nhạc sĩ Dương Thụ… Bà là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hiện Trần Thị Trường mở Studio Phố Hoài ở trong làng Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để hàng ngày giao lưu nghệ thuật với bạn bè và công chúng yêu nghệ thuật.
![]() |
Sen - Tranh: Lê Thiếu Ngân |
Trong khi đó, họa sĩ Lê Thiếu Ngân dường như là một “ẩn số”. Chuyện gần đây, hội họa giá vẽ đã làm mê đắm nhiều trái tim, khiến người ta say mê sắc màu, lơ là những điều khác là có thật. Quan sát đời sống văn nghệ trong thời gian qua, nhất là trong hai năm Covid-19 bủa vây, nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã làm quen với bảng mầu hội họa càng ngày càng nhiều lên là sự thật. Tuy nhiên, với trường hợp của bà Lê Thiếu Ngân thì không hẳn vậy. Bà là người Hà Nội gốc, con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng (người đã nhận nhiều Giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh).
Trước đây Lê Thiếu Ngân tu nghiệp ở Nga, về nước bà giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga (Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội), đồng thời là chủ nhiệm bộ môn, dạy hệ Đại học và Cao học cho đến khi nghỉ hưu. Chồng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân là ông Nguyễn Phú Bình - nguyên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian theo chồng đi sứ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, ngoài vai trò phu nhân, đứng bên cạnh chồng quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bà cũng dành thời gian học vẽ tranh thủy mạc, tham gia triển lãm tranh thường niên tại Tokyo (Nhật Bản), từng tham gia triển lãm nhóm hàng năm tại Tokyo (từ 2008 - 2011) và một số triển lãm nhóm nhỏ khác…
Vốn có óc quan sát và thẩm mỹ tinh tế (được rèn rũa từ nhỏ) khi điều kiện đến bà đã tham gia lớp học vẽ tranh thuỷ mạc tại Tokyo (Nhật Bản). Khi về Hà Nội, trong những năm gần đây, bà vẽ nhiều hơn với chất liệu sơn dầu và acrylic trên toan. Ban đầu học với họa sĩ Văn Dương Thành, sau bà theo học họa sĩ Hải Kiên - Thạc sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Trung ương. Những bức tĩnh vật, phong cảnh của Lê Thiếu Ngân có bút pháp tinh tế, màu sắc hài hòa, giàu cảm xúc.
Hai người phụ nữ, có những cuộc đời khác nhau, nhưng cùng có niềm mê say với hội họa, cùng sống ở một thành phố, chơi thân với nhau. Vì thế, trong tiết trời bừng lên sắc nắng, khi những hàng cây thắp nến hai bên đường những mầm xanh mới nhú, những bông hoa khoe sắc trên nhiều tuyến đường thì cũng là lúc hai nữ họa sĩ Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân quyết định tổ chức một cuộc triển lãm tranh. Tên triển lãm nhanh chóng được thống nhất, đó là “Tháng ba” và sẽ kéo dài trong 10 ngày tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền.
Hai tác giả sẽ mang tới cho công chúng yêu mỹ thuật 70 bức tranh vẽ phong cảnh, tĩnh vật, chân dung… với bút pháp hiện thực, vẽ trực họa, tìm tòi hình khối màu sắc, biểu cảm chân thực… Được ngắm trước những tác phẩm này trước ngày khai mạc, người viết bài này nhận được từ những bức tranh ấy những xúc cảm tươi mới, trong lành của hai họa sĩ. Đó là những tác phẩm đã được thực hiện trong hai năm vừa qua.
Tranh của Lê Thiếu Ngân trong vắt, tình cảm, bút pháp dịu dàng. Còn tranh của Trần Thị Trường nồng nàn, bút pháp và màu sắc mạnh mẽ, ngoài ra Trần Thị Trường còn đi sâu vào mảng chân dung. Bà để lại dấu vân tay của mình khi vẽ về các nhà văn, nhà thơ: Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bình Ca, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Bảo Chân…; hay Cellist Ngô Hoàng Quân, nhạc trưởng Lê Phi Phi...
“Với tôi vẽ chân dung là khó nhất. Với người trong nghề thì một tranh chân dung đẹp là lột tả được thần thái của mẫu với những mảng màu chứa đựng ánh sáng và không gian. Tôi không biết nhận xét của giới chuyên môn thế nào nhưng tôi đã vẽ các văn nghệ sĩ, nhà ngoại giao, luật sư… bằng tất cả sự trân quý và chia sẻ từ thẳm sâu trong tâm hồn của mình”, họa sĩ Trần Thị Trường tâm sự, đồng thời tiết lộ thêm rằng: “Vẽ hoa cũng khó. Tôi thấy nhiều họa sĩ vẽ hoa theo trường phái trừu tượng, biểu hiện… rất đẹp. Tôi theo đuổi trường phái hiện thực, tôi nghĩ trường phái nào thì cuối cùng cũng phải đem lại hiệu quả thẩm mỹ…”.
Một điều đáng trân quý nữa, đó là cả hai nữ họa sĩ đều vẽ với niềm say mê hội họa, không phải vì cần mưu cầu “cơm áo gạo tiền” như hồi còn trẻ, họ dành khá nhiều tranh cho việc gây quỹ từ thiện, tặng cho các bệnh viện, cho các hoạt động ngoại giao văn hóa...
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
