Hương sắc Việt trong ngày hội lớn
Trong sự kiện này, công chúng sẽ có dịp được thưởng thức miễn phí các bộ phim tài liệu xuất sắc đến từ 8 nước châu Âu, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
![]() |
Các bộ phim sẽ được chiếu trong Liên hoan phim châu Âu - Việt Nam lần thứ 7 |
Đại diện Ban tổ chức cho biết, chủ đề của các bộ phim tài liệu trong liên hoan lần này phản ánh những vấn đề trong xã hội đương đại và cung cấp cơ sở cho việc thảo luận và trao đổi. Thông qua các bộ phim tài liệu sẽ giúp người xem có cơ hội tìm hiểu về đời sống văn hóa và hiện thực đa dạng thông qua những quan sát cởi mở và chân thật về thế giới.
Xuyên suốt chương trình là những cuộc đối thoại hấp dẫn giữa các bộ phim tài liệu châu Âu và Việt Nam với những nội dung phản ánh những vấn đề trong xã hội đương đại. Mỗi buổi tối, Liên hoan sẽ trình chiếu một bộ phim Việt Nam và một bộ phim đến từ Đan Mạch, Đức, Pháp, Israel, Áo, Ba Lan, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Thụy Điển.
Hai bộ phim về giới tính và chuyển giới của bạn bè quốc tế đem đến liên hoan phim lần này hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả, đó là “Ranh giới không hoàn hảo” và “Đứa con ngoan”. Theo đó, “Ranh giới không hoàn hảo” là phim đầu tay của đạo diễn Saskia Bischoff Bisp (Đan Mạch), kể về một người đàn ông cân nhắc quyết định chuyển giới vì đang có mối quan hệ với bạn gái đồng tính. Phim cũng mô tả những phụ nữ dị tính chuyển giới và sống đời đàn ông.
Trong khi đó, “Đứa con ngoan” là tác phẩm của đạo diễn Shirly Berkoviz (Israel), kể về một thanh niên 22 tuổi dùng số tiền 12.000 USD của bố mẹ để thực hiện phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan, thay vì đi du học ở Anh như đã hứa. Bên cạnh đó, phim “Họp lớp” kể về những ký ức hồi trung học qua một buổi họp lớp tại Thụy Điển. Phim “Bản đồ” lại bàn về chất nghệ sĩ và tính sáng tạo của một nhà làm phim Tây Ban Nha thông qua hành trình đến Ấn Độ tìm cảm hứng.
Đáng chú ý, tác phẩm “Cội rễ” (Indonesia) đề cập đến ý nghĩa sự tồn tại của con người. Malaysia mang đến phim “Lựa chọn của Ida” - xoay quanh cô gái nghiện ngập ở Chow Kit, khu phố đèn đỏ của Kuala Lumpur…
Tuy nhiên, tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần 7, nước chủ nhà Việt Nam sẽ giới thiệu 10 tác phẩm xuất sắc nhất trong thời gian qua, một số tác phẩm từng gây tiếng vang và giành nhiều giải thưởng cao quý trên trường quốc tế. Tiêu biểu như phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” (đạo diễn Trần Văn Thủy).
Bộ phim này đã giành giải thưởng “Phim ngắn hay nhất” tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan (1999), giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Phim sẽ đưa khán giả trở về với ký ức buồn khi nói về vụ thảm sát người dân vô tội xảy ra tại Sơn Mỹ vào 16/3/1968 của quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, nội dung phim đã truyền đi thông điệp về sự hy vọng và chuộc lỗi, hãy khép lại quá khứ để hướng về tương lai tốt đẹp… Hoặc “Chốn quê” (kịch bản và đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung) từng đoạt giải “Phim tài liệu hay nhất” tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 46 ở In-donesia, đề cập đến các vấn đề của nông thôn và đời sống người nông dân trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Đồng thời, bộ phim “Nghèo đa chiều ở Đồng Mậm” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam, từ đó thể hiện đất nước đang đổi thay từng ngày để tiến tới một xã hội văn minh, hiện đại.
Với bộ phim “Còn lại với thời gian”, hứa hẹn sẽ làm rung động cảm xúc của mọi người bởi nội dung phim kể về những dòng nhật ký, những lá thư của những người lính miền Bắc chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.
Những xúc cảm được lan tỏa và tiếp nối trong khán giả với “Giọt nước giữa đại dương” - bộ phim tài liệu với nhiều hình ảnh, tư liệu khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong các bộ phim tài liệu mà Việt Nam giới thiệu trong liên hoan lần này là “Trường Sa - Việt Nam” (đạo diễn Trần Tuấn Hiệp và Nguyễn Quang Tuấn). Bộ phim này gồm 2 tập có độ dài gần 67 phút, cung cấp cái nhìn khái quát về sự hình thành quần đảo Trường Sa trong lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng cũng như quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo - phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
Bộ phim hứa hẹn sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong khán giả cả trong và ngoài nước. Và “Sông Hồng 12 khúc” (tác giả Đào Thanh Tùng) lại mô tả đời sống văn hóa tinh thần người Việt trải dọc suốt từ đầu nguồn tới hạ nguồn sông Hồng...
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
