Học viết báo từ người dân miền Tây
Tôi bước chân vào làng báo là bắt đầu viết về mảng kinh tế nông nghiệp. Hành trang vào nghề của tôi ngoài kiến thức ở trường đại học, là những năm tháng tuổi thơ ở đồng bằng Bắc bộ với những thửa ruộng nhỏ san sát, tháng Chạp thì gieo mạ, tháng Giêng thì cấy lúa, gặt hái vụ Chiêm xong thì cày cuốc, phơi ải vụ Mùa.
Những hình ảnh đồng ruộng thẳng cánh cò bay lúc đó với tôi chỉ có trong tưởng tượng và chính những người nông dân ở vùng sông nước miền Tây đã dạy cho tôi biết thế nào là làm một nền nông nghiệp lớn. Mỗi chuyến đi của tôi đều đầy ắp ân tình với những con người và văn hóa vùng châu thổ.
![]() |
Từ mùa nước nổi và lối xưng hô…
Có lẽ câu chuyện tôi muốn kể ra đầu tiên khi nói về miền Tây là mùa nước nổi. Vào khoảng cuối tháng 7 hàng năm, nước ở sông Tiền và sông Hậu chảy từ thượng nguồn sẽ theo các kênh rạch chảy tràn vào các khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Những cơn mưa đầu mùa do gió Tây Nam mang tới càng làm cho nước sông dâng mạnh.
Năm nào nước lũ lên cao, dọc theo tuyến Quốc lộ 91 nối từ Cần Thơ đến Châu Đốc, Tri Tôn hết thảy ruộng đồng, nhà cửa chỉ còn một màu trắng xóa. Nước lũ ngập tràn một vùng rộng lớn như thế nhưng lại không có vẻ xác xơ, tàn tạ, mà trái lại người ta thấy ở đó những nụ cười ánh lên từ sóng nước. Bởi đối với người nông dân các tỉnh miền Tây, mùa lũ là mùa nước nổi - một đặc sản của trời.
Năm nào không có lũ là năm đó niềm vui thu hoạch lúa hè thu xem như chưa trọn vẹn. Lũ không về đồng nghĩa với việc đồng ruộng không được rửa trôi phèn mặn, các cánh đồng vụ tới sẽ kém phù sa và quan trọng hơn là hàng ngàn hộ dân ven các nhánh sông Tiền, sông Hậu mất đi một mùa đánh bắt đầy sung túc.
Mùa lũ không chỉ nhiều cá tôm. Khi các con đê nước ngập xăm xắp, là lúc người ta đi săn bắt chuột rôm rả. Men theo các con mương, mọi người thi nhau dẫm đạp cỏ. Chuột lớn, chuột bé nghe động chạy rối rít về phía trước, vô tình chui tọt vào các tấm lưới đã giăng đón sẵn.
Không riêng gì chuột, mà ếch, rắn, rùa... trong mùa nước này cũng đều trở thành món ăn khó quên cho bất cứ ai yêu mến mảnh đất phương Nam. Mùa lũ cũng là mùa của bông điên điển.
Dọc theo hai bờ các tuyến kênh dài hàng mấy chục cây số, điên điển trổ bông vàng rực. Ai đã từng có mặt ở miền Tây vào mùa nước nổi, không thể không biết đến thứ cây này. Nồi canh chua bông điên điển nấu với cá linh hay cá rô đồng có vị nhần nhận, bùi bùi đã trở thành một phần ký ức nồng nàn của những người xa quê.
Đến miền Tây mà không nhâm nhi vài ly rượu đế với những người nông dân miệt thứ, miệt vườn thì coi như chưa từng đến. Bạn là khách lạ, muốn hỏi gì về bí quyết trồng lúa, trồng rau, nuôi tôm, nuôi cá ở vùng này mà chỉ đứng trên bờ đê chụp hình rồi lân la câu chuyện thì chẳng thu thập được gì.
Vùng sông nước miền Tây là nơi sản sinh ra nhiều thế hệ tỷ phú nông dân. Họ thật sự là những kỹ sư chân đất đầy kinh nghiệm và kiến thức làm nông sáng tạo nhưng lại rất kiệm lời. Chỉ khi nào họ cảm nhận được sự chân tình từ lời ăn tiếng nói, chỉ khi nào vị khách lạ biết xưng hô theo cách gọi thứ chứ không phải gọi tên, sẵn sàng trải lá chuối ngồi ngay bờ ruộng cùng chú Bảy, dì Ba lấm lem bùn đất uống ly rượu đế, ăn miếng khô sặc bình dân thì họ mới mở lòng nói ra những tâm sự làm ăn và những câu chuyện về văn hóa miền sông nước.
Câu chuyện xưng hô của người Nam có lẽ là một truyện dài nhiều tập. Tôi đã phải học rất nhiều để thuộc lòng được phương ngữ và thói quen giao tiếp với người Nam. Chẳng hạn, để tránh bị coi là không lễ phép, khi rót một ly rượu mời một lão nông lớn tuổi bao giờ cũng phải đưa cho họ uống trước, hoặc nếu có chạm ly cũng phải làm sao cho miệng ly của mình thấp hơn.
Những phương ngữ Bắc bộ mặc dù đã thuộc nằm lòng cũng phải cố dặn mình đừng buột miệng mà làm phật lòng những người đối diện. Người miền Tây ít khi nào để bụng, nên khi họ không thích là họ nói thẳng thừng. Họ có thể nói cho bạn nghe từ sáng đến chiều nếu xem bạn là “mối cốt”, nhưng cũng có thể sẽ lặng im suốt buổi nếu thấy một thái độ trịch thượng, bề trên và ra điều kẻ cả.
… đến những nhận thức về làm nông hàng hóa
Một trong những bài học mà tôi nhận được từ người dân miền Tây Nam bộ chính là cái khí khái hiên ngang của những người mở cõi. Sống ở vùng đất mới với sự hào phóng của thiên nhiên, nên suốt dải đất phù sa trù phú từ Long An về đến Cà Mau, người dân miền Tây không quá tất bật, vất vả với công việc đồng áng. Họ sống cởi mở, chan hòa với những đặc trưng tiêu biểu của tính bao dung, năng động, trọng nghĩa và thực dụng.
Đặc điểm năng động sáng tạo của con người vùng đất mới Nam bộ thể hiện rõ nét ở sự phóng khoáng trong tiêu dùng. Nỗi lo cơm áo gạo tiền không thúc bách quá mức khiến họ dành nhiều thời gian hơn để nghĩ đến chuyện làm thế nào giàu lên từ vuông tôm, ruộng lúa.
Người miền Tây quan niệm tiêu xài cực kỳ phóng khoáng. Có lẽ chữ “xài chơi” chỉ tìm được ở các vùng sông nước phía Nam. Nó vừa mang ý nghĩa tiêu dùng thuần túy, vừa mang nét nghĩa ăn chơi. Chính bởi quan niệm đó nên họ tiếp xúc nhanh với khoa học kỹ thuật và nhanh chóng rành rẽ để áp dụng vào cơ giới hóa đồng ruộng.
Ở miền Tây vì thế xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân số một như vua tôm Sáu Ngoãn, vua lúa giống Tám Lạc, Ba Châu, vua máy cày Tư Sang, Năm Ngọ… Họ là những nông dân nhưng đã tự mày mò chế tạo máy móc, lai tạo giống lúa, giống tôm. Họ không ngần ngại vay mượn tiền bạc để đầu tư nghiên cứu những cách làm ăn mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Đi một vòng các tỉnh miền Tây vào mùa thu hoạch lúa sẽ nhận thấy rằng người dân ở các tỉnh phía Nam thích làm ăn lớn, chứ không thích gửi tiền ăn lãi ngân hàng từ các khoản dư dả như người ở các vùng quê Bắc bộ. Hầu hết các hộ trồng lúa từ Long An trải dài xuống Đồng Tháp, An Giang xem chuyện vay nợ ngân hàng để đầu tư ruộng lúa là bình thường và luân phiên theo mùa vụ.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, không khó để nhìn thấy cảnh tượng người dân các nơi xếp hàng chờ trả tiền vụ trước, vay tiếp tiền vụ sau ở các ngân hàng cấp huyện. Với những hộ nuôi tôm và cá tra thì những khoản vay lên đến hàng chục tỷ. Người ta nói chuyện với nhau về đầu tư ao nuôi chuồng trại, khoản nào cũng tính tiền triệu, tiền tỷ. Nghe đã đủ thấy họ là những nông dân làm ăn lớn, là những viên gạch xây nên nền nông nghiệp hàng hóa hàng mấy chục năm ở châu thổ Cửu Long.
Trong những chuyến đi về miền Tây, tôi còn đặc biệt chú ý đến một đội ngũ đông đảo khác là thương lái. Những người hời hợt có thể “đổ tiếng ác” cho thương lái vì cho rằng chính họ là những đối tượng ép giá nông dân khiến phải lập đi lập lại điệp khúc trồng - chặt.
Bản thân tôi cũng đã bênh vực quan điểm này trong nhiều bài viết trước khi nhận ra rằng, thương lái là một mắt xích không thể thiếu trong hợp tác 4 nhà trong nền nông nghiệp hàng hóa. Đa số thương lái đều xuất thân từ nông dân, nhưng họ có kinh nghiệm trong lĩnh vực buôn bán nhỏ. Đây là đội ngũ cực kỳ sành sỏi trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Họ có vốn và phương tiện vận chuyển cơ động, linh hoạt.
Nếu không có đội ngũ thương lái chịu khó đi vào các vùng sâu vùng xa, nơi hẻo lánh để mua lúa và nông sản đưa về các cơ sở đầu mối thu gom, chế biến, thì sản phẩm của người nông dân làm ra gần như không thể nào tiêu thụ được.
Cứ như thế, trong những chuyến đi, tôi học hỏi thêm nhiều từ chính những người nông dân ở các tỉnh phía Nam Tổ quốc. Những kiến thức về trồng lúa, trồng rau, nuôi cá, nuôi tôm, chế biến thương mại nông sản trong tư liệu viết báo của tôi mỗi ngày thêm dày dặn.
Bất chợt có những khi có người bạn đồng nghiệp hỏi tôi rằng suốt ngày mò mẫm ở miền Tây chắc đã thành nông dân xứ miệt? Tôi chỉ biết xòa cười: “Còn lâu lắm bạn ơi! Mới chỉ học lỏm được vài điều để viết báo thôi. Báo đăng lên rồi mà bác Hai, dì Bảy không phì cười khi đọc mình đã xem là may phúc lắm”.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
