Giỗ Tổ Hùng Vương 2018: Lan tỏa sâu rộng giá trị di sản
![]() | Nhã nhạc cung đình Huế: Còn đó những trăn trở |
![]() | Di sản văn hóa phi vật thể: Giữ "phần hồn"cho mai sau |
Đến nay, Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương là sự kiện văn hóa quan trọng và lớn nhất ở nước ta. Đặc biệt, kể từ năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
![]() |
Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm có hàng triệu lượt người về đất Tổ dự lễ, tỏ lòng thành kính “Uống nước nhớ nguồn” |
Theo hồ sơ di sản, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ thời đại các Vua Hùng với niềm tin cả dân tộc có cùng chung giống nòi “con Rồng cháu Tiên”, cùng chung một nguồn cội (Tổ); đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.
Bao đời qua, vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm, triệu triệu người con nước Việt từ mọi miền và kiều bào ở nước ngoài đã về Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) để tri ân, chiêm bái bậc tiên tổ.
Các sử liệu cho thấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 - 1788). Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và Nguyễn liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và cấp ruộng đất tại khu vực xung quanh đền để người dân canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm tới việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ ngày giỗ Tổ để tham gia, tổ chức các hoạt động tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc. Tổng số trên cả nước có 1.417 đền thờ Vua Hùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều hình thức đa dạng, điển hình là việc Vua Hùng được phối thờ (thờ chung) với nhiều nhân vật như các công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa; các Hùng hầu, Hùng tướng; Tản Viên Sơn Thánh; Hai Bà Trưng… tại các cụm di tích ở Phú Thọ. Hình thức phối thờ với Long Hải Đại Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Mai An Tiêm, Chử Đồng Tử, các con Lạc Long Quân cũng phát triển khá mạnh tại Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa...
Tại nhiều nơi, các Vua Hùng còn được người dân phối thờ tại bàn thờ dòng họ. Người Việt Nam sống ở nước ngoài khi có dịp cũng “thỉnh” chân hương tại đất Tổ (Phú Thọ) để mang về cắm trên bàn thờ của gia đình.
Năm nay, Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 5 ngày và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh: Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam. Lễ hội năm 2018, nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền bối diễn ra liên tục như dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, lễ rước kiệu của các xã vùng ven về Đền Hùng; Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; lễ hội bơi chải trên sông Lô; Lễ dâng hương tại các khu di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương.
Bên cạnh đó, tại Lễ hội năm nay còn có Liên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi thành phố Việt Trì lần thứ V, các chương trình văn nghệ quần chúng và biểu diễn hát Xoan tại Công viên Văn Lang. Cùng với đó, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố được tổ chức tại khu vực sân khấu Quảng trường Hồ Công viên Văn Lang là một nét văn hóa đặc sắc góp phần phát triển du lịch địa phương.
Ngoài ra, Lễ hội Đền Hùng năm 2018 còn tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp, biểu diễn Múa rối nước, biểu diễn nghệ thuật của các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia tổ chức Giỗ Tổ; tổ chức Hội trại văn hóa, Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI; trình diễn diễn xướng dân gian, biểu diễn văn nghệ quần chúng; các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống... và Hội sách Đất Tổ và Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Quê hương, con người Phú Thọ” tại khu vực sân khấu Quảng trường Hồ Công viên Văn Lang.
Theo ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018, Ban tổ chức quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an toàn và thực hiện “5 không” tại sự kiện năm nay gồm: không có tình trạng ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh, dịch vụ với giá cả mang tính “chặt chém;” không có người ăn xin; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không để mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Để đạt được mục tiêu trên, Ban tổ chức đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp các phương án đảm bảo giao thông, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động dịch vụ bán hàng, cơ sở dịch vụ phục vụ đồng bào về dự lễ hội.
Lực lượng chức năng có biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng ép giá, tăng giá bất hợp lý; không để xảy ra tình trạng hàng quán chèo kéo khách, không có người ăn xin trước, trong thời gian tổ chức lễ hội tại khu vực lễ hội và vùng lân cận.
Cùng với đó, Ban tổ chức cũng có các đoàn kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực tổ chức lễ hội; tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở chế biến, quán ăn... nhằm không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
