Giáo dục di sản
Ý tưởng biên soạn chương trình giáo dục di sản được nhen nhóm từ năm 2014. Thời điểm Hội An được thế giới biết đến nhiều, sau khi UNESCO vinh danh di sản văn hoá thế giới. Cùng với công tác bảo tồn, UBND TP. Hội An yêu cầu ngành văn hoá và giáo dục phải xây dựng ý thức di sản cho thế hệ kế nghiệp Hội An trong tương lai. Các chủ đề khác nhau xoay quanh di tích Chùa Cầu, đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, lăng Ông, nhà cổ, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian... được lồng ghép khéo léo để giới thiệu đến các em học sinh. Đi kèm với bộ tài liệu còn có các clip giới thiệu theo từng chủ đề về di sản đã tạo nên sự hấp dẫn và thích thú đối với các em qua mỗi giờ học.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cùng với nội dung tài liệu, các tiết học sẽ chọn hiện vật, di tích làm đối tượng truyền tải thông tin theo hình thức trực quan để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn về di sản. Với phương pháp tương tác mở, giáo viên sẽ thuyết minh và cùng học sinh tìm hiểu ngay tại các điểm di tích, khám phá hiện vật, tìm hiểu nghề nông, nghệ thuật hô hát bài chòi, tham gia các nghề truyền thống, trò chơi dân gian theo chủ đề ngay tại các bảo tàng…từ đó góp phần hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản trong học sinh. Dự kiến sẽ có hơn 9 nghìn học sinh của 14 trường tiểu học trên địa bàn TP. Hội An được tiếp cận với bộ tài liệu này.
Tại nhiều địa phương trên cả nước, giáo dục di sản được xem là một mô hình du lịch học đường mới mẻ, giúp các em học tập mà không nhàm chán, rèn luyện được nhiều kỹ năng thực hành. Đây cũng là khuyến nghị của UNESCO trong công tác bảo tồn di sản tại các quốc gia. Mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng vừa ra mắt chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn”, được triển khai theo hình thức tour tham quan. Hoạt động này giúp các em học sinh, sinh viên hiểu hơn về lịch sử thành phố quê hương, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Theo hình thức tour tham quan, các em được “ngược dòng thời gian” trở về thành phố trong quá khứ thông qua hành trình khám phá các di sản: Bảo tàng Đà Nẵng; Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; Tòa Đốc lý (thời Pháp thuộc), Cột chỉ đường cổ nhất Đà Nẵng; Dinh biệt thự của Chánh án Tòa án tối cao thuộc địa Pháp (nay là Trụ sở HĐND thành phố). Chương trình giáo dục trải nghiệm là hoạt động mới, được Bảo tàng Đà Nẵng xây dựng và triển khai trong năm nay.
Tham gia chương trình, các em học sinh, sinh viên còn được lắng nghe những câu chuyện về Đà Nẵng từ buổi đầu kháng Pháp (1858-1860) hào hùng; khi Đà Nẵng trở thành “thành phố nhượng địa Tourane” cho đến ngày Pháp chuyển giao chính quyền cho cách mạng. Các thông tin về lịch sử, di sản văn hóa của thành phố được thể hiện sinh động, sáng tạo. Đặc biệt, hình thức tour tham quan mang tới trải nghiệm mới mẻ, không bị gò bó về không gian nên việc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Bên cạnh, các em còn được tự tay trải nghiệm làm mô hình khẩu súng thần công và thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng của địa phương.
Tuy lần đầu ra mắt và giới hạn số lượng người tham gia vì tình hình dịch bệnh, song chương trình đã để lại ấn tượng sâu sắc và thu hút sự quan tâm của các em học sinh và sinh viên. Được biết, để triển khai chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn”, Bảo tàng Đà Nẵng đã lên kế hoạch thực hiện trong khoảng 6 tháng với nhiều công đoạn. Từ khảo sát ý kiến các chuyên gia, các trò chơi tương tác đến nghiên cứu nội dung thuyết minh, bảo đảm kết nối các di sản văn hóa. Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng Hà Vỹ: Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sự thay đổi về hình thức tổ chức ở chương trình mang đến cho công chúng, nhất là giới trẻ một cách tiếp cận di sản văn hóa hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn, thú vị. Trong đó, lấy yếu tố công chúng làm trung tâm nhằm phát huy giá trị tiềm năng di sản văn hóa mà thành phố sở hữu. Qua đó, góp phần đưa di sản đến gần hơn với người dân và nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
