Giải thưởng Văn học TP. Đà Nẵng 2015: Lớp trẻ thiếu vắng, đề tài nhạt nhoà
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 11/2015, Hội đồng sơ khảo Hội nhà văn sẽ thẩm định chọn ra 9 tác phẩm chất lượng (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích) và chuyển hồ sơ lên Hội đồng xét tặng giải thưởng của Liên hiệp hội. Dự kiến lễ trao tặng giải thưởng sẽ diễn ra ngày 20/3/2016.
![]() |
Các tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học TP. Đà Nẵng năm 2015 |
Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, tập thơ Phù sa rưng rưng của Nguyễn Hoàng Thọ gây ấn tượng bởi tác phẩm có tiết tấu mạnh mẽ, nội dung hàm súc, gần gũi về những khát vọng, trăn trở của thân phận một người trí thức trước vận mệnh thăng trầm, buồn vui thời cuộc…
Đặc biệt, ở phần trước 1975 (tập thơ Phù sa rưng rưng chia thành hai phần: trước 1975 và sau 1975), nhiều bài khiến người đọc cảm nhận như được ra đời bởi một yêu cầu bức xúc bản thân và của một giai đoạn lịch sử. Đó là những câu thơ đã góp phần một cách ấn tượng đầy ước vọng: “Dạy con/ Thấy máu chảy lòng đau/ Thấy bạo quyền/ Không phải thu mình ngồi ngó” (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử).
Tập thơ “Biến tấu của giấc mơ” của Nguyễn Văn Tám mang nhiều cảm xúc về đất nước, quê hương, về những con người mà tác giả từng gặp, từng sống chung trong chiến tranh cũng như hiện tại. Trong đó, có một số bài thơ hay và xúc động như: “Thơ và tôi”, “Làng tôi”, “Về quê”, “Chiều Vu Gia”...
Ngoài thơ, Nguyễn Văn Tám còn là người vẽ tranh, viết nhạc và đàn hát... Anh nói: Âm nhạc, hội họa và thơ là ba ngôn ngữ tuy khác nhau nhưng không bao giờ thiếu nhau, cứ phải đứng gần nhau để tôn tạo cho nhau. Hơn tất cả những gì không nói được thì thơ sẽ nói. Sỏi đá, tro khói cũng khát khao bật lên những lời thầm kín. Con người cũng khát khao vươn tới hoàn thiện mình hơn.
Tập thơ “Người thoáng hiện” của Tagore là tác phẩm dịch thuật mới nhất của Bùi Xuân trong vài năm gần đây, sau các tác phẩm: Bầy chim lạc (Stray Birds) và Mùa hái quả (Fruit - Gathering) cũng của Tagore. Có lẽ, Bùi Xuân có sự “thuận lợi” trong việc chuyển ngữ do chính anh là một nhà thơ và lại là nhà nghiên cứu lịch sử.
Tuy nhiên, điều đáng quý hơn hết, trong quá trình lặng lẽ, chăm chút hoàn tất những tác phẩm nói trên, anh đã góp phần đem lại bạn đọc Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thơ Tagore. Nhận định về tác phẩm dịch thuật “Người thoáng hiện” TS. Lâm Vinh nói: “Với Tagore, là sự nối tiếp và sáng tạo từ những lời thơ thời sử thi, với người dịch, là sự vận dụng nhịp điệu âm thanh của ngôn ngữ Việt một cách nhuần nhị, nên thể thơ văn xuôi rất đắc địa, tạo cho người đọc có cảm giác như bị chìm đắm trong một dòng sông thơ đang chảy, giữa đôi bờ đầy hoa, kinh qua những thác ghềnh. Sở trường của tập thơ là thể văn đối đáp. Đây là hình thức phổ biến của lối thơ của các quốc gia cổ đại, thời văn triết bất phân.
Nhưng Tagore đã hiện đại hóa thể đối đáp thành những câu hát “giao duyên” hoặc những màn thoại sân khấu. Giao duyên linh hoạt, lúc “anh” và “em” nói với nhau, lúc “anh” hoặc “em” chỉ nói một mình hoặc phân trần với ai đó, một người thứ ba.
Còn thể đối đáp sân khấu là những câu chuyện kịch được dàn dựng hẳn hoi. Mở đầu là vài dòng tóm tắt cốt truyện, sau đó màn thoại bắt đầu. Tư tưởng tác giả thể hiện rõ nhất ở những màn kịch này, những tư tưởng chưa hề cũ ngay cả với thời đương đại.
Về văn xuôi, gồm các tác phẩm: Ngọn lửa xanh (ký của Trần Trúc Tâm), Ký ức người chiến sĩ (ký của Bùi Hồng Khanh), Thuyền độc mộc (tiểu thuyết của Bùi Công Dụng), Đi tìm huyền thoại cho đất (bút ký của Nguyễn Nhã Tiên).
Trong đó, Đi tìm huyền thoại cho đất bao gồm 45 bài bút ký đã dẫn dắt người đọc đi từ những dòng sông Vu Gia, Thu Bồn của đất Quảng (Đi tìm huyền thoại cho đất, Dằng dặc Thu Bồn) đến với cao nguyên đá Đồng Đăng (Nơi đầu mây, đầu gió); từ thánh địa Mỹ Sơn và những địa tầng văn hóa Chămpa (Mỹ Sơn nhớ và quên) đến Côn Sơn của Nguyễn Trãi (Nơi đỉnh núi thơ và mây trắng); từ non thiêng Đền Hùng (Hát dưới chân Đền Hùng) đến đất Phật (Mùa cổ điển Ấn Độ - mật ngôn trên xứ sở sông Hằng)…
Bằng giọng văn trau chuốt, chắt lọc, mỗi bài viết trong tập sách gần như một bài thơ lãng mạn, đằm thắm, đậm chất nhân văn. Dù vậy, theo nhận định của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật, một thân hữu của tác giả: Rằng, cái ưu của tập bút ký này là sự buông cương cho cảm xúc, đồng thời nó cũng chính là cái nhược. Có nghĩa là, sự tự do trong cảm xúc nên được kiềm chế lại một chút. Để cho những chữ hiện ra trong trạng thái yên tĩnh hơn, giản dị hơn...
Nhìn chung, Giải thưởng Văn học TP. Đà Nẵng năm 2015 không thu hút số lượng tác phẩm phong phú vượt trội so với những năm gần đây. Lớp người trẻ kế thừa thiếu vắng. Đề tài đặc trưng về đời sống và mảnh đất con người Đà Nẵng chưa thể hiện dấu ấn đậm nét. Một lần nữa, đây cũng là dịp đội ngũ cầm bút cần suy nghĩ nhìn lại, để tìm ra con đường sáng tạo mới, hướng đến những bước đột phá trong tương lai...
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
