Đôi cánh thời gian và những cơn gió lướt
Tết đã đến thật rồi! Bước thời gian đang khẽ khàng đi qua mốc giao thừa thiêng liêng...
Tự dưng tôi lại nhớ đến lời con chồn trong tác phẩm "Hoàng tử Bé" của Saint-Exupéry: "Chính thời gian ta chăm sóc hoa hồng làm cho hoa hồng trở thành quan trọng". Và chắc hẳn với Tết cũng vậy, đôi cánh thời gian xanh màu xanh lá cây hay hực hồng, hay vàng sáng lên khơi gợi, đó mới chỉ là những biểu hiện thời gian ở bên ngoài. Khi ta hướng về Tết với tất cả tình cảm thiêng liêng, ta thành tâm chăm chút bàn thờ ông bà, cha mẹ, ta nhẹ nhàng nâng niu từng búp mai, búp đào mong cho nở hé kịp giao thừa, ta cảm nhận từng bước đi khẽ khàng của thời gian, từng nhịp tim của trời đất, ta hạnh phúc trọn vẹn trong những phút giây gia đình sum họp, ta yên ắng quay về vùng kỷ niệm nào đó, ta muốn sống trọn vẹn với nó lần nữa, ấy là ta đã làm cho cái Tết của mình trở thành quan trọng. Quan trọng. Đúng vậy! Lúc bấy giờ đôi cánh thời gian trở thành đôi cánh của chính tâm hồn ta.
Những điều tưởng chừng đơn giản đó mà phải khi trên đầu đã hai màu tóc, khi đã bắt đầu đếm ngược thời gian quý giá của mình tôi mới hiểu ra được. Và cũng không khó lắm để ngồi yên lặng toàn tâm toàn ý ngắm những rung rinh, rung rinh ý vị của một búp mai hé sáng, hóa thân trong khoảnh khắc giao thừa. Vẫn biết thời gian bao trùm và chế ngự thiên nhiên, có thể nói là chế ngự tất cả, song nếu không có con người thì điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Đôi cánh thời gian vừa lao vun vút bên ngoài, vừa vỗ khẽ khàng bên trong tâm hồn, ý thức của con người là vậy. Tiếng vang của thời gian trong những ngày Tết nhất này vì thế mà còn tùy thuộc vào từng người, chính xác hơn là tùy thuộc vào tâm trạng của từng người. Với tôi, tiếng vang ấy chất chứa, ắp đầy ba thể thời gian của đời người: Quá khứ, hiện tại, tương lai.
Ở quê tôi, một vùng quê thiếu thốn đủ thứ nhưng rất giàu nắng gió, “tháng Giêng động dài, tháng Hai động tố, tháng Ba nồm rộ…”, câu vè cứ thế nối dài mãi với những tên gọi gió. Vào những ngày giáp Tết có một loại gió lạ lắm gọi là gió lướt, nhẹ thôi, lành lạnh thôi, se se thôi, đúng như cái tên, chỉ lướt qua từng luồng, từng luồng, nhưng nó khiến cho người ta chợt trở nên vụng về, hay đánh rơi đồ vật trên tay, người ta trở nên bần thần, ra ngẩn vào ngơ, mắt cứ xa xăm, xa xôi. Người già nói gió lướt những ngày giáp Tết là gió hớp hồn người. Kỳ thực nó là những cơn gió khiến người ta xao xuyến, khiến người ta quay về quá khứ, khiến người ta nhớ nhung và khao khát.
Chuyện cô Hòa goá chồng (là hàng xóm của tôi) ở vậy nuôi con, cứ mỗi khi gió lướt trườn từng luồng, từng luồng làm trĩu cây lá ngoài vườn thì thế nào cô cũng làm rơi vật gì đó đang cầm trên tay. Hình như cả xóm ai cũng biết chuyện này và thương cô lắm.
Sự bận rộn, tất tả ngược xuôi, liền tay liền chân với trăm ngàn công việc không tên khi ngày hết Tết tới cũng là cách mà các mẹ, các chị vượt qua sức mạnh “hớp hồn” của những cơn gió lướt mơn man ấy.
Riêng tôi, những cơn gió lướt ấy có mang lại chút xao xuyến nhưng cũng không đến nỗi làm cho lòng chùng xuống, bởi tôi đã trải qua những cơn gió còn buốt nhói hơn nhiều.
Ngày đó, tôi học lớp tám, nói vui là “độc lập tác chiến”, nói cho rõ là sống một mình trong chòi rẫy, thời gian Tết là thời gian kinh khủng nhất, dường như nó muốn bóp chết trái tim non nớt của tôi khi đêm ba mươi ập xuống, khi sáng mùng một trống rỗng, lạnh lẽo đến tê tái sáng hửng lên. Gió giật, gió lướt, gió heo may cũng chẳng là gì so với cơn gió quặn thắt trong lòng mà tôi đang phải hứng chịu. Bây giờ nghĩ lại có khi rưng rưng, có khi lại thấy buồn cười, sao lúc ấy mình lại bị nỗi tủi hờn ăn cắp mất quãng thời gian lẽ ra phải vui mừng, lẽ ra phải hạnh phúc, lẽ ra phải rạo rực, chờ đón. Những giọt nước mắt trẻ con lúc ấy lớn lắm, nó choáng hết, nó không cho một chút niềm vui nào xen vào. Nó như tấm lưới vây bủa. Nó như ngọn lửa thiêu đốt… Điều gì sẽ xảy ra đã xảy ra rồi, biết làm sao được, thời trẻ dại mà, ai vừa mới nứt mắt sinh ra đã khôn được đâu. Quả thật nếu ta không trưởng thành thì cuộc đời cứ cuốn phăng, quăng quật ta từ cơn bão này đến cơn bão khác. Và ta sẽ trở thành nạn nhân của những u ám, buồn đau, nhất là thời điểm ngày cùng tháng tận của năm, thời điểm chuyển giao, bắt đầu một chu kỳ thời gian mới.
Tác động của thời gian lên con người và vạn vật thật lạ lùng, vừa vô cùng dễ hiểu nhưng cũng vô cùng khó hiểu, nói như thi sĩ Đinh Hùng: “Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn năm trước”. Nếu thời gian ngừng lại thì không còn thời gian nữa, vậy sự bất biến đó đến từ đâu?! Phải chăng đó là thời gian trong tim người?! Phải chăng những thay đổi tưởng không thể nào ngăn cản được ở ngoài kia thì trong trái tim con người lại theo một quy luật khác biệt?
Không ai đi tháo hết những con ốc, những bánh răng li ti trong chiếc đồng hồ để tìm xem thời gian là thứ gì mà lạ lùng vậy. Cũng không ai bỏ công tìm hiểu, phân tích, diễn đạt những co giãn, những biến động và bất biến, những tái sinh, những khác biệt, những chu kỳ như nhịp tim, như hơi thở của thời gian. Vì nó vô ngôn như cơn gió lướt!
Vì nó vô hình như cơn gió lướt!
Và cũng vì đôi cánh thời gian có thể trở thành đôi cánh của chính tâm hồn con người.
Vậy đó, cứ tưởng thời gian ngoài kia chế ngự, cứ tưởng thời gian ngoài kia bao trùm, thật ra thời gian trong nội tâm con người mang nhiều ý nghĩa hơn.
Tết đã đến thật rồi! Bước thời gian đang khẽ khàng đi qua cái mốc giao thừa thiêng liêng. Giờ thì xin nhường lời cho Lamartine:
“Thời gian hỡi, ngừng ngay cánh lại!
Giờ phút êm, xin hãy ngừng trôi”.
Có những lời năn nỉ thật phi lý nhưng khi ta nghe với tất cả tấm lòng bỗng dưng thấy mình rưng rưng xúc động vô cùng. Vì chính lúc ấy, những ký ức yêu thương, những ký ức vị tha, những ký ức sẻ chia chợt tràn ngập trong lòng, tràn ngập trong trái tim ta.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
