“Điều còn mãi” của mùa thu Cách mạng
Năm nay, “Điều còn mãi” vẫn diễn ra tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội, giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước tới công chúng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” tổ chức lần đầu tiên vào ngày 2/9/2009 đã thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao của giới văn nghệ sĩ và công chúng. Thông qua chương trình hòa nhạc này, khán giả dễ dàng cảm nhận rõ đẳng cấp và chất lượng ngày một được nâng lên khi đem đến cho khán giả hàng loạt tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc của các nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam được trình bày và thể hiện bởi những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam.
Lần tổ chức gần đây nhất, hoà nhạc “Điều còn mãi” đã đem đến cho công chúng một bữa tiệc âm nhạc nhiều màu sắc và có chất lượng chuyên môn cao. Chương trình có sự tham gia của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Trần Mạnh Hùng, NSND Ngô Hoàng Quân, NSND Trần Thị Mơ, NSƯT Bùi Lệ Chi, các ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Lan Anh, Đào Tố Loan, Mạnh Dũng, Diệp Hương, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam & Hợp xướng thiếu nhi Cung thiếu nhi Hà Nội.
Hàng loạt tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình năm ngoái đều là những bài ca đi cùng năm tháng, mang âm hưởng hào hùng: Ca ngợi Tổ quốc, Linh thiêng hồn dân tộc, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, giao hưởng Trở về Điện Biên, Hướng về Hà Nội, Tình ca...
Nếu khán giả đã gắn bó với chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” sẽ dễ dàng nhận thấy, không chỉ đem lại sức sống mới cho các ca khúc cũ, đem lại nhiều xúc cảm với công chúng thưởng thức, chương trình hòa nhạc này còn làm mới nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển.
Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nhạc hàn lâm nước nhà đang bị khuất lấp bởi các phong cách, thể loại âm nhạc mới bùng nổ và phát triển không ngừng trong thời gian qua. Ca sĩ Trọng Tấn nhiều lần tham gia chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” đánh giá đây như một chương trình sử dụng cho âm nhạc nói lên tiếng nói của toàn dân trong ngày Quốc khánh. Một ý nghĩa lớn như vậy chỉ có thể được truyền tải thông qua dàn nhạc giao hưởng.
“Sự vang lên của dàn nhạc giao hưởng là sự âm vang của đời sống, rất thật, giản dị nhưng đầy sức mạnh. Nếu như nhạc pop hay các dòng nhạc khác, dàn nhạc có thể đón đưa, linh hoạt với ca sĩ, thì với nhạc giao hưởng, hàng trăm người chỉ có một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến màn biểu diễn” – ca sĩ Trọng Tấn cho biết.
Trở lại với chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” diễn ra tại Nhà hát Lớn TP. Hà Nội ngày 2/9/2018, công chúng tiếp tục được chìm đắm trong không gian âm nhạc hàn lâm. Chương trình lần này có chủ đề “Trên đôi cánh tình yêu” có sự thay đổi đáng kể. Một số tác phẩm có các nhạc cụ điện tử chơi cùng dàn nhạc giao hưởng để mang lại không khí tươi mới, trẻ trung.
Lần đầu tiên, chương trình hòa nhạc có số lượng ca sĩ tham gia đông đảo nhất đến từ hai miền Nam - Bắc: ca sĩ Mỹ Linh, Đăng Dương, Mạnh Dũng, Khánh Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Phúc Tiệp, NSƯT Hồng Liên tham gia ngâm thơ…
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và là cố vấn nghệ thuật “Điều còn mãi” 2018 chia sẻ, với chủ đề “Trên đôi cánh tình yêu”, chương trình không chỉ hướng tới tình yêu đôi lứa mà rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với đồng bào, đồng chí. Tình yêu ấy là nguồn cảm hứng vô tận mà các nhạc sĩ Việt Nam sáng tạo nên các tác phẩm “còn mãi với thời gian”.
Tại chương trình lần này, nhạc trưởng Lê Phi Phi tiếp tục giữ vai trò chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Trong khi đó, phần thanh nhạc sẽ có sự đan xen giữa các ca khúc tiền chiến, cách mạng và hiện đại như: Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Ai về sông Tương (Văn Giảng), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn), Hát về cây lúa hôm nay (Hoàng Vân), Tháng 3 Tây Nguyên (Văn Thắng - thơ: Thân Như Thơ), Hà Nội mùa thu (Vũ Thanh), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu, thơ: Huy Cận), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Trở về (Tuấn Phương - Lê Tự Minh), Giấc mơ mùa lá (Trần Mạnh Hùng).
Đặc biệt, lần đầu tiên “Điều còn mãi” có nghệ sĩ người Nga Ivan Gorchep tham gia chuyển soạn tác phẩm dân ca “Hoa thơm bướm lượn”. Ngoài ra, chương trình lần này cũng giới thiệu tác phẩm “Du kích Sông Thao” kinh điển của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chuyển soạn cho Tứ tấu Cello và Dàn nhạc giao hưởng.
Theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình “Điều còn mãi”, chương trình này mang trọng trách làm sống lại lịch sử hào hùng và anh dũng của dân tộc bằng những âm thanh rung động nhất, theo cách trân trọng nhất là kết hợp các tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng quốc gia.
Một trong những điểm làm nên ý nghĩa đặc biệt của “Điều còn mãi” là được tổ chức vào ngày Quốc khánh, thời khắc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào năm 1945. Sân khấu Nhà hát Lớn - nơi được mệnh danh là “thánh đường nghệ thuật” cũng góp phần tôn vinh giá trị của buổi hòa nhạc, tôn vinh các tác phẩm đi cùng năm tháng.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
