Để cao nguyên đá nở hoa
![]() | Nỗi niềm cao nguyên đá |
![]() | Chợ phiên Đồng Văn: Vẫn mãi rực rỡ sắc màu văn hóa |
Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại Hà Nội, lễ ký kết hợp đồng tư vấn, lập quy hoạch đầu tư phát triển du lịch Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và TP. Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2035 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và Công ty TNHH McKinsey&Company Việt Nam (thuộc Tập đoàn McKinsey của Mỹ) đã diễn ra.
Tham dự buổi lễ ký kết có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Hà Giang có nhiều dân tộc với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, lễ hội đặc trưng, nhiều di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, nhất là Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn…
Đây là tiềm năng quan trọng để Hà Giang hình thành và phát triển du lịch quy mô lớn, giá trị cao, kết nối quốc tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình cơ cấu lại kinh tế.
![]() |
Cảnh chợ phiên tại Đồng Văn |
Thực tế chỉ ra rằng, tại cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều ưu thế để phát triển ngành du lịch. Đơn cử như chợ phiên Đồng Văn diễn ra đều đặn vào ngày Chủ nhật hàng tuần, được xem là “đặc sản văn hóa” vì phiên chợ ở nơi địa đầu Tổ quốc vui như ngày hội, có sự quy tụ của các đồng bào dân tộc trên địa bàn như: Mông, Giáy, Tày, Nùng, Hán, Lô Lô, Dao, Kinh… về để giao thương và giao lưu. Cứ đến phiên chợ, đồng bào các dân tộc lại bày bán tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết của con người trong cuộc sống thường nhật như quần áo, giày dép, nông cụ lao động, hóa mỹ phẩm…
Nhưng tất cả được sắp xếp quy củ, gọn gàng và rất dân dã, mộc mạc. Không khí chợ phiên luôn ồn ào và tấp nập, từ ngoài cổng, người bán, kẻ mua vui vẻ trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ chung (tiếng người Kinh) hoặc ngôn ngữ riêng của từng dân tộc, điều đó làm cho chợ phiên có một nét độc đáo không phải địa phương nào cũng có được.
Chợ phiên tại cao nguyên đá Đồng Văn không đơn thuần chỉ là phiên chợ trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mà quan trọng hơn, nó biểu hiện cho những bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Điều này sẽ góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và cùng khám phá.
Bên cạnh đó, tại cao nguyên đá Đồng Văn còn có khu phố cổ có những ngôi nhà với kiến trúc độc đáo, có tuổi đời hàng trăm năm. Theo các sử liệu, khu phố cổ Đồng Văn được hình thành và xây dựng từ đầu thế kỷ XX xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Bên cạnh sự phát triển của kiến trúc hiện đại đang thay đổi từng ngày, tại khu phố cổ Đồng Văn hôm nay vẫn còn đó những bức tường đất, những chiếc cầu thang, hàng lan can gỗ, mái lợp ngói âm dương - một loại ngói đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới phía Bắc… tồn tại một cách bền chặt với người dân.
Đã có nhiều du khách trong và ngoài nước đến với khu phố cổ Đồng Văn và tất cả đều ấn tượng với kiến trúc của các ngôi nhà có nhiều nét khá tương đồng: Cột gỗ, có 2 tầng (tầng gác và tầng trệt); tường trình đất, một số thì xây bằng gạch dày 0,50m, các vì kèo, cột gỗ được làm bằng gỗ nghiến, thông đá không có mộng thắt, chạm trổ cầu kỳ nhưng kết cấu gỗ hiện nay còn khá nguyên vẹn.
Thật khó mà tiết chế được cảm xúc khi trực tiếp đến với khu phố cổ lúc màn đêm buông xuống. Thời điểm về đêm, những ánh sáng hắt ra từ những ngôi nhà cổ đầy lung linh, đâu đó âm thanh quen thuộc của tiếng kèn môi của các chàng trai Mông gọi bạn tình lại ngân lên thắm thiết.
Theo người dân nơi đây, từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức “Đêm phố cổ” vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Trong “Đêm phố cổ”, các hộ dân đồng loạt treo đèn lồng đỏ, đồng thời tổ chức các hoạt động mang đậm bản sắc như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bày bán các món ăn truyền thống với kỳ vọng thu hút khách du lịch giống như cách làm ở đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đã làm.
Hiện nay Đồng Văn còn được các nhà khoa học đánh giá là vùng có hệ địa - sinh thái núi đá độc đáo và đa dạng với quần xã rừng nguyên sinh còn tương đối nguyên vẹn và hệ động vật phong phú.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, việc phát triển du lịch khu vực cao nguyên đá sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương và góp phần đảm bảo ổn định chính trị khu vực vùng biên, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Đây cũng chính là những bước đi nhằm đưa Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn, chất lượng, bền vững, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
