Còn mãi “Một mùa xuân nho nhỏ”
Tôi không sao quên được giao thừa bước sang năm 1981. Thường thì sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước ở thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới luôn có một chương trình văn nghệ tổng hợp kéo dài cả giờ đồng hồ.
![]() |
Người lính biên phòng trên bước đường tuần tra đảm bảo cho nhân dân đón Tết an toàn |
Trong chương trình này, tôi nghe được một bài rất lạ, thú vị, nghe mà thấy gai người. Không phải vì kinh sợ theo nghĩa thông thường của từ này mà vì bài hát quá hay, đã lâu lắm tôi mới được nghe một bài như thế. Giai điệu nghe cứ bâng khuâng, nao nao thế nào. Tết đến, xuân về, tâm trạng của nhiều người thường là vui vẻ, hân hoan. Vậy mà bài hát cứ khiến tôi phải suy tư, trầm mặc, có chút gì đó bùi ngùi, bồi hồi.
Ôi! Mới phù hợp với không khí sau phút giao thừa làm sao! Ở cái khoảnh khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, giữa cái cuối đông và đầu xuân, trong cái rét ngọt của đêm trừ tịch, sau những tràng pháo rộ lên rồi tiếp tục râm ran đâu đó (khi ấy Nhà nước chưa cấm đốt pháo), người ta quây quần lại, ngả cỗ cúng giao thừa xuống, rồi vui vẻ nâng cốc chúc nhau.
Ai cũng hoan hỉ, hồ hởi, rộng lượng, sẵn sàng thể tất mọi thứ, cho qua tất cả những khúc mắc của năm cũ để bước vào năm mới. Nhưng qua đi giây phút ấy, trẻ con lên giường ngủ. Người lớn thao thức và không ít người ngồi suy ngẫm, chiêm nghiệm cuộc đời. Bài hát thật phù hợp với tâm trạng của những người như vậy. Đó là bài Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, phổ thơ Thanh Hải.
Tôi nhớ rõ ca sĩ lần đầu hát bài hát này trên làn sóng là Kim Phúc khi đó còn rất trẻ, mới ở độ tuổi 20, hình như đang còn là sinh viên trường Đại học Âm nhạc (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Trước đó, mọi người đã biết tên tuổi nhà thơ Thanh Hải. Ông được coi như một trong những nhà thơ mở đầu nền thơ ca chống Mỹ ở miền Nam với tập thơ khá tiêu biểu Những đồng chí trung kiên. Bài thơ Một mùa xuân nho nhỏ được Thanh Hải sáng tác trên giường bệnh trong Bệnh viện Trung ương Huế những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Đó là những ngày tháng 12/1980. Bài thơ là chút tâm sự, chiêm nghiệm của một nhà thơ đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Là bạn thân của Thanh Hải, nhạc sĩ Trần Hoàn đã ngay lập tức phổ nhạc bài thơ khi nhà thơ vừa hoàn thành mới ở dạng bản thảo và nhanh chóng đến với thính giả.
Một mùa xuân nho nhỏ lại là một thành công đặc biệt thứ hai của Trần Hoàn sau Lời ru trên nương. Nhạc sĩ đã tìm được một bài thơ sâu sắc với tứ thơ hay, giàu sức thuyết phục: Mỗi người chúng ta hãy khiêm nhường đóng góp chút gì bé nhỏ để góp phần làm nên cuộc đời tươi đẹp, hãy hoà cùng mọi người, hãy chia sẻ với đồng loại, chớ ồn ào phô trương, chớ chỉ thấy mình, hãy “làm con chim hót, làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”. Khiêm nhường mà kiêu hãnh và vị tha biết bao!
Trong bài hát, tôi thích nhất hai chi tiết :“Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời” và “Một nốt trầm xao xuyến”. Chim hót vang trời giữa mùa xuân có “người cầm súng” với “lộc giắt đầy trên lưng”, có “người ra đồng” với “lộc chải dài nương lúa”. Đẹp quá! Vui quá! Nhưng sao nét nhạc nghe cứ lắng lại. Cái quãng 5 đổ xuống giữa “vang” và “trời” sao bâng khuâng thế, sao bùi ngùi vậy?
Ôi mùa xuân của những người giàu suy nghĩ, đâu chỉ là chuyện riêng bản thân mà là chuyện của giang sơn, đất nước, của muôn người chưa được toàn vẹn hạnh phúc vì còn lắm nỗi gian truân: “Đất nước bốn nghìn năm vất vả và gian lao”. Chính bởi vậy, hãy nguyện làm “một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”. Một nốt thôi, lại là nốt trầm để lẩn vào, lặn xuống, để tan biến. Khiêm nhường biết chừng nào. Nhưng đâu phải vai trò nhỏ. Bè trầm trong hợp xướng là vô cùng quan trọng. Thiếu nó, hợp xướng hẳn sẽ mất hết màu sắc, không thể hay.
Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn tâm sự là sau khi bài hát Một mùa xuân nho nhỏ ra đời và có đời sống tốt trong công chúng, năm nào sắp đến Tết, ông cũng được Đài phát thanh TNVN đề nghị sáng tác bài hát mới về mùa xuân. Nhưng ông không dám dứt khoát nhận lời, chỉ hứa sẽ cố gắng viết.
Tuy nhiên, nhiều năm đã ngồi vào đàn mà không thể viết được. Chính xác là ông có viết ra nhưng lại tự hủy vì thấy không thể vượt qua cái bóng của chính mình. Bởi những bài về sau ông tự thấy kém xa bài mình đã phổ thơ của Thanh Hải.
Một mùa xuân nho nhỏ ra đời cách đây đã hơn một phần ba thế kỷ. Đó là quãng thời gian quá đủ để khẳng định giá trị bất hủ của một tác phẩm nghệ thuật. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, lại có hàng chục bài hát mới viết về mùa xuân ra đời nhưng quả là tôi không thấy có bài nào sánh được với bài hát này. Mỗi dịp nghe Một mùa xuân nho nhỏ, tôi vẫn thấy nguyên vẹn cảm giác nao nao, bồi hồi, xao xuyến như lần nghe đầu tiên. “Một mùa xuân”… “nhỏ” nhưng hiệu quả cảm xúc và thẩm mỹ đem lại cho người nghe thì vô cùng mạnh mẽ, lớn lao.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
