Cờ vua Việt Nam mang đội hình mạnh nhất dự Olympiad cờ vua 2018
![]() | Khai mạc Giải Cờ vua Quốc tế HDBank 2018 - mùa thứ 8 |
Olympiad cờ vua (vô địch cờ vua đồng đội thế giới) được tổ chức hai năm một lần. Năm nay tuyển cờ vua Việt Nam mang đội hình gồm: Lê Quang Liêm, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Khôi (đồng đội nam); Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng, Hoàng Thị Bảo Trâm và Bạch Ngọc Thùy Dương (đồng đội nữ). Trong đó, Đại kiện tướng Đào Thiên Hải với tư cách đội trưởng kiêm kỳ thủ thi đấu, đánh dấu số lần tham dự nhiều nhất với 13 lần.
Hầu hết các tên tuổi trên đều trưởng thành từ Giải Cờ vua Quốc tế HDBank. Trong đó, 2 kỳ thủ đã từng chạm ngôi vị cao nhất Giải HDBank trong nhiều năm là Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn.
![]() |
Đội tuyển cờ vua Việt Nam xuất quân với đội hình toàn cao thủ. Chủ tịch Liên Đoàn Cờ Việt Nam - ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Lê Thành Trung – Phó chủ tịch Liên Đoàn Cờ, Phó Tổng giám đốc HDBank; ông Trần Ngọc Tâm - Tổng Giám đốc NamABank cùng đoàn vận động viên đã đến Batumi. |
"Tuyển Việt Nam chỉ đứng thứ 27 về Elo trung bình, vì thế cao thủ Lê Quang Liêm (Elo 2.715) có thể đạt điểm cao ở bàn một", Đại kiện tướng David Smerdon nhận định trong bài tổng quan trước giải.
Đội cờ vua nam Việt Nam dự giải với 5 kỳ thủ. Theo thứ tự từ bàn 1 đến bàn 5 lần lượt là Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn (2.620), Trần Tuấn Minh (2.491), Nguyễn Anh Khôi (2.463) và Đào Thiên Hải (2.477). Elo trung bình của Việt Nam tại giải, chỉ tính 4 kỳ thủ có Elo cao nhất, là 2.576. Nhưng xét về những kỳ thủ ngồi bàn một, Quang Liêm đứng thứ 11 về Elo. Đó là lý do giới chuyên môn kỳ vọng thành tích cao từ kỳ thủ 27 tuổi.
Nhưng kể từ lần đầu dự giải năm 2006, thành tích tốt nhất của Quang Liêm mới là hạng 5 khi anh ngồi bàn một năm 2012. Huy chương cá nhân duy nhất của Việt Nam từ trước đến nay thuộc về Trường Sơn. Năm 2014 ở Na Uy, kỳ thủ người Kiên Giang bất ngờ đoạt huy chương vàng với hiệu suất 2.843. Anh đứng thứ 18 về Elo trong những kỳ thủ ngồi bàn hai ở giải năm nay.
Ngoài 2 kỳ thủ đã có kinh nghiệm 6 mùa chinh chiến tại giải là Quang Liêm và Trường Sơn, tuyển Việt Nam còn có 2 kỳ thủ trẻ. Kỳ thủ 21 tuổi Tuấn Minh lần đầu góp mặt ở giải, sau khi không ngừng khổ luyện ở Ấn Độ và Hungary thời gian qua. Trong khi đó, Anh Khôi là em út nhưng cũng có kinh nghiệm thử lửa ở giải năm 2016. Kỳ thủ 16 tuổi sẽ ngồi bàn 4, trong khi lão tướng Thiên Hải sẽ đóng vai dự bị.
Ở bảng nữ, Võ Thị Kim Phụng (2.368) lần đầu tham dự nhưng ngồi bàn 1. Theo sau kỳ thủ 25 tuổi lần lượt là Phạm Lê Thảo Nguyên (2.347), Hoàng Thị Bảo Trâm (2.323) và Nguyễn Thị Mai Hưng (2.244). Kỳ thủ 15 tuổi Bạch Ngọc Thùy Dương (2.161) đóng vai dự bị. Elo trung bình của tuyển nữ là 2.321, đứng thứ 19 trước giải.
Giải cờ vua đồng đội thế giới (Chess Olympiad) được tổ chức 2 năm một lần. Giải năm nay diễn ra tại thành phố Batumi (Georgia) từ 24/9 đến 5/10, với kỷ lục 185 đội tham dự. Mỗi đội mang đến 5 kỳ thủ, nhưng chỉ 4 người thi đấu mỗi vòng. Các đội thi đấu theo thể thức gần giống hệ Thụy Sĩ, 11 vòng. Đội Việt Nam tham dự với mục tiêu đạt thứ hạng cao ở nội dung đồng đội, và có huy chương cá nhân. Đội nhận được sự đồng hành và tài trợ từ một số ngân hàng với số tiền 37.000 đôla, trong đó HDBank hỗ trợ 30.000 đôla.
Giải Olympiad Cờ vua năm nay thu hút 189 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây là năm thứ 13 đội tuyển Việt Nam tham dự giải cờ uy tín này. Giải năm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu tổng cộng 9 trận, theo thể thức đấu đồng đội: 4 kỳ thủ của đội tuyển Việt Nam với 4 kỳ thủ đội tuyển nước bạn. HDBank vinh dự đồng hành cùng đội tuyển Cờ vua Việt Nam tham dự giải Olympiad Cờ vua Thế giới 2018 (tài trợ toàn bộ chi phí vận chuyển và trang phục thi đấu).
Đồng hành cùng thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn cờ vua nói riêng, từ năm 2011 HDBank cùng Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức Giải cờ vua quốc tế HDBank thường niên. Đến nay, Giải là một sân chơi lớn của các cao thủ đẳng cấp thế giới đến tham dự và là cái nôi phát triển nhiều tài năng cờ vua Việt Nam.
Thông tin thêm về Giải: Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tham dự giải Olympiad Cờ vua Thế giới năm 1990 tại Novi Sad, Nam Tư cũ. Các kỳ thủ lần đầu tiên tham dự giải này là Đặng Tất Thắng (kiêm đội trưởng), Từ Hoàng Thông, Đào Thiên Hải, Hồ Văn Huỳnh, Nguyễn Anh Dũng và Cao Sang. Đội tuyển nữ, đội trưởng kiêm huấn luyện viên Nguyễn Phước Hạnh và 4 kỳ thủ: Pham Ngọc Thanh, Mai Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phan Huỳnh Băng Ngân. Thành tích cao nhất của đội tuyển cờ vua Việt Nam là hạng 7 đồng đội nam tại Olympiad Cờ vua lần thứ 40 Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2012 và hạng 7 nữ tại Chess Olympiad lần thứ 35 Bled, Slovenia năm 2002. Cũng tại năm này, Đại kiện tướng Hoàng Thanh Trang đạt thành tích cá nhân cao nhất với huy chương vàng bàn 1. Giải gần đây nhất Olympiad lần thứ 42 tại Bacu, Azerbaijan , đội nữ với Phạm Lê Thảo Nguyên, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng và Nguyễn Thị Thanh An xuất sắc tiếp tục lập lại thành tích hạng 7. Với đội hình thi đấu năm nay kết hợp giữa tài năng, kinh nghiệm và dần trẻ hóa, đội tuyển cờ vua Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vị thế mình trên trường cờ vua thế giới. Giải Olympiad Cờ vua thế giới là một trong những giải cờ vua quan trọng bật nhất trên thế giới, bất cứ kỳ thủ nào cũng mơ ước được khoác áo đội tuyển quốc gia mình tham dự. Giải Olympiad Cờ vua thế giới là giải thi đấu thể thao bình đẳng nhất khi các vận động viên khiếm khuyết như các đội IBCA (đội khiếm thị), ICSC (đội khiếm thính) và IPCA (đội khuyết tật) đều đặn tham dự ngang bằng các vận động viên bình thường khác hoặc có quốc gia cử vận động viên nữ qua đấu bảng nam như vận động viên nữ nổi tiếng Judit Polgar (của Hungary). Giải được FIDE (Liên đoàn Cờ vua Thế giới) chính thức tổ chức từ năm 1927 tại Luân Đôn. Đến thập niên bốn mươi của thế kỷ trước bị gián đoạn do Chiến tranh Thế giới thứ II. Năm 1950 tại thành phố Dubrovnik, Nam Tư cũ - nay thuộc Croatia giải được tiếp tục với lần thứ 9 và vào năm này FIDE quy định giải sẽ được tổ chức 2 năm một lần cho đến tận ngày nay. Ngoài ra, giải cũng được tổ chức 4 lần không chính thức, lần đầu tiên tại Paris trùng với Thế vận hội mùa hè 1924 và ngày kết thúc giải 20/7/1924 cũng là ngày chính thức thành lập tổ chức FIDE. Thoạt đầu, Giải chỉ có các đội mở (nam và nữ đấu chung) nhưng đến năm 1976 khi Israel nhận tổ chức đăng cai tại thành phố Haifa thì tổ chức 2 đội riêng biệt nam và nữ, đây cũng là Giải bị chi phối lớn bởi chính trị khi một số liên đoàn từ chối tham dự và một số Liên đoàn Ả Rập tổ chức giải riêng tại thời điểm giải chính thức diễn ra. |
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
