Cầu an cũng cần có văn hóa
Xuất phát từ tâm lý “có thờ có thiêng có kiêng có lành” cộng với quan niệm người bị sao xấu (thái bạch, la hầu, kế đô…) chiếu mệnh sẽ gặp xui xẻo cả năm, tiêu tán của cải, ốm đau, thậm chí cả nguy hiểm tới tính mạng. Và việc tìm đến nhờ nhà chùa dâng sao giải hạn là lối thoát.
![]() |
Ảnh minh họa |
Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá, dâng sao giải hạn thuộc văn hoá truyền thống, có từ lâu đời. Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng này có xu hướng tăng gây nên tình trạng ùn tắc giao thông như ở một ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội mà báo chí đưa tin là điều đáng bàn, chưa kể đây đang tạo kẽ hở để ngôi chùa này hay địa phương kia lợi dụng việc này để tổ chức “buôn thần bán thánh”, trục lợi, cầu danh, nhân cơ hội để kinh doanh tín ngưỡng từ tiền công đức và các dịch vụ phục vụ người dân đi lễ…
Trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày, tháng đẹp, xấu trong năm. Việc người dân cúng sao giải hạn đầu năm xuất phát từ vấn đề tâm lý cá nhân. Đồng tình với quan điểm trên, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng pháp phương tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp...
Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Cầu nguyện là bản năng của con người, là khuynh hướng chủ đạo của tất cả các tôn giáo từ thuở sơ khai. Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại, cũng như các tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng khác có chức năng là chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.
Vì vậy, trong văn bản vừa ban hành, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội dược sư cầu quốc thái dân an. Đặc biệt, việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng Chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh được bất an trong đời sống của mình....
Từ thực tế nhu cầu tâm linh của người dân rất lớn, nếu có điều kiện về kinh tế cộng với niềm tin rằng, cúng sao giải hạn sẽ mang lại cho họ an tâm tinh thần thì họ sẵn sàng tham gia. Như đã biết, làm lễ dâng sao giải hạn thuộc về tín ngưỡng dân gian. Nhưng nhà chùa vẫn thực hiện dịch vụ này, bởi nhu cầu người dân có. Một khi có cung ắt phải có cầu. Nên dù là tín ngưỡng dân gian khi được tích hợp dịch vụ của phật giáo, nhà chùa cũng phải theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường, một chuyên gia kinh tế lý giải.
Nói về hiện tượng này, nhà nghiên cứu văn hoá nhìn nhận, việc dâng sao giải hạn thuộc về tín ngưỡng dân gian thì nên trả về cho dân gian. Trong dân gian có thầy cúng, có thể cúng giải hạn vào tháng giêng, Tết thanh minh và làm tại nhà, trước bàn thờ tổ tiên. Nhờ đó, tổ tiên sẽ hỗ trợ con cháu, mang lại bình yên, hạnh phúc, qua đó tạo sự đoàn kết, tin cậy lẫn nhau trong cả gia đình sẽ tốt hơn.
Việc cúng dâng sao giải hạn vào mỗi tháng chỉ nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo Nhân – Quả cho mình mà buổi lễ mỗi tháng như một dịp nhắc nhở mà thôi. Không nên hiểu việc đi giải hạn, giải sao sẽ có thể tránh được cái hạn, cái không may, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu khuyến nghị.
Ở vai trò quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, nếu không kịp thời có những giải pháp để khắc phục hiện tượng này, để niềm tin của người dân bị lạm dụng thì không những không mang lại sự bình yên, hạnh phúc thực sự mà còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân. Không thể chỉ trông chờ việc dâng sao giải hạn mà thoát khỏi những rủi ro, không may mắn…
Theo Thứ trưởng, việc người dân thực hiện cúng sao giải hạn thuộc về vấn đề tâm lý, cơ quan quản lý không thể cấm, mà cần phải có sự tuyên truyền, hướng dẫn tích cực để người dân hiểu đúng văn hóa tín ngưỡng trong giáo lý Phật giáo và hoạt động đi lễ đầu năm.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
