Cần đưa tính dân tộc vào phim Việt
Thực tế phản ánh, điện ảnh nước ta từng có không ít bộ phim đề cao tính dân tộc, đậm đà bản sắc văn hóa và có tính chiến đấu. Trong đó phải kể tới những bộ phim đầy sức hút và có hàm lượng nghệ thuật cao ở những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Cánh đồng hoang”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Nổi gió”, “Đến hẹn lại lên”... Các tác phẩm điện ảnh này vì thế trở thành những “tượng đài” của bộ môn nghệ thuật thứ bảy của nước nhà, là những bộ phim sống mãi cùng thời đại.
![]() |
Đừng đốt - bộ phim Việt được khán giả yêu thích, giới chuyên môn đánh giá cao |
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, mặc dù thời gian qua số nhiều tác phẩm điện ảnh có nội dung và nghệ thuật chưa cao, nhưng đâu đó vẫn có một số bộ phim đáng để tự hào.
TS. Ngô Phương Lan dẫn chứng: “Một số tác phẩm đã được đánh giá cao trên thế giới và trong các kỳ liên hoan phim quốc gia, chẳng hạn như phim “Đừng đốt”, “Mùi cỏ cháy”... Hoặc trước nữa là “Đời cát”, “Bến không chồng”, “Thung lũng hoang vắng”. Đó là những tác phẩm thể hiện rõ bản sắc dân tộc, và trong đó có sự hiện đại, tiên tiến”.
Thế nhưng, bước vào cuộc đua giành thị phần khán giả, các nhà làm phim Việt dường như đang đánh mất tính dân tộc trong các tác phẩm điện ảnh. Theo GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa phải gắn với tính dân tộc, nền tảng văn hóa dân tộc, phát triển trên nền dân tộc. Tuy nhiên, GS. Hoàng Chương cho rằng, một bộ phận những người làm phim thời gian qua thường làm những bộ phim ăn khách, giải trí đơn thuần...
Từ thực tế có thể nhận thấy điện ảnh Việt có nhiều mảng màu nhưng để gọi là có “điểm nhấn” cũng như nét riêng thì chưa rõ rệt. Không ít những tác phẩm điện ảnh đương đại nước nhà đang xa rời tính dân tộc. Khán giả thời nay đã “quen mắt” với nhiều phim chạy theo xu hướng câu khách, mờ nhạt về bản sắc, đặc biệt là các phim chiếu rạp.
Những bộ phim mang tính thương mại, mang tính phi văn hóa, chịu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài và phim thảm họa đã ra đời như “Nhà có năm nàng tiên”, “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Hoán đổi thân xác”, “Cô dâu đại chiến”, “Tèo em”... Những bộ phim này chỉ đạt được về mặt doanh thu phòng vé, về học thuật gồm giá trị nghệ thuật và nội dung tư tưởng thì giới làm nghề phải lắc đầu ngao ngán.
Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần thẳng thắn cho biết: “Việc mượn kịch bản, chuyện nước ngoài, đặt vào Việt Nam làm, như phim Hàn Quốc, phim Mỹ làm ở Việt Nam… thành ra khi xem chúng ta không hiểu chúng ta thuộc quốc gia nào, thuộc dân tộc nào”. Điều này càng được chứng minh bởi những năm gần đây, giới làm phim Việt thiếu kịch bản đã phải mua kịch bản của nước ngoài để biên kịch lại.
Tuy nhiên, có tác phẩm làm lại từ kịch bản nước ngoài xem được, còn đa số vẫn chịu sự ảnh hưởng của phiên bản gốc, thiếu tính cách, tinh thần Việt. Điều này đồng nghĩa rằng sự sáng tạo của giới làm phim nước ta có phần còn hạn chế. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, các tổ chức, cơ quan liên quan cần ngồi lại với nhau để bàn về tính dân tộc trong các tác phẩm điện ảnh là rất quan trọng, cần thiết để đưa nền điện ảnh Việt phát triển, hòa nhập nhưng không “hòa tan”.
Theo vị đạo diễn gạo cội, Bộ Văn hóa cần tạo ra một chiến lược điện ảnh, làm thế nào để dòng phim định hướng vẫn phải có. Vấn đề quan trọng nhất của chiến lược điện ảnh là vấn đề con người. Mà vấn đề con người thì không phải chỉ cử đi học mà chúng ta sử dụng họ như thế nào.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh chia sẻ: “Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay một năm nhập đến 120 phim ngoại, hơn hết chúng ta càng phải bảo vệ bản sắc dân tộc của mình. Và lực lượng tiên phong chính là các đạo diễn, tất cả cần phải chú ý trong dàn dựng tác phẩm của mình”. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng muốn tác phẩm đạt được tính dự báo và giá trị cảnh báo, cần có sự đổi mới cách nghĩ, tầm nhìn và nêu cao bản lĩnh từ phía các nhà quản lý điện ảnh để nhen nhóm và vun đắp, tạo nên những bộ phim mang tính mũi nhọn.
Các nhà làm phim cần tránh lối mòn trong tư duy, cách phản ánh hiện thực sơ lược, hời hợt. Trên thực tế, có một số nhà sáng tác, đạo diễn điện ảnh có ý tưởng mới nhưng tiếc rằng họ không vượt qua được sự “tự kiểm duyệt” nên đã tự đẽo gọt, sửa nắn tầm nhìn cho “an toàn”.
Thói quen đặt ra quá nhiều ý tưởng lớn lao và vấn đề quan trọng nhất trong một tác phẩm khiến cho nhiều nhà làm phim không đủ sức khai thác sâu sắc một vấn đề nổi bật nào, không gây được ấn tượng mạnh và không thuyết phục được người xem. Điều này làm cho nhiều bộ phim nhạt nhẽo, vô vị, kém sức hấp dẫn và sức lay động, mặc dù nội dung tốt.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
