Biến tướng phong tục truyền thống
![]() | Mùa lộn xộn chưa qua |
![]() | Hướng về lễ hội văn minh |
![]() | Giá trị của lễ hội |
Từ mai một
Lễ ăn trâu, cúng lúa mới, cúng sức khỏe voi, cồng chiêng... là những lễ cúng truyền thống từ lâu đời của bà con dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện các lễ cúng này đang đứng trước nguy cơ mai một, bị lạm dụng hoặc biến tướng theo chiều hướng bạo lực, đánh mất bản sắc vốn có.
![]() |
Mọi người dùng giáo đâm trâu chết từ từ trong lễ ăn trâu |
Đơn cử, với người dân Tây Nguyên, voi không chỉ là người bạn đồng hành trong cuộc sống, biểu tượng tinh thần mà còn là người con Giàng đã ban cho người đồng bào nơi đây. Bằng những tình cảm đặc biệt dành “người con” này, bà con các dân tộc bản địa thường tổ chức lễ cúng sức khỏe cho voi với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thông qua lễ cúng, tình cảm giữa người và vật thêm yêu thương, gắn bó, thể hiện lòng yêu thương, quý trọng của con người đối với vật nuôi. Qua đó, nhắc nhở mọi người phải luôn biết cùng nhau chăm sóc, bảo vệ “người con” này.
Tuy nhiên, nét đẹp truyền thống này ngày càng ít xuất hiện trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc nơi đây. Ngay cả các lễ cúng được xem là quan trọng của nhiều bà con dân tộc như: cúng bến nước, mừng lúa mới, cầu mùa, cúng kết nghĩa... cũng đang dần mai một.
Ông Bùi Văn Khối, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện nay, không chỉ nhiều lễ cúng đang bị mai một mà thậm chí, một số lễ cúng như cúng cơn mưa đầu mùa của người M’Nông, cúng rước Kơ Pan (cúng rước ghế dài vào nhà) gần như biến mất hoàn toàn.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một số lễ, hội bị mai một là do sự giao thoa văn hóa, đời sống kinh tế của người dân thay đổi, môi trường sống theo xu hướng hiện đại nên việc mai một lễ cúng là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh sự mai một, một số lễ cúng vẫn được duy trì hàng năm nhưng lại bị biến tướng, lạm dụng. Điển hình như lễ ăn trâu của bà con dân tộc Ê Đê bị biến tướng ngay cả từ tên gọi.
… đến biến tướng
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên bà Linh Nga Niê K’dăm, trước đây, khi gia đình, dòng tộc hay buôn làng làm lễ bỏ mả, mọi người sẽ tiến hành đâm trâu làm lễ cúng dâng lên thần linh. Nhiều năm trở lại đây, mọi người gọi lễ ăn trâu thành lễ đâm trâu.
Cùng với đó, nghi thức tạ ơn thần linh cũng thay đổi. Trong các lễ ăn trâu trước đây, khi đâm chết con trâu, một số dân tộc làm nghi thức khóc trâu rồi đâm một nhát trúng tim để nó chết một cách nhanh chóng. Còn ngày nay, trong các lễ hội, người ta vừa nhảy múa theo nhịp chiêng, lâu lâu lại đâm một nhát để con trâu đau đớn, lồng lộn, chết từ từ do mất máu... Điều này tạo nên sự phản cảm, mang chiều hướng bạo lực, mất đi nét đẹp thuần túy của lễ cúng truyền thống.
Anh Hoàng Đình Nam, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đến Đăk Lăk hòa mình vào các lễ hội truyền thống của người dân du khách rất thích. Song sau khi chứng kiến cảnh con trâu bị hàng chục mũi giáo đâm chết từ từ tôi lại thấy đau lòng. Hi vọng những hình ảnh có xu hướng bạo lực như vậy sẽ không còn xuất hiện nữa.
Trước vấn đề trên, theo ông Bùi Văn Khối, để tránh phản cảm, sắp tới, trong lễ cúng ăn trâu phục vụ lễ hội du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk vận động người dân đưa trâu ra chỗ khác để đâm rồi sau đó mới đưa lễ vật vào cúng.
Ngoài ra, nhằm tránh việc kẻ xấu lợi dụng lễ hội để bày bán hàng hóa chặt chém, chèo kéo khách, lừa tiền công đức... Chính quyền địa phương đã đề nghị các địa phương phối hợp kiểm tra chặt chẽ, đồng thời chịu trách nhiệm nếu xuất hiện các tình trạng tổ chức các lễ hội gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Khối cho rằng, để bảo tồn các lễ cúng truyền thống của bà con, địa phương đã tiến hành khảo sát nhằm nắm lại nghi thức của các lễ cúng, tổ chức tập huấn cho các cán bộ xã, huyện và vận động người dân cùng phục dựng lại các lễ cúng có xu hướng mất đi. Có như thế mới bảo tồn được các lễ cúng của người đồng bào, đồng thời bảo tồn được bản sắc văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
