Bảo tàng Đồng Đình: Một địa chỉ văn hoá độc đáo
Bảo tàng tư nhân đầu tiên tại miền Trung
Nằm cạnh chùa Linh Ứng Bãi Bụt - một công trình tôn giáo nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đồng Đình đã trở thành địa chỉ văn hoá độc đáo kết hợp hài hoà giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng với không gian văn hoá nghệ thuật, góp phần vào sự đa dạng về bảo tồn bảo tàng theo nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của công chúng.
![]() |
Một góc Bảo tàng Đồng Đình |
Sau 8 năm đầu tư xây dựng và sưu tập bổ sung các hiện vật, Bảo tàng Đồng Đình có thể xem là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Trung. Ông Đoàn Huy Giao, vốn là một nhà thơ, nhà báo quen thuộc trong làng văn nghệ cả nước, chủ dự án bảo tàng, đã bỏ công sưu tập các cổ vật quý hiếm từ nhiều thập niên qua, cho biết: Đồng Đình là loại cây họ cau (caryota mitislour) mọc phổ biến ở rừng cấm quốc gia Sơn Trà. Loại cây này mọc tự nhiên và được trồng thêm xung quanh khu vực bảo tàng như một điểm nhấn cho cảnh quan sinh thái chung nên được lấy làm tên “Bảo tàng Đồng Đình”. Đây là công trình sử dụng tối đa lợi thế địa hình tự nhiên, giới hạn tối thiểu sự phá vỡ hoặc làm biến dạng đến cảnh quan chung vốn là giá trị tự thân của quần thể địa lý tự nhiên bán đảo Sơn Trà.
Do nằm trên một địa thế dốc đứng nên chủ đầu tư phải thi công một con đường lát đá kiên cố, vừa chống sạt lở, vừa làm lối đi chính lên khu vực bảo tàng. Cảnh quan tự nhiên ở đây tuyệt đối được bảo lưu, nhưng có sự đầu tư sắp đặt lại cho hài hoà với các công trình chức năng, trong đó gồm nhiều lối đi nhỏ nội bộ. Cải tạo các loại cây tạp, trồng thêm cây bản địa và cỏ tóc tiên được phủ kín như một thảm xanh chủ đạo. Có ba hồ nước tự tạo cùng với dòng suối Bụt róc rách tạo hiệu ứng sơn thuỷ hài hoà cho không gian của bảo tàng.
Hai ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được sử dụng để trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến 2500 năm. Những hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hoá Đại Việt, văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chămpa, văn hoá Trung Hoa và các nền văn hoá khác trong khu vực. Bộ sưu tập gốm cổ được các chuyên gia đánh giá là có một số tiêu bản quý nhìn thấy lần đầu ở Việt Nam. Ví như chiếc đĩa gốm men lam đắp nổi hình cá chép tìm thấy ở khu vực tháp Đồng Dương có niên đại thế kỷ thứ 16 triều nhà Mạc. Một Kosa Linga bằng bạc tìm thấy ở kinh thành Trà Kiệu. Các hiện vật trang sức bằng đá của Văn hoá Sa Huỳnh và nhiều cổ vật gốm sứ được ngư dân tìm thấy trong lòng biển Đông thuộc các nền văn hoá Đại Việt và Trung Hoa… Đặc biệt bảo tàng Đồng Đình cũng được các chuyên gia khảo cổ học đến tham quan và cho nhiều ý kiến về chuyên môn trong lĩnh vực bảo tàng.
Tổ chức trại sáng tác và trưng bày tác phẩm mỹ thuật
Một ngôi nhà kiến trúc hiện đại theo phong cách nhà vườn đồi, có nền cao thấp khác nhau dựa vào địa thế tự nhiên của khu đất. Đặt biệt trong kết cấu kiến trúc công trình này đã sử dụng các khối đá tự nhiên tại chỗ xâm nhập vào bên trong nội thất tạo hiệu ứng thẩm mỹ chưa từng có trong kiến trúc hiện đại, được các chuyên gia kiến trúc và môi trường đánh giá là rất độc đáo. Ngôi nhà được sử dụng trưng bày sưu tập về các tác phẩm tranh tượng nghệ thuật hiện đại. Trước mắt là trưng bày tranh bột màu đen trắng của Đinh Ý Nhi, một trong những hoạ sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật đương đại. Bên cạnh đó là tranh màu mặt nạ của hoạ sĩ Đặng Việt Triều, một thể nghiệm rất độc đáo, giàu biểu cảm giữa hội hoạ và điêu khắc.
Đặc biệt với bộ sưu tập dân tộc học được sưu tập từ các buôn làng dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên trưng bày xen kẽ vào các công trình chức năng khác đã tạo hiệu ứng phối hợp với cảnh quan thiên nhiên rừng xung quanh. Bộ sưu tập là kết quả sưu tầm trong những năm dài lang thang làm phim tài liệu trên vùng sơn nguyên bao la, đến rất nhiều buôn làng các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên của chính chủ nhân. Từ chiếc trống bằng da voi của một thủ lĩnh Mơ Nông, đến con thuyền độc mộc và chiếc cà ràng được tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai Thượng. Và hàng loạt các công cụ và linh khí thuộc nền văn hoá rừng thiêng của các tộc người thiểu số ở miền đất còn nhiều bí ẩn này. Một lò nung gốm và nhà lưu trú dành cho các nghệ sĩ đến sáng tác. Một ngôi nhà sàn sử dụng vào việc bảo quản sách vở tài liệu nghiên cứu các lĩnh vực liên quan…
Ông Đoàn Huy Giao chia sẻ: Mục đích dự án Bảo tàng Đồng Đình không đặt trọng tâm thu lợi nhuận, mà chủ yếu là tạo thêm một địa chỉ văn hoá góp phần nhỏ vào diện mạo văn hoá chung của thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng vừa là nơi trưng bày các sưu tập về văn hoá nghệ thuật, vừa là nơi tổ chức các sự kiện như trại sáng tác mỹ thuật và luân phiên trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của các tác giả trong và ngoài nước. Vì thế Bảo tàng Đồng Đình bước đầu chỉ mở cửa vào hai ngày cuối tuần và các ngày lễ lớn. cũng như phục vụ cho các tour du lịch đặt trước, góp phần vào sự đa dạng về các sản phẩm du lịch cho thành phố biển Đà Nẵng.
Mục đích dự án Bảo tàng Đồng Đình không đặt trọng tâm thu lợi nhuận, mà chủ yếu là tạo thêm một địa chỉ văn hoá góp phần nhỏ vào diện mạo văn hoá chung của thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng vừa là nơi trưng bày các sưu tập về văn hoá nghệ thuật, vừa là nơi tổ chức các sự kiện như trại sáng tác mỹ thuật và luân phiên trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của các tác giả trong và ngoài nước. |
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
