Bao giờ phim cung đấu Việt bứt phá?
Phim cung đấu Phượng Khấu (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) vừa khép lại, khai thác câu chuyện tranh đấu chốn hậu cung của Việt Nam, xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, hay được gọi là Từ Dụ thái hậu, có vai trò quan trọng trong hoạt động chính trị triều Nguyễn. Bối cảnh phim diễn ra khoảng năm 1840 - 1847, giai đoạn bà đang là phi tần của hoàng đế Thiệu Trị. Vượt qua những âm mưu, hiểm nguy chốn hậu cung, bà đã thành công trong việc đưa con trai Hồng Nhậm lên kế vị (tức hoàng đế Tự Đức), còn bà được tấn tôn làm Hoàng Thái hậu. Bên cạnh đấu đá chốn hậu cung, “Phượng Khấu” còn cho thấy câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Bộ phim cung đấu này được đầu tư lớn cả về trang phục và bối cảnh, cũng một ê-kíp hùng hậu về mặt diễn xuất như nghệ sĩ Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, NSƯT Minh Trang, Jun Phạm, Diễm My, Thanh Tú, Ngọc Lan Vy…
![]() |
Cảnh trong phim cung đấu Phượng Khấu |
Tuy nhiên, bộ phim này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều hình ảnh, chi tiết không hợp lý. Như không thấy sự xa hoa của một yến tiệc đúng nghĩa, từ bối cảnh đến đồ ăn đều được quay qua loa khi Đức Bà mở yến tiệc mừng hoàng tử Hồng Thụ. Cùng với đó, do quá tập trung vào diễn xuất nội tâm của các diễn viên như: Hồng Đào, Hồng Vân, Thành Lộc, Lê Thiện nên bộ phim này lê thê, thiếu điểm nhấn. Phim cũng bị chê khi lạm dụng lồng tiếng các nhân vật làm mất cảm xúc người xem. Đặc biệt là lỗi kỹ xảo, cảnh Miên Tông (NSƯT Thành Lộc) đăng quang hoàng đế, do xử lý hậu kỳ chưa tốt nên người xem dễ dàng nhận ra những phông xanh trong phim. Bối cảnh phim quay ở kinh thành Huế nhưng hoàng cung rộng lớn không có lính gác. Những cảnh quay từ trên cao, không gian của cung điện rơi vào thinh lặng, bởi vậy có khán giả hài hước đưa ra bình luận “có lẽ đây là kinh thành bị bỏ hoang”. Nhà thơ - nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt đánh giá: “Đây vẫn là phim cung đấu, nhưng để thỏa mãn thì thật sự làm khó cho người xem khi có quá ít điểm hài lòng. Tôi cũng muốn ủng hộ mà không thể”.
Trước Phượng Khấu, nhiều phim cung đấu Việt được làm lại theo những tác phẩm cổ trang, dã sử của nước ngoài đã được ra mắt nhưng hầu hết không có điểm nhấn, khán giả thấy “nhàn nhạt”. Có thể kể các phim cung đấu Việt như Nam phi liên hoàn kế, Kỳ án cung Diên Thọ, Bổn cung giá lâm, Hoàng hậu họ Huỳnh, Bí mật Trường Sanh cung, 3D Cung tâm kế... có kịch bản chắp vá, ngôn từ, diễn xuất tùy tiện như tấu hài. Một câu thơ trong Nam phi liên hoàn kế của vua và các phi tần làm như giỡn mặt người xem: “Bữa trưa bỗng có trăng tròn. Bánh bèo thì phải ăn kèm nước tương”.
Một yếu tố dễ dàng nhận thấy ở phim cung đấu nước ta, đó là diễn viên sẵn sàng sử dụng những ngôn từ chợ búa, đưa ngôn ngữ của đời sống hiện đại vào phim có tính chất dã sử, yếu tố cung đình. Bộ phim Kỳ án cung Diên Thọ chẳng khác gì một chương trình truyền hình thực tế pha tấu hài, diễn xuất của diễn viên chỉ là trề môi, liếc háy, õng ẹo. Nam phi liên hoàn kế, Kỳ án cung Diên Thọ, Hoàng hậu họ Huỳnh thậm chí không ngại để cho các diễn viên nam giả nữ cung phi tùy tiện để gây cười. Đặc biệt, khán giả không khó để chỉ ra các chi tiết giống nhau về nội dung, diễn xuất của phim cung đấu Việt “sao y bản chính” các phim Diên Hy công lược, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hậu cung Như Ý truyện của Trung Quốc. Ngoài ra, có không ít phim cung đấu Việt chưa đầu tư cho trang phục, đa số những tác phẩm của chúng ta nếu nhìn vào trang phục mà diễn viên mặc trên người thì không biết ở thời nào, quốc gia nào vì quần áo có khi nửa tây nửa ta, phá cách theo kiểu chẳng giống ai.
Nhìn ra điện ảnh thế giới và đặc biệt là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… thì phim cung đấu Việt vẫn ở một vị trí thấp hơn nhiều. Bởi lẽ, phim cung đấu của các nước, khán giả thấy được giá trị nằm ở kịch bản chặt chẽ, lôi cuốn; kỹ xảo độc đáo, hấp dẫn; bối cảnh, phục trang, hóa trang công phu, bắt mắt; diễn viên diễn tốt, hợp vai thì các phim cung đấu của Việt Nam có phần ngược lại. Theo NSND Hồng Vân, ở Việt Nam, phim lịch sử đã được làm nhiều rồi, nhưng cung đấu thì chưa vì phim cung đấu phải có những thủ pháp, cài cắm để hấp dẫn, kịch tính, chứ không chỉ theo sát lịch sử. Vấn đề này ngoài tầm kiểm soát của đạo diễn và biên kịch. Nói cách khác, làm phim cung đấu tại Việt Nam là vấn đề cực kỳ nhạy cảm vì liên quan đến lịch sử mà không được cho phép thì không ai dám làm.
Và điều quan trọng nhất là nhiều phim ở ta gọi là cung đấu nhưng thực ra chỉ là phim cổ trang, dã sử chứ chưa thể gọi là cung đấu. Nếu là tác phẩm đúng nghĩa, các phim cung đấu Việt cũng sẽ cung cấp cho khán giả những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt đối với khán giả mà những tác phẩm cùng thể loại của nước ngoài đã làm được.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
