Báo động phim về tuổi học trò trên mạng
Nở rộ trên mạng
Nhiều khán giả không khỏi ngỡ ngàng nếu theo dõi series Bạn gái tôi trùm trường của đạo diễn Đinh Công Hiếu. Được giới thiệu là series phim tình cảm, hành động dành cho giới trẻ song phim này có những pha hành động táo bạo xen giữa những câu chuyện hài hước về tình yêu, tình bạn, chất nghĩa khí ngất trời của những “tay anh chị” đang ẩn mình trong thế giới học đường. Nhiều tập phim thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem bởi các diễn viên đang nổi ở các phim học đường như Nhi Katy, Dư Khánh Vũ, Trúc Mây, Pinky, Meena... Đáng nói, Bạn gái tôi trùm trường có nhiều cảnh “cô học sinh trùm trường” cởi áo khoe thân, khoe ngực, mặc mỗi đồ lót. Còn chuyện những cảnh quay học sinh đi ăn nhậu, uống bia cả thùng, tổ chức hỗn chiến đánh nhau vì tranh giành bạn gái… nhiều vô kể.
![]() |
Phim về học đường, tuổi học trò trên mạng gần đây khiến nhiều khán giả lo ngại bởi đậm tính bạo lực |
Trong khi đó 3 tập phim Lớp trưởng lớp tôi là đại ca cũng để lại nhiều băn khoăn và trăn trở với người xem. Phim kể về cậu học sinh tên Chiến, sinh trưởng trong một gia đình có “máu mặt” trong giới giang hồ. Bố cậu - một ông trùm lẫy lừng ở thế giới ngầm muốn con trai có đủ học vấn và bản lĩnh để kế thừa vị trí của mình nên ép Chiến trở lại trường học. Sau khi trở lại trường học, Chiến có một cuộc sống hoàn toàn mới với những khoảng lặng, những khó khăn phải vượt qua. Trong phim này, nhân vật cô giáo diện váy ngủ ren khoe vòng 1 gợi cảm khi dạy thêm tại nhà cho nam sinh cô thích; nhân vật thầy giám thị nhận làm tay trong cho nhân vật chính sau khi được dạy cho cách… cua gái. Tất cả những yếu tố bạo lực và đi ngược lại lẽ thường này đã đánh mất đi giá trị của Lớp trưởng lớp tôi là đại ca. Nhưng thật khó hiểu khi những tập phim này vẫn có lượng người xem lên tới cả triệu lượt!
Bên cạnh đó, rất nhiều phim ngắn trên mạng thời gian qua về tuổi học trò, ở trường học đã được trình chiếu tới khán giả, với những tên gọi na ná nhau như: Bạn gái tôi trùm trường, Cô giáo tôi là trùm cuối, Thiếu gia đi học, Đại ca đi học, Con nhà giàu đi học, Giang hồ đi học, Giang hồ học đường, Đại ca giang hồ học đường, Trùm trường đại chiến… Xuất hiện trong các phim trên là hình ảnh diễn viên vào vai những cô cậu học trò với áo trắng tinh khôi. Nhưng điểm chung ở những bộ phim này, đó là các bạn trẻ với tóc tai nhuộm màu nổi, mặt mũi lúc nào cũng đằng đằng sát khí, thường xuyên chửi thề, gọi bạn bè bằng những ngôn từ chợ búa.
Mặc dù là phim về tuổi học trò, được quay ở trường học nhưng các phim kể trên thường xuyên có những cảnh đánh nhau, phản ánh nhiều phe nhóm học sinh với sự hận thù cá nhân. Dù không gian diễn ra ở học đường nhưng những hình ảnh liên quan đến việc học hành, bài vở rất hiếm, đa số các phim ngắn chỉ xoay quanh các màn đánh đấm. Thậm chí, một số phim này còn đưa ra những hình ảnh bạo lực học đường như uống nước rồi phun vào mặt bạn, đổ sữa lên đầu, xô vào xe rác, hoặc trấn lột tiền, quà bánh; mạnh tay hơn thì đánh vào mặt, đấm đá túi bụi cho đến khi máu me đầy người.
Nhìn chung, các phim ngắn học đường trên mạng thời gian qua đều là sản phẩm của những người làm, người đóng không chuyên, kịch bản chưa được trau chuốt kỹ càng nên dễ phim mang tính cảm tính, thiếu sáng tạo nghệ thuật, thông điệp hướng tới cái tốt mờ nhạt... Chính vì thế, không khó để nhận thấy các bộ phim này thiếu tính nhân văn, ngược lại, các bộ phim đang cổ súy bạo lực và đem đến những hình ảnh xấu xí về lứa tuổi học trò nói riêng, môi trường học đường nói chung.
Cần tác phẩm tử tế
Đạo diễn Yunbin (tên thật Thùy Dương) chia sẻ, phim khai thác bạo lực học đường không phải hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu khai thác chủ đề này quá đà, dễ sa vào lạm dụng cảnh bạo lực sẽ dẫn tới hiệu ứng ngược. Tác phẩm sẽ không thể giáo dục người ta hướng thiện, làm điều tốt… mà dễ khiến người trẻ học theo.
TS. tâm lý Nguyễn Hoàng Oanh cho biết, hiện nay có những tác phẩm lại mang đến câu chuyện có phần hơi phiến diện và yếu tố bạo lực quá nặng. Điều này vô hình trung khiến thông điệp phim trở nên nhạt nhòa. Những tác phẩm chiếu mạng, thiếu kiểm duyệt nên dễ dàng có những yếu tố chưa đúng chuẩn mực trộn lẫn vào. Chính vì thế dễ khiến những người trẻ, lứa tuổi học sinh khi xem có khả năng bắt chước, hoặc tò mò. Vì lứa tuổi này luôn nhạy cảm với những điều xung quanh và thích khám phá. Theo TS. Hoàng Oanh, các cơ quan chức năng phải rà soát lại những phim bạo lực học đường trên mạng để có biện pháp xử lý, yêu cầu cắt bỏ những tình tiết chưa đúng chuẩn mực. Ngoài ra, việc xử phạt những trường hợp vi phạm, tiếp tay cổ súy bạo lực nên được làm mạnh tay để có hạn chế những việc này.
Nhiều ý kiến cho rằng, không ít phim bạo lực học đường đang dẫn dắt công chúng đi vào một xã hội đầy rẫy tiêu cực và bạo lực. Để có thể ngăn chặn điều này, mỗi khán giả cần nâng cao nhận thức, thẩm mỹ để tránh những “virus độc hại” mà phim bạo lực trên mạng xã hội đem tới. Trong khi đó, bản thân những nhà sản xuất phim hãy nâng cao trách nhiệm của mình, đừng để đồng tiền làm lu mờ đi những giá trị sáng tạo mang tính nhân văn. Điều đáng nói hơn nữa, đến nay những phim bạo lực học đường, sử dụng hình ảnh của học sinh theo xu hướng bôi nhọ, phản cảm thì chưa thấy cơ quan quản lý nào lên tiếng, cũng chưa có tác phẩm nào bị xử lý làm gương. Do đó rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan.
Theo quan điểm của NSND Kim Xuân, đã là một nghệ sĩ thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội chứ không phải muốn tung ra sản phẩm phim ảnh kiểu gì thì cứ mặc nhiên mà ra mắt. Chỉ khi nào tác phẩm có tính giáo dục, thẩm mỹ thì mới có giá trị, tên tuổi của mình mới được giới chuyên môn, khán giả ghi nhận, đánh giá tốt. Thực tế, bạo lực học đường là vấn đề đáng được đưa lên màn ảnh nhưng phải hợp lý. Các nhà làm phim cần đưa được quan điểm của mình chứ không phải chỉ phản ánh kiểu “vẽ đường cho hươu chạy”. Phim phải có tác dụng răn đe, có tính thẩm mỹ và giáo dục. Việc chỉ phản ánh nửa vời sẽ phản tác dụng.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
