Ý Đảng – Lòng Dân: Cội nguồn sức mạnh để tiến lên
Nhân dân là trung tâm
“Bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại phiên giải trình và trả lời chất vấn sáng 10/11 tại Hội trường Quốc hội - phiên cuối cùng trong 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Đáng lưu ý, kết quả nói trên đạt được trong bối cảnh không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.
![]() |
Xuất khẩu đã có bước tăng trưởng đột phá với việc tham gia các FTA |
Một trong những điểm nhấn nữa đó là những cải cách hành chính mạnh mẽ trong hơn 4 năm qua cũng đã góp phần tăng tổng số DN được thành lập mới đạt gần 350 nghìn DN - tương đương một nửa tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 10 triệu tỷ đồng. Hiện Việt Nam đã có hàng trăm DN có quy mô tài sản từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ USD vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm…
Theo Thủ tướng, những con số thống kê, trích dẫn dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội trong những năm qua. Những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng DN cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. “Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta. Ý Đảng - Lòng Dân chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên”, Thủ tướng nói.
Quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu năm 2021
Nói về mục tiêu tăng trưởng năm 2021, nhận định đại dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Để tiếp tục thực hiện được mục tiêu kép này trong thời gian tới, cần một tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế…
Thủ tướng cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6% là khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước và nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau để bất luận trong trường hợp nào chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.
Một vấn đề khác mà nhiều đại biểu cũng quan tâm là nếu tăng trưởng GDP chỉ ở mức 6% thì năm 2021, làm thế nào để có thể giữ được các cân đối lớn, đảm bảo nguồn thu mà dự toán Quốc hội đã nêu? Theo Thủ tướng, trước hết cần phải tăng cường đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để tăng trưởng vượt 6%. “Chúng ta biết 1% GDP giải quyết trên 300.000 việc làm và giải quyết việc tăng thu ngân sách. Hiện các tỉnh đều khó khăn, nhưng như Quảng Ninh đã tăng thu ngân sách so với dự toán 1.000 tỷ đồng... Điều đó cho thấy chúng ta phải học tập những mô hình, tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa với khả năng của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bởi hạ tầng tốt sẽ giúp thu hút đầu tư tốt, giải quyết vấn đề phát triển, việc làm. Cùng với đó, cần tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Một giải pháp cũng được Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là phải thực sự tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết, như họp hành, đi nước ngoài… cương quyết đảm bảo tỷ lệ bội chi ngân sách không vượt quá mức Quốc hội giao.
Thủ tướng tái khẳng định, thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà thách thức lớn nhất chính là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động. “Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp (dưới 4%) và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau 2,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tổng cộng đã có 122 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, có 6 đại biểu chất vấn 2 lần, 41 lượt đại biểu tranh luận.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường carbon từ tầm nhìn chiến lược
