Xung đột trên từng centimet
![]() | Lắp hộp đen chỉ để… đối phó! |
![]() | Để người dân có văn hóa giao thông |
Cảnh quay từ camera hành trình của một ô tô phía sau ghi lại, lúc đó khoảng gần 8 giờ sáng thứ Hai, một phụ nữ bịt kín mặt đi xe Lead khi chuyển làn đã vượt qua trước đầu một xe ô tô Huyndai 5 chỗ ngồi. Do ở vị trí khó quan sát nên lái xe ô tô đã không xử lý kịp, khiến ô tô va chạm nhẹ với xe máy.
![]() |
Người phụ nữ lái xe Lead chủ động đâm vào sườn xe Huyndai |
Dù không làm hư hỏng xe máy, chỉ khiến chiếc Lead loạng choạng rồi dừng lại, tuy nhiên người phụ nữ lái xe máy tỏ ra bực tức. Chị này lùi xe đâm liên tiếp 3 lần vào sườn chiếc ô tô, trước khi vòng qua đuôi xe Huyndai và chuyển sang làn xe bên cạnh, đi thẳng.
“Thiệt một, đòi lại ba”, hành động trên của người phụ nữ lái xe Lead nhận được rất nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng. Bởi lẽ, va chạm giữa chiếc Huyndai với xe Lead là không chủ đích, trong khi việc đâm xe máy liên tiếp vào ô tô kể trên là hoàn toàn chủ động, mang tính chất sẵn sàng “nghênh chiến”, ngang nhiên phá hoại tài sản của người tham gia giao thông khác.
Nhưng, cho dù hành động đó có thể coi là “quá khích”, thì nhìn lại giao thông đường bộ tại các khu đô thị lớn hiện nay của Việt Nam, có thể thấy đó chỉ là một trường hợp điển hình cho rất nhiều các cách hành xử như thế trên đường. Bản chất của vấn đề là hệ thống giao thông đang làm nảy sinh những nguy cơ tiềm ẩn về xung đột giữa các phương tiện và người tham gia giao thông.
Lý do đầu tiên cho vấn đề kể trên là hệ thống hạ tầng đang quá tải. Bạn sẽ rất dễ thấy cảnh những con đường ken kín xe cộ, nơi mà khoảng cách giữa xe này đến xe kia ở những đoạn giao cắt, giữa giờ cao điểm có khi chỉ vài centimet.
Tôi có bà chị sau mấy tháng học lái xe, lấy xong bằng và cẩn thận thuê người bổ túc tay lái một thời gian khá dài, nhưng hôm mua xe, đi đến đường Nguyễn Chí Thanh thì gặp chỗ ùn ứ. Vậy là, với tay lái còn chưa vững, yêu cầu đi được trên đường phải nhích từng centimet một cách đầy cẩn trọng, thì chị không làm nổi. Cuối cùng đành gọi điện nhờ người tới đưa xe về.
Không chỉ quá tải, hệ thống giao thông đường bộ còn bố trí chưa khoa học, quy hoạch chưa phù hợp với từng loại phương tiện. Các giao cắt giữa các loại phương tiện không chỉ ở những ngã rẽ, mà ngay cả trên đoạn đường thẳng. Không có đường dành riêng phân làn toàn tuyến, thế là mạnh ai nấy đi.
Trên rất nhiều tuyến đường, trên cầu, ô tô dàn hàng ngang choán hết lòng đường. Xe máy len lỏi mọi chỗ trống. Người đi bộ cũng vi phạm giao thông khi băng qua rào chắn, sang đường không đúng nơi quy định, đi dưới lòng đường gây cản trở giao thông… Tất cả mọi người khi tham gia giao thông đều ghi tên vào một “cuộc đua” chen lấn, giành đường.
Hệ quả của một mạng lưới giao thông hỗn loạn ấy khiến cho mỗi người khi tham gia giao thông đều chịu ít nhiều ức chế. Rồi do đường quá đông, lái xe rất khó tập trung liên tục, xử lý kịp thời đối với các tình huống bất ngờ. Kết cục tất yếu là không chỉ trật tự giao thông không đảm bảo, mà rủi ro tai nạn giao thông luôn thường trực trên từng centimet đường.
Theo Tổng cục Thống kê trong một báo cáo công bố cuối tháng trước cho biết tình hình tai nạn giao thông có giảm nhưng vẫn hàm chứa nhiều con số đau lòng. Năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông. Các vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của 8.279 người; làm bị thương 5.587 người và 11.453 người bị thương nhẹ.
Như vậy, bình quân 1 ngày trong năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 28 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 15 người bị thương và 32 người bị thương nhẹ.
Riêng về tai nạn giao thông đường bộ, năm 2017 ghi nhận 9.488 vụ, chiếm 97,1% tổng số tai nạn giao thông của cả nước; làm chết 8.089 người và bị thương 5.517 người.
Nhiều người hay đổ tại ý thức người tham gia giao thông. Thực tế có nhiều người thiếu kiên nhẫn trên đường, giành đường và lấn cản, nhưng không ai muốn “đùa với tính mạng” của mình. Nguyên nhân sâu xa vẫn là từ quy hoạch và phát triển hạ tầng, từ các giải pháp để phân làn tránh chồng lấn tuyến đi của các phương tiện giao thông khác nhau, của thiết chế pháp lý xử phạt đảm bảo điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông…
Đặc biệt những năm gần đây, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Hồi tháng 10 năm ngoái, khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình từng nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Ông nói: “Trong thời gian tới cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm…”.
Rất mong sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, những chiến lược phát triển giao thông được thực thi để cải thiện hệ thống hạ tầng, và các giải pháp kỹ thuật khác sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông, mà đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ, trong thời gian tới.
Tin liên quan
Tin khác

Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025

Nhiều hoạt động phong phú trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025

Chi tiết chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn 2025: Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

“Tân binh toàn năng”: Đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới

Khánh thành công trình kết nối giao thông quan trọng Đà Nẵng - Quảng Nam

Tháng Tư: Người lao động được nghỉ hai kỳ lễ dài ngày

Khai mạc lễ hội BBQ quốc tế tại Ocean City: 150 món nướng, 120 loại bia thủ công đến từ 15 quốc gia
