Xử lý tài sản đảm bảo vướng Luật Phá sản
Tăng quyền xử lý tài sản bảo đảm cho TCTD và VAMC Bán tài sản đảm bảo nợ xấu bảo vệ người gửi tiền VAMC đã mua tổng cộng 296,55 nghìn tỷ đồng nợ xấu |
Đình trệ xử lý do quyền của tòa án
Thời gian gần đây, trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản nợ quá hạn của khách hàng là doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, nhiều NHTM gặp phải vướng mắc, bị đình trệ do các quy định pháp lý của Luật Phá sản 2014.
Cụ thể, theo Điều 41 Luật Phá sản 2014, trong thời hạn 5 ngày làm việc (tính từ ngày tòa thụ lý vụ việc phá sản) tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với các chủ nợ có bảo đảm.
Với quy định này, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng chủ nợ sẽ bị buộc phải tạm dừng ngay cả khi việc thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng đã diễn ra trước thời điểm doanh nghiệp bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trong trường hợp tòa yêu cầu đình chỉ việc xử lý tài sản bảo đảm, các ngân hàng rơi vào tình thế bị động, buộc phải chờ động thái tiếp theo của tòa án, bất kể đang có tư cách là chủ nợ có đảm bảo. Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp vay vốn nhưng có sử dụng tài sản bảo đảm của bên thứ ba (tức tài sản bảo đảm không phải sở hữu của doanh nghiệp đang bị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản).
Đơn cử, giữa tháng 12/2020, Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Công văn số 199/TANDTC-PC, giải đáp một số vướng mắc trong giải quyết phá sản. Trong đó, cơ quan này trích dẫn khoản 1 điều 41 Luật Phá sản 2014. Đồng thời, tái khẳng định “trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự đối với tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không phân biệt đó có phải là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hay không”.
Trường hợp loại trừ duy nhất các NHTM vẫn được tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm là tài sản đảm bảo được xác định là khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 42/2017/QH14 và doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản đã được tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Điều đáng nói là, sau khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và ra quyết định đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm thì tùy theo quyết định của thẩm phán, tài sản bảo đảm lúc này có thể được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh. Khi đó, việc xử lý tiếp theo đối với tài sản bảo đảm sẽ được thực hiện theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ (thực hiện theo điểm a, khoản 1, điều 53 Luật Phá sản 2014). Khi này, rõ ràng quyền lợi của các ngân hàng chủ nợ sẽ bị ảnh hưởng, vì buộc phải chờ triệu tập hội nghị chủ nợ. Ngân hàng sẽ không thể kiểm soát được thời gian tổ chức hội nghị chủ nợ khi gặp các trường hợp này, nhiều ngân hàng rơi vào bế tắc và bị động.
![]() |
Vướng các quy định của Luật Phá sản, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của ngân hàng rất khó khăn |
Nguy cơ hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu hóa
Thực tế, thời gian qua tại nhiều NHTM xảy ra trường hợp doanh nghiệp với vai trò là bên thứ ba sử dụng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp cho một doanh nghiệp hoặc cá nhân khác nhằm vay vốn tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó chính doanh nghiệp bên thứ ba này bị yêu cầu mở thủ tục phá sản trong khi khoản nợ được bảo đảm vẫn còn trong thời hạn.
Gặp trường hợp như trên, các NHTM cũng rơi vào rủi ro bị loại trừ vai trò chủ nợ. Vì theo điều 4 Luật Phá sản 2014, ngân hàng không phải là chủ nợ có bảo đảm đối với doanh nghiệp đang cầm cố, thế chấp, mà ngân hàng là chủ nợ của bên vay trực tiếp. Khi đó, ngân hàng không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bên thứ ba phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho khoản nợ. Đồng thời, ngân hàng cũng không có quyền gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để bảo vệ quyền lợi của mình theo điều 66 Luật Phá sản 2014.
Bên cạnh những bất cập trên, các quy định của Luật Phá sản 2014 cũng đang đặt các NHTM vào tình huống bị động và rủi ro cao bị vô hiệu hóa các hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản của các khoản nợ.
Cụ thể, theo khoản 1, điều 59, Luật Phá sản 2014, các hợp đồng, giao dịch bảo đảm mà doanh nghiệp đã ký trong thời gian 6 tháng trước ngày tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản sẽ bị coi là vô hiệu nếu tòa cho rằng thuộc một trong các trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất là chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp. Trường hợp thứ hai là giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trường hợp thứ ba là giao dịch với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, trường hợp chuyển nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra trong nghiệp vụ nhận bảo đảm của ngân hàng. Vì căn cứ vào tình hình sức khỏe tài chính cũng như uy tín, điểm xếp hạng tín dụng của khách hàng, ngân hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài sản đảm bảo trong quá trình vay nợ.
Đối với các trường hợp 2 và 3, trên thực tế cũng có thể xảy ra tại các NHTM, vì các doanh nghiệp có thể dùng tài sản của mình để làm tài sản đảm bảo cho bên thứ ba vay vốn tại ngân hàng trong thời gian 6 tháng trước ngày tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản. Khi đó, rất khó có thể xác định đây có phải là “giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh” hay “giao dịch với mục đích tẩu tán tài sản” hay không? Như vậy, khi xử lý tài sản liên quan, các hợp đồng thế chấp rất có thể bị vô hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
Chưa kể rằng, nếu bên vay và bên bảo đảm là những người có liên quan (nhóm công ty mẹ-con; doanh nghiệp với người quản lý, điều hành, cổ đông sở hữu chi phối; vợ, chồng, cha, mẹ, anh, chị, em của người quản lý, sở hữu cổ phần chi phối…) thì thời hạn để tòa án xem xét các hợp đồng bảo đảm vô hiệu sẽ được mở rộng hơn rất nhiều, khi đó các hợp đồng bảo đảm được ký trong thời hạn 18 tháng trước ngày tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản có thể bị tuyên vô hiệu, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các ngân hàng.
Tin liên quan
Tin khác

Kiến thức tài chính – hành trang không thể thiếu trong học đường

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Dịch vụ tài chính hướng đến sự tiếp cận bình đẳng, an toàn cho người dân
