Xanh hóa nền kinh tế: Từ chính sách đến thực tiễn (bài 1)
![]() | Xanh hóa nền kinh tế: Ngân hàng đồng hành bằng tín dụng xanh (bài 2) |
![]() |
Nhiều doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn xanh trong quá trình sản xuất. |
Xu hướng tất yếu
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Theo báo cáo mới nhất của Iqair, trong năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 36 toàn thế giới về ô nhiễm không khí. Việt Nam cũng nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Chính vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải.
Bước tiến trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh phải kể đến 17 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 theo 4 chủ đề nhằm xanh hóa sản xuất, lối sống và tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã có mục riêng về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu và xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Với tinh thần quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, xây dựng lối sống xanh, sản xuất xanh đã len lỏi vào nếp sống của từng người, từng nhà. Thực tế cho thấy, nhu cầu mua bán, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường của người dân ngày một gia tăng.
Thay đổi từ những hành động nhỏ
Chị Đặng Quỳnh Chi (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chia sẻ, từ lâu gia đình chị đã hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần hoặc các chế phẩm từ nhựa thay vào đó là mua về sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn như túi xách vải, ống hút tre hoặc ống hút giấy... Mọi thói quen gây hại cho môi trường đều có thể thay đổi từ những hành động nhỏ.
Thói quen tiêu dùng xanh, hướng nền kinh tế xanh cũng trở thành những ý tưởng khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ, trong đó có chàng trai 9X Nguyễn Vạn Tiến - người sáng lập thương hiệu "Ve chai chú Hỏa". Từ chỗ chỉ vài thành viên, nhóm đã là một doanh nghiệp xã hội hoạt động chuyên về lĩnh vực môi trường với quy mô và cách thức hoạt động bài bản, chuyên nghiệp với tiêu chí dung hòa được giữa kinh tế và môi trường. Hiện doanh nghiệp có tới 200 đối tác tạo ra nguồn hàng ổn định, mỗi tháng có thể kiếm từ 60-70 triệu đồng.
Không chỉ trong thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau cũng đang tích cực "xanh hóa" quá trình sản xuất mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn môi trường. Đơn cử, trong ngành dệt may, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đang đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường bằng việc giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, toàn bộ hệ thống nhà máy về xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại, đảm bảo được yêu cầu của khách hàng nhập khẩu. Nhà máy cũng đang tập trung triển khai mục tiêu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế, sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ.
Tương tự, sản xuất xi măng vốn được xem là một trong những ngành hàng tạo ra giá trị kinh tế cao nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhất. Do đó, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xi măng không khói bụi. Hệ thống này thực hiện thu toàn bộ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất clinker để tạo ra điện năng đáp ứng được 30% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy, giúp tiết kiệm được hàng tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống này còn làm giảm phát thải khói bụi và các chất có hại như CO2, NOX và SO2 phát tán ra không khí.
Không chỉ đầu tư vào hệ thống đắt đỏ, ông Vũ Duy Khiêm, Quản đốc Phân xưởng Năng lượng, Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành cho biết đơn vị còn đầu tư các loại xe hút bụi, xe tưới nước, lắp đặt hệ thống phun nước tự động, lắp đặt camera an ninh giám sát bụi, khí thải; thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải... để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, để doanh nghiệp chuyển đổi hướng đến nền kinh tế xanh không phải chuyện dễ dàng. Một số chuyên gia nhìn nhận, hiện có 3 yếu tố quyết định chuyển đổi một nền kinh tế xanh được hay không đó là yêu cầu về mức độ “xanh” của sản phẩm từ người tiêu dùng; hiệu quả từ những chính sách được thiết kế cho việc xanh hóa nền kinh tế và ý thức, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cho sản xuất xanh. Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi tăng trưởng xanh có những đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu đối với chuyển đổi tăng trưởng xanh, hướng đến nền kinh tế xanh.
Cùng chung nhận định này, một chuyên gia phân tích, muốn chuyển đổi sang sản xuất xanh cần nguồn vốn lớn, trong khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp cần được tối ưu ở mức thấp nhất. Hiện đã có các chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh nhưng chưa đủ để các doanh nghiệp bù đắp chi phí, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những điều này đã gây khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xanh hóa nền kinh tế.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD
